Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết trong trường học
Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) diễn biến phức tạp, gia tăng nhanh và có nguy cơ bùng phát thành dịch lớn trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, để chủ động thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh SXH trên địa bàn tỉnh, đảm bảo sức khỏe cho học sinh, cán bộ, giáo viên, không chế dịch bệnh lây lan, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Sở Y tế xây dựng kế hoạch phối hợp tăng cường công tác phòng, chống SXH.
Việc thực hiện kế hoạch phối hợp nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho học sinh tại các trường về nguyên nhân, hậu quả và các biện pháp phòng, chống bệnh SXH. Phấn đấu 100% các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh đều phát động Chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy tại tất cả các đơn vị trường học hàng tuần từ 18/11 đến tháng 12/2019 trong thời gian dịch bệnh tăng cao và duy trì 1 lần/tháng trong thời gian tiếp theo. 100% các đơn vị trường học tổ chức hoạt động truyền thông phòng, chống SXH hằng tuần trong thời gian dịch bệnh tăng cao, duy trì 1 lần/tháng trong thời gian tiếp theo. Trên 100% học sinh từ tiểu học trở lên thực hiện diệt lăng quăng, bọ gậy tại trường học, hộ gia đình, cộng đồng trong các dụng cụ chứa nước và biết cách loại bỏ nơi sinh sản của muỗi hằng tuần trong thời gian dịch bệnh tăng cao, duy trì 1 lần/tháng trong thời gian tiếp theo.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, nhiều hoạt động cụ thể sẽ được triển khai, trong đó Sở Giáo dục và Đào tạo củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của ngành, chủ trì chỉ đạo triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh SXH trong hệ thống giáo dục địa phương. Sở Y tế là cơ quan phối hợp hỗ trợ chuyên môn, phối hợp với các sở ngành, tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn chỉ đạo tổ chức thực hiện. Đối với các trường học thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, tổ chức triển khai thực hiện hoạt động phòng, chống dịch bệnh SXH tại trường học. Đối với các giáo viên, học sinh, cán bộ, nhân viên, mỗi người thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH bao gồm loại bỏ ổ lăng quăng, bọ gậy, thu gom và xử lí các dụng cụ phế thải, diệt muỗi, bảo vệ cá nhân không bị muỗi đốt. Tại trường học và cộng đồng, tổ chức các hoạt động diệt lăng quăng, bọ gậy hằng tuần để loại trừ nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh SXH. Truyền thông, tuyên truyền đến giáo viên, học sinh, nhân viên… trong trường học về các biện pháp loại trừ nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh SXH ở trường học cũng như gia đình và cộng đồng.
Bên cạnh đó, công tác truyền thông, tuyên truyền, hướng dẫn cũng được đẩy mạnh thực hiện. Các trường học tổ chức truyền thông, tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh SXH trong các trường học hằng tuần trong thời gian dịch bệnh tăng cao và duy trì 1 lần/tháng trong thời gian tiếp theo. Truyền thông trực tiếp thông qua các buổi sinh hoạt dưới cờ vào ngày thứ 2 đầu tuần, tổ chức 1 lần/tháng, 1 tiết/lần. Truyền thông gián tiếp thông qua loa truyền thanh của trường, qua các buổi ngoại khóa phòng chống dịch bệnh SXH, treo băng rôn, khẩu hiệu tại các đơn vị trường học. Đối với ngành Y tế, theo từng tuyến phối hợp với ngành Giáo dục và đào tạo trong công tác triển khai các hoạt động truyền thông tại các trường học. Các hoạt động khác như diệt lăng quăng, bọ gậy; giám sát các chỉ số véc tơ cũng được 2 ngành Giáo dục và đào tạo cùng ngành Y tế phối hợp thực hiện.
Các hoạt động khi có dịch SXH xuất hiện tại các trường học, dịch bệnh gia tăng trong cộng đồng, ban chỉ đạo phòng chống dịch của trường chỉ đạo, tổ chức theo dõi cập nhật tình hình dịch SXH để thống nhất các biện pháp đáp ứng theo diễn biến của dịch. Phối hợp với ban chỉ đạo phòng, chống dịch của xã/ phường/thị trấn và trạm y tế xã/phường/thị trấn địa phương của trường để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng chống SXH trong trường. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện quy định về hoạt động phòng, chống dịch trong khu vực nhà trường, cộng đồng… Tăng cường giám sát dịch tại các lớp học, khi phát hiện trường hợp nghi ngờ bị SXH thông báo kịp thời cho nhân viên y tế nhà trường để phối hợp xử lí triệt để. Khi có dịch SXH lây lan trong trường học, dịch bệnh bùng phát, lan rộng trong cộng đồng sẽ chỉ đạo triển khai các biện pháp khẩn cấp phòng chống dịch SXH. Tuyên truyền mạnh mẽ các biện pháp phòng, chống dịch SXH; theo dõi chặt chẽ các trường hợp nghi ngờ, mắc bệnh và thực hiện các biện pháp chuyên môn để điều trị và phòng ngừa lây lan trong trường học…
Để thực hiện kế hoạch, Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch triển khai trong toàn ngành và chỉ đạo các đơn vị trường học trực thuộc trên địa bàn xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh SXH tại các đơn vị. Tăng cường các hoạt động truyền thông, vận động cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh thực hiện tốt các hoạt động diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy tại trường học, tại hộ gia đình và cộng đồng dân cư. Tổ chức tổng dọn vệ sinh, thu gom rác, dụng cụ phế thải, dụng cụ chứa nước nhân tạo, tự nhiên, diệt lăng quăng, bọ gậy, phòng chống dịch bệnh định kì hằng tháng tại tất cả các đơn vị trường học trên địa bàn. Đối với các cơ sở trường học có tổ chức bán trú chú trọng đẩy mạnh các hoạt động chiến dịch tổng dọn vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy để phòng chống dịch bệnh. Nhân viên y tế trường học thường xuyên theo dõi, giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh SXH trong trường học, kịp thời thông tin báo cáo cho cơ quan chủ quản và y tế địa phương để điều trị và xử lí…
Ngành Y tế phối hợp với ngành Giáo dục và đào tạo hỗ trợ hướng dẫn về chuyên môn triển khai thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh SXH tại các trường học. Phối hợp triển khai các hoạt động truyền thông, vận động cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh… thực hiện tốt các hoạt động diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy tại trường học, tại hộ gia đình và cộng đồng dân cư. Hỗ trợ triển khai công tác diệt lăng quăng, bọ gậy, phòng chống SXH tại các đơn vị trường học trên địa bàn. Phối hợp tổ chức phát động các cuộc thi tìm hiểu về dịch bệnh, nhất là SXH. Phối hợp chặt chẽ với các trường học theo dõi diễn biến, các biểu hiện của học sinh có nghi ngờ mắc SXH để điều trị và xử lí kịp thời…
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=144069