Tăng cường công tác phòng, chống cháy nổ dịp tết và lễ hội đầu năm 2020
Là đơn vị sản xuất hàng giầy da, nhận thức được tầm quan trọng của công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC), Công ty TNHH Giầy VENUS Việt Nam (Cụm công nghiệp làng nghề xã Hà Bình, Hà Trung) luôn quan tâm đến công tác phòng cháy.
Cán bộ, chiến sĩ PCCC&CNCH kiểm tra phương tiện PCCC tại Khách sạn Sao Mai (TP Thanh Hóa).
Công ty đã thành lập đội PCCC cơ sở, tổ chức tập huấn nghiệp vụ PCCC hàng năm, đầu tư mua sắm trang thiết bị PCCC như bình chữa cháy, máy bơm, hệ thống chữa cháy tự động trong nhà xưởng... Lập hồ sơ theo dõi, quản lý công tác PCCC; niêm yết nội quy PCCC tại nơi dễ quan sát; thường xuyên tuyên truyền kiến thức về PCCC nhằm nâng cao ý thức của cán bộ, công nhân. Anh Đào Tuấn Anh, cán bộ chuyên trách an toàn vệ sinh lao động công ty, đội trưởng đội PCCC cơ sở, chia sẻ: Đối với các cơ sở sản xuất hàng giầy da, nguy cơ cháy, nổ cao thường tập trung ở một số khu vực như nhà xưởng sản xuất, kho chứa hàng và lò hơi, lò hấp... Tuy nhiên, nếu chủ quan thì cháy, nổ có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào. Do đó để ngăn ngừa hiểm họa, chúng tôi luôn ý thức rõ và nghiêm túc thực hiện các quy định PCCC cũng như tuyên truyền sao cho tất cả công nhân nắm chắc, nắm vững các quy định; các biện pháp ứng phó, xử lý và tự cứu khi xảy ra hỏa hoạn.
Tọa lạc ở trung tâm TP Thanh Hóa, Khách sạn Sao Mai (Công ty TNHH Sao Mai Thanh Hóa) có 110 phòng nghỉ. Ông Trần Trọng Văn, giám đốc điều hành, cho biết: Công tác đảm bảo an toàn PCCC tại tòa nhà luôn được doanh nghiệp quan tâm hàng đầu. Khi đưa vào hoạt động, doanh nghiệp đã đầu tư lắp đặt các dụng cụ, thiết bị PCCC phục vụ công tác PCCC tại chỗ. Ngoài ra, doanh nghiệp còn tạo mọi điều kiện thuận lợi để lực lượng chữa cháy tại chỗ thường xuyên tập luyện các kỹ năng chữa cháy đảm bảo cho tòa nhà luôn được an toàn.
Bên cạnh các doanh nghiệp có ý thức chủ động đảm bảo an toàn PCCC, bảo vệ tài sản của mình như Công ty TNHH Giầy VENUS Việt Nam, Khách sạn Sao Mai; còn không ít các đơn vị, doanh nghiệp, nhất là các cơ sở quy mô nhỏ còn thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong công tác PCCC. Tại những cơ sở này, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh) đã tiến hành kiểm tra, nhắc nhở, yêu cầu các chủ cơ sở khắc phục ngay các sơ hở, thiếu sót để đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các nguy cơ có thể dẫn đến cháy, nổ, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, lễ hội đầu năm 2020, Giám đốc Công an tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 342 về cao điểm phòng, chống cháy, nổ dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và lễ hội đầu năm 2020.
Theo đó, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH sẽ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo, tăng cường tuyên truyền, tổ chức kiểm tra an toàn PCCC, củng cố lực lượng, phương tiện, phương án PCCC&CNCH, triển khai kịp thời các biện pháp phòng ngừa, giải quyết dứt điểm ngay từ cơ sở những vụ việc phức tạp về PCCC&CNCH; quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, CNCH... khi có sự cố. Tăng cường lực lượng đến các địa bàn, cơ sở trọng điểm về cháy, nổ để kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn công tác bảo đảm an toàn PCCC&CNCH. Công khai các hành vi thiếu trách nhiệm, các vi phạm nghiêm trọng về PCCC&CNCH để tổ chức, cá nhân biết và phòng tránh... Triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 2447 của Giám đốc Công an tỉnh về “Phân công trách nhiệm, phân cấp quản lý cơ sở về PCCC&CNCH trong Công an Thanh Hóa”. Tăng cường các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng cảnh sát PCCC để kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong công tác PCCC để triển khai các biện pháp chấn chỉnh, khắc phục, phòng ngừa kịp thời. Siết chặt công tác thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC và cấp giấy vận chuyển chất, hàng nguy hiểm cháy, nổ theo quy định. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về PCCC; kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ đối với các cơ sở không đảm bảo an toàn PCCC. Hướng dẫn cho các đơn vị, cơ sở, khu dân cư, chủ phương tiện, chủ rừng chủ động tổ chức công tác chữa cháy theo phương châm “4 tại chỗ”. Rà soát lực lượng, phương tiện của các cơ quan, tổ chức trên địa bàn để huy động phục vụ công tác chữa cháy và CNCH khi cần thiết. Tổ chức tốt công tác thường trực sẵn sàng chiến đấu 24/24h để xử lý kịp thời khi có tai nạn, sự cố xảy ra.
Thông qua việc triển khai thực hiện kế hoạch góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về PCCC và CNCH; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ sở, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC&CNCH; hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra; không để xảy ra các vụ cháy, nổ lớn gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản.