Tăng cường công tác phòng, chống lao trên địa bàn

Thực hiện Chương trình phòng, chống lao, những năm qua, tỉnh ta đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, trong đó, duy trì mạng lưới chống lao từ tỉnh đến cơ sở, góp phần phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh lao, kịp thời điều trị cho người bệnh.

Cấp phát thuốc điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Phổi tỉnh.

Cấp phát thuốc điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Phổi tỉnh.

Hiện nay, 100% huyện, thành phố trong tỉnh có tổ chống lao, mỗi tổ có 3 cán bộ kiêm nhiệm, có nhiệm vụ triển khai các hoạt động của chương trình chống lao tại địa phương và mỗi xã có một cán bộ kiêm nhiệm đảm nhiệm công tác chống lao. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về bệnh lao và phòng, chống lao được tăng cường, với nhiều hình thức, như: Treo băng rôn pa nô - áp phích; phát tờ rơi; lồng ghép trong cuộc họp, sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể... Trong hoạt động chuyên môn, ngành y tế đã chỉ đạo các đơn vị y tế triển khai công tác khám, phát hiện, quản lý điều trị lao, nhất là lao kháng thuốc; tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chống lao tại các tuyến, nhằm từng bước nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị dự phòng bệnh lao và kỹ năng tư vấn truyền thông cho cán bộ y tế các tuyến. Riêng đội ngũ nhân viên y tế bản luôn bám sát cơ sở tuyên truyền, vận động các gia đình đưa con em đi tiêm vắc xin phòng bệnh lao, góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh lao ở trẻ em xuống còn 1,5%. Tính từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh đã khám, xét nghiệm cho trên 5.500 lượt người nghi mắc lao, trong đó phát hiện 387 trường hợp mắc bệnh (trên 200 trường hợp bệnh nhân lao có bằng chứng vi khuẩn học). Bên cạnh đó, việc giám sát hoạt động luôn được chú trọng, nhiều đơn vị triển khai thực hiện tốt công tác khám, phát hiện bệnh nhân lao tại cơ sở, điển hình là: Trại giam Yên Hạ (Phù Yên); Bệnh viện Đa khoa Thảo Nguyên (Mộc Châu); Trung tâm Y tế các huyện: Phù Yên, Sông Mã, Sốp Cộp..., góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống lao và điều trị kịp thời cho các bệnh nhân.

Bác sỹ Bùi Văn Tráng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Sơn La, cho biết: Bệnh viện thường xuyên quan tâm nâng cao trình độ chuyên môn sâu cho đội ngũ y, bác sỹ; Đầu tư máy chụp Xquang; máy nội soi phế quản ống mềm, ứng dụng kỹ thuật xét nghiệm đờm bằng máy Gene Xpert, xét nghiệm vi khuẩn lao nhanh trong 2 giờ, giúp phát hiện mắc lao ở giai đoạn sớm. Đồng thời, tăng cường thu dung, khám, phát hiện, chẩn đoán bệnh, quản lý bệnh nhân lao tại Bệnh viện. Hiện nay, tỷ lệ điều trị khỏi bệnh nhân lao đạt trên 90%.

Phụ trách Chương trình phòng, chống lao của phường Chiềng An (Thành phố), bà Lò Thị Doãn, cán bộ Trạm Y tế phường Chiềng An, thông tin: Hằng năm, Trạm phối hợp với các đoàn thể của phường tổ chức tuyên truyền lồng ghép về phòng, chống lao trong các cuộc họp; truyền thông trực tiếp, tư vấn tại gia đình; phát tờ gấp, tờ rơi có nội dung về phòng, chống lao, nhờ làm tốt công tác phòng chống, hiện trên địa bàn phường không có bệnh nhân lao.

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, các cấp, các ngành trong tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia phòng, chống bệnh lao, không kỳ thị với bệnh nhân lao. Ngành y tế tiếp tục đầu tư các trang thiết bị, vật tư, ứng dụng kỹ thuật hiện đại vào chẩn đoán, xét nghiệm, điều trị bệnh lao; nâng cao chất lượng giám sát hoạt động chương trình phòng chống lao tuyến huyện, xã và bệnh nhân lao tại nhà; duy trì và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác phòng chống lao.

Lò Luận

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/tang-cuong-cong-tac-phong-chong-lao-tren-dia-ban-30015