Tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội
UBMTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội luôn thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội. Qua đó, kịp thời nắm bắt những bức xúc xã hội quan tâm, để đề xuất, kiến nghị, đối với cấp ủy Đảng, chính quyền và các cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện.
Những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang thường xuyên chỉ đạo công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) và giao Ban Dân vận Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp Đảng đoàn UBMTTQVN tỉnh thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai, thực hiện các chủ trương của Trung ương, của tỉnh và báo cáo kết quả thực hiện quyết định.
Từ đó, đánh giá rõ kết quả đạt được, những hạn chế và nguyên nhân, nêu lên kinh nghiệm thực tiễn và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp trong tình hình mới, tạo điều kiện thuận lợi để MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện đúng chức năng giám sát và phản biện xã hội. Hệ thống dân vận, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả tốt, củng cố lòng tin của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân với Đảng, chính quyền.
Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh An Giang Đặng Thị Hoa Rây cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch để thống nhất nội dung, chương trình, kế hoạch giám sát. Từ đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, cho ý kiến, đồng thời thống nhất với Thường trực HĐND, UBND tỉnh về nội dung giám sát, phản biện xã hội để xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện, đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, đúng quy trình, tiến độ đề ra.
Từng tổ chức chính trị - xã hội tỉnh chủ trì, phối hợp với UBMTTQVN tỉnh giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị.
Sau các cuộc giám sát, Thường trực UBMTTQVN tỉnh đã báo cáo kết quả giám sát, thông báo kết quả giám sát đúng theo quy định; đề nghị các tổ chức, cá nhân liên quan xây dựng kế hoạch sớm khắc phục những khuyết điểm, hạn chế và kịp thời giải quyết các kiến nghị, đề xuất sau các cuộc giám sát.
6 tháng đầu năm 2024, các cấp công đoàn đã thực hiện 379 cuộc giám sát ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Hội Nông dân tỉnh thực hiện 11 cuộc kiểm tra chuyên đề về hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh xây dựng kế hoạch “Giám sát việc triển khai thực hiện Luật Trẻ em năm 2016” và thành lập đoàn giám sát đối với Hội LHPN TX. Tân Châu. Tỉnh đoàn được lồng ghép vào kiểm tra công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi 6 tháng đầu năm 2024 gắn với kiểm tra công tác Đoàn - Đội trường học năm học 2023 - 2024 ở các đơn vị.
Hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở cấp xã đều phối hợp tốt với chính quyền, mặt trận, đoàn thể cùng cấp để thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tham gia giám sát các công trình trên địa bàn, như: Công trình nạo vét kênh, mương chống hạn, các khoản thu do Nhân dân đóng góp, các công trình cụm tuyến dân cư, các công trình phúc lợi công cộng, xây dựng chương trình nông thôn mới, giảm nghèo bền vững để kịp thời ngăn chặn và xử lý các sai phạm, tránh gây lãng phí, thất thoát vốn và tài sản của Nhà nước.
Hàng năm, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã tổ chức cho đoàn viên, hội viên, Nhân dân tham gia ý kiến vào các dự thảo luật, bộ luật, dự thảo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chương trình, đề án và văn bản quy phạm pháp luật, do HĐND, UBND các cấp ban hành; các dự thảo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương tại kỳ họp HĐND.
Trên cơ sở đó, thẩm định, phản hồi ý kiến đến cơ quan, tổ chức nhằm bổ sung, điều chỉnh các dự thảo chủ trương, kế hoạch, đề án; phản ánh được ý chí, nguyện vọng của Nhân dân đối với quá trình ban hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh và địa phương.
Trong quá trình thực hiện giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã tiếp thu, giải trình và phản hồi cho các đối tượng được giám sát, phản biện nghiêm túc trong việc tuân thủ pháp luật, ý thức chấp hành và thực hiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, phản biện xã hội đối với các yêu cầu của chủ thể giám sát, phản biện xã hội một cách đầy đủ, kịp thời, theo đúng quy định của pháp luật.
Đánh giá đúng việc phản hồi, tiếp thu ý kiến kết quả giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội là rất cần thiết, có ý nghĩa thực tiễn và là thước đo hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội.
Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh An Giang Đặng Thị Hoa Rây nhấn mạnh: “Thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác giám sát, phản biện xã hội đối với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Phát huy vai trò chủ động của UBMTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, với nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức thực hiện hiệu quả, thiết thực. Đồng thời, tăng cường tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, bản lĩnh chính trị, kỹ năng nghiệp vụ giám sát, phản biện xã hội nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới…”.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tang-cuong-cong-tac-giam-sat-phan-bien-xa-hoi-a402448.html