Tăng cường công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2022
UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-UBND về tăng cường công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN); bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, phòng chống mưa lũ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình năm 2022.
Để chủ động ứng phó với diễn biến bất thường, phức tạp, khó lường của thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các kế hoạch, chỉ thị, quyết định của T.Ư, của tỉnh đối với công tác phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Chỉ đạo xây dựng, tổ chức phê duyệt; rà soát, cập nhật, điều chỉnh kế hoạch PCTT, xây dựng kế hoạch PCTT giai đoạn 5 năm tại các cấp ở địa phương và phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai được quy định tại Điều 15, Điều 22 của Luật PCTT… Triển khai kế hoạch PCTT năm 2022, công tác phòng chống bão mạnh và siêu bão, lũ quét, sạt lở đất, trong đó cần lồng ghép phòng chống dịch Covid-19 phù hợp với công tác PCTT của địa phương…
Tổ chức, thực hiện công tác PCTT&TKCN tại địa phương theo phương châm "bốn tại chỗ”. Chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện dự phòng theo kế hoạch đã giao; tổ chức huấn luyện, diễn tập các phương án sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ đê, đập, tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo khắc phục kịp thời hậu quả thiệt hại sau thiên tai, sớm ổn định sản xuất, đời sống Nhân dân.
Rà soát, thống kê cụ thể vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, các tuyến đường đi qua ngầm, tràn để chủ động phương án ứng phó và có kế hoạch thiết lập hệ thống biển cảnh báo nguy hiểm cho Nhân dân được biết để chủ động phòng, tránh. Đối với các khu vực đã xảy ra hiện tượng sạt lở hoặc vùng mới di dân tái định cư, thường xuyên kiểm tra, theo dõi các hiện tượng bất thường để chủ động phòng tránh, sẵn sàng phương án di dời người dân đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản; kiểm tra, rà soát xử lý việc đào xẻ đất đồi, núi để xây dựng nhà và công trình làm gia tăng nguy cơ rủi ro thiên tai…
Tổ chức kiểm tra, rà soát, xử lý các vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, xây dựng công trình tại bãi sông trên địa bàn mình quản lý; tuyên truyền phổ biến văn bản pháp luật về đê điều, PCTT, thủy lợi cho người dân hiểu và chấp hành, giải tỏa việc lấn chiếm mái đê, hành lang đê để trồng rau màu, buôn bán kinh doanh gây ảnh hưởng và mất mỹ quan trong đô thị, đặc biệt là các tuyến đê cấp III…
Đối với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết để tham mưu, chỉ đạo, điều hành tốt công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; theo dõi, tổng hợp, báo cáo kịp thời tình hình thiệt hại và kết quả khắc phục hậu quả thiên tai cho các cấp thẩm quyền theo đúng quy định… Các Trưởng đoàn được phân công phụ trách các địa phương chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị thực hiện tốt phương châm "bốn tại chỗ” trong công tác PCTT&TKCN, trong đó cần chủ động hơn đối với việc kiểm tra, đôn đốc các địa phương trước, trong và sau mỗi đợt thiên tai… Chủ trì, phối hợp với Bộ CHQS tỉnh, Công an tỉnh, các địa phương và đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát lại lực lượng, phương tiện, vật tư cấp thiết phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ; đề xuất với UBND tỉnh, Ủy ban quốc gia TKCN để kịp thời hỗ trợ, bổ sung…
Tại Chỉ thị số 01/CT-UBND, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm chỉ đạo, chủ động tổ chức thực hiện tốt công tác phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Đồng thời, đề nghị UBMTTQ tỉnh, Hội Chữ thập đỏ, Hội Nông dân, Hội LHPN, Tỉnh Đoàn vận động hội viên, đoàn viên và Nhân dân tích cực tham gia giám sát, hỗ trợ trong công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai.