Tăng cường công tác phối hợp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người

Ngày 16/6, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (PCMT&TP) BĐBP, Bộ Quốc phòng phối hợp với Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an tổ chức Hội nghị sơ kết công tác phối hợp phòng, chống mua bán người và triển khai kế hoạch cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người năm 2023. Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh, Cục trưởng Cục PCMT&TP BĐBP và Đại tá Tô Cao Lanh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an đồng chủ trì hội nghị.

Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Ngọc Lâm

Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Ngọc Lâm

Báo cáo tại hội nghị cho biết, trong 1 năm qua, tình hình tội phạm hình sự nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng diễn biến phức tạp trên cả 4 tuyến: Việt - Trung, Việt - Lào, Việt Nam - Campuchia và tuyến biển phía Nam. Nổi lên là các đối tượng cư trú trong nội địa câu kết với các đối tượng ở khu vực biên giới, đối tượng là người Việt Nam cư trú ở nước ngoài và người nước ngoài thành lập các đường dây khép kín dụ dỗ, lừa gạt, mua bán nạn nhân đưa ra nước ngoài hoặc trong nước nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, kết hôn và cho, nhận con nuôi trái pháp luật.

Thủ đoạn của các đối tượng có hành vi mua bán người đều được thực hiện thông qua các tài khoản mạng xã hội nên rất khó thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của các đối tượng. Bên cạnh đó, các loại tội phạm “nguồn” của mua bán người như tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép, mang thai hộ với mục đích thương mại; mua bán bộ phận cơ thể người cũng có dấu hiệu gia tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mua bán người.

Đại tá Tô Cao Lanh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Ngọc Lâm

Đại tá Tô Cao Lanh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Ngọc Lâm

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, trên cơ sở quy chế phối hợp phòng, chống tội phạm mua bán người giữa Cục PCMT&TP BĐBP, Bộ Quốc phòng và Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an, công tác phối hợp giữa các đơn vị đã được triển khai toàn diện trên các địa bàn, tuyến trọng điểm.

Đặc biệt, công tác trao đổi thông tin về tình hình hoạt động của tội phạm hình sự nói chung, tội phạm mua bán người nói riêng và tội phạm “nguồn” của mua bán người được các đơn vị Công an, BĐBP tiến hành thường xuyên theo hình thức định kỳ và đột xuất, đảm bảo nhanh chóng, kịp thời.

Trong công tác phòng ngừa tội phạm, các đơn vị đã phối hợp làm tốt công tác tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho nhân dân, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới; tập trung vào nhóm có nguy cơ cao bị mua bán, số phụ nữ, trẻ em, các trường học nội trú...

Trong hơn 1 năm qua, các đơn vị đã tổ chức phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật được 510 buổi với 212.813 lượt người tham gia; tuyên truyền cho 70.520 phương tiện thủy hoạt động trên biển với 35.298 lượt thuyền viên tàu cá; qua hệ thống loa truyền thanh địa phương và mô hình "Tiếng loa Biên phòng" 1.439 lượt với 5.268 giờ; cấp phát 61.369 tờ rơi, khẩu hiệu; cấp phát 526 cuốn sách pháp luật; đăng, phát hơn 3.210 tin bài, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng.

BĐBP đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an trong công tác quản lý Nhà nước về trật tự xã hội, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt biên giới, vùng biển, kịp thời phát hiện các hoạt động mua bán người, xuất nhập cảnh trái phép và tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép.

Kết quả trong 1 năm qua, 2 đơn vị đã phối hợp tuần tra được 10.125 lượt với 55.620 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia; tổ chức kiểm tra 215 lượt/610 cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự ở khu vực biên giới phát hiện, xử lý 485 vụ/7.218 người xuất, nhập cảnh trái phép. Đây đều là những đối tượng có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của các đường dây tội phạm mua bán người.

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Ngọc Lâm

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Ngọc Lâm

Tại hội nghị, đại biểu đã tập trung đánh giá kết quả nổi bật cũng như phân tích những tồn tại, làm rõ nguyên nhân hạn chế, khuyết điểm trong công tác phối hợp; đồng thời, đề ra các nhiệm vụ trọng tâm, kiến nghị đề xuất trong thời gian tới để thực hiện tốt các nội dung phối hợp.

Dự báo thời gian tới, tình hình mua bán người tiếp tục diễn biến phức tạp, trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được trong công tác phối hợp, 2 lực lượng sẽ tiếp tục duy trì thường xuyên công tác trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình, phối hợp tuần tra, kiểm soát biên giới, tập trung vào các khu vực trọng yếu, chủ động phát hiện, đấu tranh trấn áp; tăng cường nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ở khu vực biên giới tham gia phòng, chống tội phạm mua bán người, tập trung nhóm có nguy cơ cao, quyết không để tội phạm mua bán người câu kết, hình thành đường dây hoạt động liên tỉnh, liên tuyến, liên quốc gia.

Đồng thời tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức xác minh, giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài trở về; tổ chức điều tra để tạo nguồn xác lập chuyên án chung đấu tranh, triệt phá các đường dây, băng nhóm tội phạm mua bán người; phối hợp tổ chức tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực cho các cán bộ trong công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm hình sự nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng, đặc biệt là lực lượng Công an cơ sở và các đồn Biên phòng tại các tuyến, địa bàn trọng điểm…

Trong 1 năm qua, lực lượng PCMT&TP BĐBP, Quốc phòng và lực lượng Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an đã phối hợp phối hợp điều tra, xử lý 65 vụ/81 đối tượng, xác định 105 nạn nhân, đang điều tra, xác minh 57 vụ/86 đối tượng nghi vấn về hoạt động mua bán người. Trong đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người năm 2022, các đơn vị BĐBP, Công an đã phát hiện, điều tra 24 vụ/17 đối tượng, giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ và bảo vệ 52 nạn nhân.

Ngọc Lâm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tang-cuong-cong-tac-phoi-hop-trong-dau-tranh-phong-chong-toi-pham-mua-ban-nguoi-post462408.html