Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn

Trong những ngày qua, nắng nóng gay gắt và hanh, khô diễn ra trên diện rộng, nguy cơ cháy rừng ở cấp cảnh báo cực kì nguy hiểm. Tại một số tỉnh, thành phố, cháy rừng đã xảy ra gây thiệt hại lớn về rừng, môi sinh môi trường và ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

 Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH tham gia chữa cháy

Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH tham gia chữa cháy

Tại địa bàn tỉnh Quảng Trị, thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao cùng gió phơn tây nam khiến thảm thực vật trở nên khô kiệt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy rừng. Việc người dân đốt rừng làm rẫy, đốt ong lấy mật, đốt củi lấy than, đốt xử lí thực bì nhưng không có phương án kiểm soát... luôn tiềm ẩn sự mất an toàn về cháy, nổ. Bên cạnh đó, một số công trình trụ sở đã xuống cấp, không đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về an toàn phòng cháy chữa cháy nhưng vẫn đang được sử dụng... đã làm tăng nguy cơ tiềm ẩn về cháy, nổ, đặc biệt là tại địa bàn thành phố.

Theo thống kê, từ tháng 12/2008 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 92 vụ cháy, làm 1 người chết, 2 người bị thương, tổng thiệt hại ước tính khoảng trên 9,8 tỉ đồng. So với cùng kì năm 2018, số vụ cháy tăng 42 vụ, số người chết tăng 1 người và số người bị thương tăng 1 người. Đáng báo động là chỉ trong thời gian từ 25/6 đến 1/7/2019, trên toàn tỉnh đã xảy ra 27 vụ cháy, trong đó cháy xảy ra nhiều nhất ở các địa bàn thành phố Đông Hà, huyện Gio Linh và Vĩnh Linh.

Theo điều tra của cơ quan chức năng, một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cháy, nổ là do người dân đốt thực bì dẫn đến cháy lan; thiết bị điện không đảm bảo yêu cầu kĩ thuật, đường dây dẫn hư hỏng, quá tải, chập mạch; do sơ suất, bất cẩn của người dân khi sử dụng lửa trong sinh hoạt đời sống hằng ngày như lạm dụng việc thắp nhang thờ cúng, đốt vàng mã tràn lan, sử dụng bếp gas không an toàn... Thực tế này là tình trạng báo động về nhận thức, trách nhiệm của người dân đối với việc đảm bảo an toàn về cháy, nổ.

Ngoài ra, nhiều cơ quan, đơn vị, cơ sở kinh doanh chưa chú trọng công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; một số cán bộ, người dân còn chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và chưa nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong công tác phòng cháy và chữa cháy. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng kĩ thuật và các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy còn hạn chế. Khi xảy ra hỏa hoạn, ở một số nơi, lực lượng phòng cháy chữa cháy tại chỗ mỏng, phương tiện cũ và thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu công tác chữa cháy. Đây cũng là những bất cập đối với công tác phòng cháy, chữa cháy hiện nay.

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh đã chủ động nắm tình hình, thực hiện nghiêm túc chế độ thường trực sẵn sàng chiến đấu, đảm bảo đủ quân số, phương tiện hoạt động kịp thời có mặt tại các nơi xảy ra cháy để khẩn trương dập lửa, khống chế các đám cháy, ngăn chặn cháy lan, cháy rộng. Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ xuất trên 160 lượt xe cùng hơn 1.300 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Phối hợp với các đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh tổ chức hơn 38 lớp nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy và 1 lớp huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn cứu hộ cho lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở với hơn 2.700 người tham gia. Qua các lớp thực tập đã trang bị cho lực lượng phòng cháy chuyên nghiệp và đội ngũ phòng cháy chữa cháy, cán bộ công nhân viên ở các cơ quan, doanh nghiệp những kiến thức cơ bản về phòng cháy chữa cháy, các thao tác, chiến thuật trong công tác chữa cháy khi có tình huống tương tự xảy ra.

Cùng với việc nâng cao các kĩ năng nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công tác, chiến đấu, lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ yêu cầu các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp tích cực, tăng cường các hoạt động hiệu quả về phòng cháy, chữa cháy. Các cơ quan, đơn vị, cơ sở kinh doanh cần chú trọng hoạt động của lực lượng phòng cháy, chữa cháy tại chỗ, tổ chức huấn luyện, trang bị đầy đủ phương tiện để lực lượng này đủ khả năng phát hiện, báo cháy, chữa cháy kịp thời ngay khi mới phát sinh, không để xảy ra cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng; thường xuyên tự kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy nhằm kịp thời phát hiện và khắc phục các sơ hở, thiếu sót để tránh xảy ra cháy.

Đối với nhân dân, cần chủ động học tập, tìm hiểu về pháp luật, trang bị kiến thức về phòng cháy, chữa cháy và cách thoát nạn. Đối với các sở, ban ngành, đoàn thể và chính quyền các cấp cần phải thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ thị, kế hoạch của Trung ương và địa phương về công tác phòng cháy và chữa cháy; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật, kĩ năng về phòng cháy chữa cháy, nhất là các biện pháp thoát nạn, cứu người để cán bộ và nhân dân biết, tự giác thực hiện, từ đó góp phần kiềm chế các vụ hỏa hoạn có thể xảy ra, đảm bảo an toàn về an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả quá trình phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Nhật Minh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=140514