Tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm hình sự

Nhằm góp phần nâng cao chất lượng phiên tòa, chất lượng tranh tụng cho kiểm sát viên (KSV), nâng cao nhận thức, trình độ, kỹ năng nghề nghiệp và trách nhiệm của KSV về công tác kháng nghị phúc thẩm hình sự (PTHS), trung tuần tháng 6 vừa qua, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh đã phối hợp TAND tỉnh tổ chức phiên tòa PTHS rút kinh nghiệm đối với vụ án Nguyễn Xuân Kỳ cùng đồng phạm tội 'tàng trữ trái phép chất ma túy', theo điểm b, khoản 3, Điều 249, Bộ luật Hình sự (BLHS).

Your browser does not support the audio element.

Phiên tòa phúc thẩm hình sự rút kinh nghiệm đối với vụ án Nguyễn Xuân Kỳ cùng đồng phạm

Phiên tòa phúc thẩm hình sự rút kinh nghiệm đối với vụ án Nguyễn Xuân Kỳ cùng đồng phạm

tội "tàng trữ trái phép chất ma túy".

Đây là vụ án do VKSND tỉnh kháng nghị phúc thẩm và báo cáo đề nghị kháng nghị Giám đốc thẩm, hủy Bản án hình sự phúc thẩm số 03/ 2020/HS-PT, ngày 16/1/2020 của TAND tỉnh để xét xử lại theo hướng xác định lại vai trò của các bị cáo và tăng mức hình phạt đối với các bị cáo trong vụ án.

Nội dung vụ án: Ngày 8/4/2019 các bị cáo: Nguyễn Xuân Kỳ, Vũ Mạnh Cường, Bùi Anh Tú, Trịnh Văn Sơn có hành vi tàng trữ trái phép 39,62 g Methaphetamine. Trong đó, bị cáo Nguyễn Xuân Kỳ là người khởi xướng, giữ vai trò chính trong vụ án, bị cáo là người gọi điện thoại bảo bị cáo Vũ Mạnh Cường đi tìm mua ma túy về cùng sử dụng và là người trực tiếp cất giấu, tàng trữ lượng lớn ma túy tại nhà (38,43 g).

Bản án hình sự sơ thẩm xác định bị cáo Nguyễn Mạnh Cường là người giữ vai trò chính trong vụ án, quyết định xử phạt các bị cáo: Vũ Mạnh Cường và Nguyễn Xuân Kỳ 8 năm tù, Bùi Anh Tú 7 năm tù, Trịnh Văn Sơn 6 năm tù về tội tàng trữ trái phép chất ma túy theo điểm b, khoản 3, Điều 249 BLHS (mức án dưới khung hình phạt).

Ngày 22/11/2019, VKSND tỉnh ban hành Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 329/QĐKN-VKS, đề nghị TAND tỉnh xét xử phúc thẩm theo hướng xác định bị cáo Nguyễn Xuân Kỳ là người khởi xướng, giữ vai trò chính trong vụ án và đề nghị tăng hình phạt hình phạt đối với 4 bị cáo.

Bản án hình sự phúc thẩm số 03/2020/HS-PT, ngày 16/1/ 2020 của TAND tỉnh chấp nhận một phần kháng nghị của VKSND tỉnh, tăng hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Xuân Kỳ từ 8 lên 9 năm tù; giữ nguyên bản án sơ thẩm về phần xác định vai trò của các bị cáo, giữ nguyên mức hình phạt đối với 3 bị cáo còn lại.

Ngày 20/5/2020, VKSND tỉnh báo cáo đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm đối với Bản án số 03/2020/HS-PT, ngày 16/1/2020 của TAND tỉnh. Quyết định giám đốc thẩm số 06/2021/HS-GĐT, ngày 8/2/2021 của TAND cấp cao tại Hà Nội quyết định hủy Bản án hình sự phúc thẩm số 03/2020/HS-PT, ngày 16/1/2020 của TAND tỉnh về phần hình phạt đối với các bị cáo: Vũ Mạnh Cường, Nguyễn Xuân Kỳ, Bùi Anh Tú, Trịnh Văn Sơn; giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa phúc thẩm, KSV được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử giữ nguyên quyết định kháng nghị, chủ động xét hỏi để làm rõ căn cứ bảo vệ kháng nghị. Trên cơ sở quan điểm đề xuất của Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử phúc thẩm TAND tỉnh đã chấp nhận kháng nghị của VKSND tỉnh, xác định bị cáo Nguyễn Xuân Kỳ là người khởi xướng, giữ vai trò chính trong vụ án và tăng hình phạt đối với các bị cáo, cụ thể: Nguyễn Xuân Kỳ 12 năm tù, Vũ Mạnh cường 11 năm 6 tháng tù, Bùi Anh Tú 11 năm tù, Trịnh Văn Sơn 10 năm 6 tháng tù. Mức hình phạt phù hợp với quan điểm đề nghị giải quyết vụ án của VKSND tỉnh.

Từ đầu năm đến nay, đây là 1 trong 10 kháng nghị PTHS do VKSND tỉnh yêu cầu khắc phục vi phạm trong hoạt động xét xử của Tòa án. Tại phiên tòa, KSV đã thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật; kiểm sát chặt chẽ trình tự, thủ tục phiên tòa; lập luận chặt chẽ để bảo vệ thành công quan điểm kháng nghị của Viện kiểm sát.

Đồng chí Lại Anh Tuấn, Viện trưởng VKSND tỉnh cho biết: Trong thời gian tới, VKSND tỉnh tiếp tục tăng cường, đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác kháng nghị PTHS. Theo đó, phân công những KSV có năng lực giải quyết những vụ án phức tạp, bởi khi KSV thực hành quyền công tố tại phiên tòa phải kịp thời phát hiện vi phạm tố tụng trong hoạt động xét xử của Hội đồng xét xử, sau phiên tòa phải quan tâm đến việc kiểm sát biên bản phiên tòa để phát hiện kịp thời sai sót của thư ký phiên tòa, từ đó đối chiếu lại kết quả xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa cùng với đề nghị trong bản luận tội của Viện kiểm sát, cũng như việc áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự có căn cứ pháp luật hay không để báo cáo lãnh đạo Viện xem xét việc kháng nghị phúc thẩm.

Đinh Thắng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/217/154287/tang-cuong-cong-tac-khang-nghi-phuc-tham-hinh-su.htm