Tăng cường công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động
Những năm qua, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) giảm dần qua từng năm.
Những năm qua, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) giảm dần qua từng năm.
Tại Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam, KCN Đồng Văn II (thị xã Duy Tiên), công tác ATVSLĐ được đặt lên hàng đầu, góp phần xây dựng văn hóa an toàn tại nơi làm việc.
Chủ tịch công đoàn công ty Đỗ Thanh Bình cho biết: Để nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm ATVSLĐ, công ty đẩy mạnh thực hiện “5S” (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng). Sắp xếp, bố trí dây chuyền sản xuất một cách hợp lý, cải tiến quy trình, hướng dẫn công việc, thực hiện sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm giảm thiểu tối đa các yếu tố mất an toàn. Duy trì hiệu quả hoạt động của Ban ATVSLĐ gồm 15 người thuộc các bộ phận, có nhiệm vụ tham mưu bảo đảm các chế độ chính sách về công tác ATVSLĐ và trang bị các trang thiết bị cần thiết cho người lao động (NLĐ), đề xuất và triển khai thực hiện những nội dung về công tác an toàn trong tháng. Tích cực cải thiện điều kiện làm việc cho NLĐ, như: lắp đặt hệ thống làm mát duy trì nhiệt độ ổn định tại nhà xưởng, định kỳ bảo dưỡng máy, 3 tháng 1 lần tiến hành kiểm định về môi trường, không khí, tiếng ồn.
Tháng 2 vừa qua, công ty đã thực hiện kiểm tra ATVSLĐ, gửi báo cáo về tập đoàn và được công nhận đạt kết quả tốt. Hoạt động kiểm tra ATVSLĐ được thực hiện hằng tuần. Nội dung, khu vực kiểm tra được họp, thống nhất và thông báo trước đến các bộ phận. Hằng tháng, công ty đều cập nhật thông tin về tình hình ATVSLĐ tại các đơn vị trong tập đoàn để rà soát, kiểm tra thực tế tại đơn vị mình, kịp thời đưa ra hướng khắc phục, giải quyết những tồn tại nhằm hạn chế tối đa mất an toàn lao động tại nơi làm việc. Ban giám đốc giao tổ trưởng mỗi bộ phận theo chỉ định mỗi tháng phải tìm ra một vị trí suýt gây tai nạn, từ đó viết báo cáo và đưa ra phương án xử lý.
Đặc biệt, vào cuối tuần, lãnh đạo quản lý, các phòng ban sẽ tập hợp tại cổng công ty để giương biển và đọc to khẩu hiệu “Về nhà an toàn nhé” nhằm nâng cao ý thức của NLĐ về an toàn lao động mọi lúc, mọi nơi.
Công ty cũng rất chú trọng đặt các khẩu hiệu tuyên truyền về an toàn lao động, an toàn giao thông ở nhà xưởng, lán xe và các vị trí tập trung khác, tại nhà ăn… Vào đầu mỗi tháng, qua hệ thống loa phát thanh, công ty cũng thông tin đến toàn thể NLĐ về an toàn lao động và các hoạt động của công ty để NLĐ nắm bắt và chấp hành nghiêm túc, nỗ lực thi đua sản xuất để đạt hiệu quả công việc tốt nhất.
Việc mua sắm trang thiết bị, phương tiện bảo hộ cho NLĐ, khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp cho NLĐ được công ty thực hiện chu đáo. Phong trào thi đua “Xanh, sạch, đẹp, bảo đảm ATVSLĐ” được đẩy mạnh. Từ việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm ATVSLĐ nên những năm qua công ty không xảy ra TNLĐ, sức khỏe của NLĐ được bảo đảm, từ đó yên tâm làm việc và cống hiến.
Áp dụng quy trình “5S”; phát huy hiệu quả mạng lưới an toàn vệ sinh viên; thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện ATVSLĐ, phòng cháy chữa cháy; xây dựng nội quy, quy trình ATVSLĐ chặt chẽ… là những hoạt động trọng tâm mà cơ bản các doanh nghiệp đều thực hiện để bảo đảm an toàn lao động.
Với vai trò là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ, các cấp công đoàn trong tỉnh đã tích cực, chủ động tham gia có trách nhiệm, hiệu quả trong công tác bảo đảm ATVSLĐ. Trong đó, tham mưu, đề xuất, phối hợp với doanh nghiệp cải thiện, xây dựng môi trường làm việc an toàn cho NLĐ, duy trì hiệu quả hoạt động của ban ATVSLĐ. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho NLĐ, người sử dụng lao động về công tác ATVSLĐ qua các hội nghị tập huấn, phát tờ rơi, mạng xã hội… Đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật; xanh, sạch, đẹp, bảo đảm ATVSLĐ; tổ chức thăm hỏi, tặng quà NLĐ khó khăn, NLĐ bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp…
Là cơ quan quản lý nhà nước về công tác ATVSLĐ, hằng năm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đều tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác ATVSLĐ tại các doanh nghiệp. Cấp phát hàng nghìn tờ rơi, tài liệu tuyên truyền về ATVSLĐ đến các đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh và khu vực không có quan hệ lao động; cử cán bộ hướng dẫn trực tiếp về công tác ATVSLĐ tại doanh nghiệp. Tổ chức tập huấn về ATVSLĐ cho NLĐ làm việc trong khu vực không có quan hệ lao động…
Theo đánh giá của bà Phạm Thị Huế, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở LĐTB&XH, bảo đảm ATVSLĐ là nhiệm vụ xuyên suốt quá trình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, đơn vị. Trong đó, Tháng hành động về ATVSLĐ là dịp cao điểm nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp và NLĐ về công tác ATVSLĐ. Bên cạnh đó, thúc đẩy các chương trình, hoạt động để phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, cải thiện điều kiện lao động trong các cơ sở, doanh nghiệp; nâng cao ý thức, nhận thức cho người sử dụng lao động và NLĐ trong việc thực hiện ATVSLĐ. Qua đó, từng bước xây dựng văn hóa an toàn lao động, chủ động phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho NLĐ, tài sản của Nhà nước, tài sản của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.
Ngoài sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh hoạt động tự kiểm tra, rà soát nội quy, quy trình ATVSLĐ; tăng cường kiểm soát nguy cơ, rủi ro và đẩy mạnh các biện pháp cải thiện điều kiện lao động và các biện pháp phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp. Tổ chức huấn luyện ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ cho NLĐ; hướng dẫn NLĐ tự đánh giá nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ trước, trong quá trình lao động. Tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe NLĐ, khám sức khỏe định kỳ.
Bản thân NLĐ cần nâng cao ý thức trong việc thực hiện biện pháp an toàn lao động khi làm việc, nhằm ngăn ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp. Từ đó, tạo môi trường lao động an toàn, lành mạnh, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động của doanh nghiệp.