Tăng cường công tác chỉ đạo phòng, chống sâu keo mùa thu
Ngày 24-25/7/2019, tại huyện Mộc Châu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Sơn La tổ chức Hội nghị tăng cường công tác chỉ đạo phòng, chống sâu keo mùa thu đồng thời đi thăm các mô hình sản xuất ngô bị ảnh hưởng bởi dịch cũng như các biện pháp phòng chống dịch đạt hiệu quả cao.
Theo báo cáo của Cục Bảo vệ Thực vật (BVTV), tính đến ngày 19/7/2019, toàn quốc có 16.466 ha ngô hè thu bị nhiễm sâu keo mùa thu, trong đó có 2.740 ha ngô bị nhiễm nặng, 4.396 ha ngô được hướng dẫn các biện pháp diệt trừ sâu keo.
Riêng ở “thủ phủ ngô” Sơn La từ tháng 3/2019, dịch hại sâu keo mùa thu đã phát sinh trên diện rộng, tính lũy kế đã có trên 22.000 ha ngô bị sâu keo mùa thu phá hại; nhiều diện tích ngô phải phun 2- 3 lượt thuốc bảo vệ thực vật để phòng, cá biệt có nơi phải nhổ bỏ ngô để trồng lại. Thiệt hại do sâu keo mùa thu gây hại ngô ở tỉnh là rất lớn.
Tỉnh Sơn La đã chỉ đạo phòng, chống sâu keo mùa thu; tổ chức tập huấn, hướng dẫn cách nhận biết và biện pháp phòng, trừ sâu keo cho hệ thống cán bộ ngành nông nghiệp tại cấp huyện, xã và nhân dân tại các vùng trồng ngô; hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, trừ sâu keo mùa thu; xây dựng các mô hình thử nghiệm các biện pháp, các loại thuốc BVTV trong phòng, trừ sâu keo mùa thu. Tuy nhiên, do đây là loài dịch hại mới, tốc độ lây lan nhanh, gây hại diện rộng, chưa có nhiều thuốc BVTV phun trừ đặc hiệu, dẫn đến công tác chỉ đạo phòng, trừ sâu keo mùa thu gặp nhiều khó khăn.
Trong khi các ruộng canh tác các giống ngô bình thường chịu thiệt hại nặng nề do tình trạng sâu keo mùa thu xâm nhập thì một số hộ nông dân tại Mộc Châu đã sử dụng mô hình ứng dụng giống kháng sâu quản lý sâu keo mùa thu do phía Công ty Bayer Việt Nam lại cho hiệu quả.
Ông Nguyễn Hoàng Mai - một trong các hộ dân canh tác ngô tại Mộc Châu - chia sẻ, “Tháng 4 vừa rồi gia đình tôi trồng giống ngô thường nhưng bị sâu keo mùa thu phá hoại nặng nề, phun 2 lần không thấy đỡ. Vì thế khi ngô được khoảng 50 ngày tôi và hầu hết các hộ trồng ngô ở khu vực 9 héc ta này quyết định phá bỏ đi toàn bộ, chuyển sang sử dụng giống kháng sâu DK 9955S của công ty Bayer vì thấy được chia sẻ là có thể chống lại được con sâu này. Từ đó đến giờ, ruộng ngô của tôi hoàn toàn khỏe mạnh, không còn thấy sâu phá cũng như không phải phun thuốc nữa”.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhận định, đây là loại sâu mới, nguy hại, thời gian đẻ trứng dài, sinh trưởng phát triển phức tạp, các lứa tuổi sâu liên tiếp trong khi điều kiện canh tác của nông dân Việt Nam còn nhỏ lẻ, mỗi nhà một thời vụ khác nhau nên luôn tạo nguồn thức ăn hấp dẫn cho con sâu. Vì thế công tác phòng trừ gặp nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt với các vùng canh tác trên đất dốc gần như không có điều kiện để phòng trừ. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT và hệ thống BVTV tại địa phương đã vào cuộc từ rất sớm.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh các địa phương không chủ quan cũng không hoảng sợ vì hiện đã có nhiều giải pháp hiệu quả, ví dụ như mô hình sử dụng giống kháng sâu của nông dân tại huyện Mộc Châu mà các đơn vị tham dự hội thảo đã được tham quan thực tế. Điều quan trọng nhất là tất cả các tỉnh thực hiện nghiêm chỉnh, nghiêm túc chỉ thị 4962 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT. Cần tập trung vào tuyên truyền nâng cao nhận thức của bà con về tác hại của con sâu này cũng như các giải pháp phòng trừ hiệu quả. Cần triển khai đồng bộ các giải pháp theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành, cái gì tốt hiệu quả cần đưa vào ngay, quy trình có thể thay đổi hàng tuần nếu cần để phù hợp tình hình sản xuất thực tế.