Tăng cường công tác giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp
ĐBP - Trong năm qua, công tác giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã từng bước đi vào nền nếp và hoạt động có hiệu quả, được cấp ủy, chính quyền đánh giá cao, người dân đồng tình ủng hộ. Qua công tác giám sát đã có nhiều ý kiến, kiến nghị thiết thực được các cơ quan chức năng liên quan tiếp thu, chỉnh lý, giải quyết, góp phần nâng cao vai trò của MTTQ các cấp, phát huy quyền làm chủ của người dân.
Ðồng chí Lò Văn Mừng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì buổi giám sát tại huyện Mường Ảng. Ảnh: C.T.V
Năm 2020, Ủy ban MTTQ TP. Ðiện Biên Phủ là đơn vị cấp huyện tiến hành nhiều cuộc giám sát nhất trong hệ thống mặt trận với 4 cuộc là những vấn đề người dân trên địa bàn đặc biệt quan tâm. Bà Lò Thị Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP. Ðiện Biên Phủ cho biết: Năm qua, MTTQ thành phố đã tiến hành giám sát việc hỗ trợ người có công với cách mạng, gia đình chính sách và đối tượng bảo trợ xã hội, người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương do dịch Covid-19. Hay mới tháng 12 vừa qua là việc thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm tại bếp ăn bán trú của các trường tiểu học trên địa bàn. Ðoàn giám sát MTTQ thành phố tiến hành giám sát trực tiếp nội dung này tại các trường: Tiểu học Him Lam; Tiểu học Thanh Trường, Tiểu học Nam Thanh; Tiểu học Hà Nội - Ðiện Biên Phủ; Tiểu học Noong Bua; Tiểu học Hoàng Văn Nô; Tiểu học số 1 Nà Nhạn; Tiểu học số 2 Nà Tấu. Qua giám sát cho thấy còn một số nội dung cần phải điều chỉnh trong thời gian tới, như: 5/8 trường chưa bố trí được phòng ăn, phòng ngủ riêng cho học sinh mà vẫn phải tổ chức ăn hoặc ngủ tại các lớp học; một số bếp ăn, diện tích khu sơ chế, chế biến còn chật hẹp chưa bố trí được theo nguyên tắc bếp ăn một chiều, bếp nấu ăn còn là nhà tạm; bếp ăn còn bố trí gần lớp học gây tiếng ồn ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh, khu vệ sinh của học sinh đã xuống cấp… Qua đó, MTTQ thành phố đã có những kiến nghị gửi Ban chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh, Sở Giáo dục - Ðào tạo, UBND thành phố và các trường có bếp ăn bán trú để chấn chỉnh những nội dung trên.
Tháng 7/2020, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã giám sát việc thực hiện Quyết định số 22/2018/QÐ-TTg ngày 08/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn tỉnh tại huyện Nậm Pồ, Ðiện Biên, Tủa Chùa, Tuần Giáo. Cùng với những kết quả đạt được, đoàn giám sát đã chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế trong công tác này thời gian qua. Cụ thể, tại các huyện được giám sát, dự thảo hương ước, quy ước chủ yếu được bộ phận chuyên môn (Văn hóa hoặc Tư pháp) của xã soạn thảo rồi đưa xuống các địa bàn dân cư lấy ý kiến dẫn đến còn chung chung theo mẫu chưa phát huy được tính dân chủ và vai trò tham gia ý kiến của người dân. Việc xây dựng hương ước, quy ước còn mang tính hình thức, nội dung dập khuôn giống nhau; các quy định trong hương ước, quy ước hầu hết sao chép các quy định của pháp luật và các quy định trong quy ước mẫu nên chưa mang tính đặc thù, sát với điều kiện, đặc điểm của từng vùng cũng như chưa đưa được những quy định cần thiết, cụ thể trong đời sống hàng ngày vào hương ước, quy ước… Trước những tồn tại, hạn chế nêu trên, Ủy ban MTTQ tỉnh đã có ý kiến kiến nghị với UBND tỉnh, UBND các huyện, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để sớm có những chuyển biến trong công tác này.
Ðó chỉ là 2 trong số rất nhiều cuộc giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp thực hiện trong năm qua. Trong năm 2020, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã chủ trì tổ chức 186 cuộc giám sát, trong đó: MTTQ Việt Nam tỉnh 4 cuộc; MTTQ Việt Nam cấp huyện 19 cuộc; MTTQ Việt Nam cấp xã 163 cuộc. Ngoài ra, MTTQ các cấp hiệp thương với các đoàn thể tổ chức 5 cuộc giám sát; phối hợp giám sát 372 cuộc… Nhất là Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phối hợp với các tổ chức thành viên và các cơ quan liên quan phát huy vai trò giám sát và vận động nhân dân tham gia giám sát việc thực hiện nghị quyết của HÐND các cấp; hoạt động của cơ quan Nhà nước; đại biểu dân cử; việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân; việc thực hiện Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn... theo quy định. Nội dung giám sát được lựa chọn trên nhiều lĩnh vực mà các tầng lớp nhân dân quan tâm, bức xúc, phản ánh: Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; việc thực hiện rà soát, bổ sung, thay thế người có uy tín và thực hiện chính sách đối với người có uy tín; tình hình triển khai thực hiện chính sách trợ cấp, trợ giúp xã hội đối với người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội... Cách thức tổ chức giám sát được thực hiện chặt chẽ, bảo đảm đúng nguyên tắc và quy trình, khắc phục sự trùng lặp, chồng chéo về nội dung, thời gian, địa bàn giám sát. Sau giám sát MTTQ Việt Nam các cấp và các đoàn thể chính trị - xã hội đều có những đánh giá trung thực, khách quan ưu điểm cũng như tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc để kiến nghị tới cấp ủy, chính quyền, các cơ quan liên quan xử lý, giải quyết. Những kết quả đó đã góp phần phát huy vai trò đại diện, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời, góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận trong nhân dân, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.