Tăng cường công tác quản lý, khai thác, vận hành, bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh

Sáng nay (28/4), Đoàn giám sát số 1 của HĐND tỉnh do đồng chí Dương Thị Ngọc Thơ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Trưởng đoàn giám sát số 1 làm trưởng đoàn đến giám sát công tác đầu tư, quản lý, khai thác, sử dụng các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2022 tại Công ty TNHH một thành viên Quản lý khai thác công trình thủy lợi Trà Vinh (Công ty).

Quang cảnh buổi làm việc.

Quang cảnh buổi làm việc.

Các đồng chí: Nguyễn Văn Nguyền, Chủ tịch Công ty; Lê Phước Dũng, Giám đốc Công ty; Phó Giám đốc Công ty, các kiểm soát viên, lãnh đạo các phòng trực thuộc Công ty, Giám đốc các xí nghiệp thủy nông trên địa bàn tỉnh tiếp và làm việc với đoàn.

Thời gian qua, Công ty thực hiện khá tốt vai trò quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh theo phân cấp quản lý; đến nay, hệ thống công trình thủy lợi của tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, dân sinh và các ngành kinh tế khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Công ty chấp hành đầy đủ các văn bản chỉ đạo, điều hành của cấp trên về việc thành lập, cơ chế hoạt động của Công ty, triển khai thực hiện đầu tư các công trình thủy lợi, quản lý vốn đầu tư, quy trình vận hành, phân cấp quản lý.

Giai đoạn 2020 - 2022, Công ty triển khai duy tu, sửa chữa 104 công trình, với tổng mức đầu tư 193,696 tỷ đồng, giải ngân được 178,191 tỷ đồng từ nguồn kinh phí hỗ trợ sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi, tỷ lệ giải ngân 92%. Quan tâm công tác quản lý chất lượng công trình; nghiệm thu thanh toán khối lượng hoàn thành; thanh, quyết toán các dự án hoàn thành theo niên độ kế toán cho các đơn vị thi công và tư vấn; không có nợ đọng xây dựng cơ bản.

Theo phân cấp quản lý, hiện Công ty quản lý, khai thác và sử dụng công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, gồm: Tiểu dự án Nam Măng Thít do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư và 14 hệ thống thủy lợi nội đồng được đầu tư từ ngân sách tỉnh; 10 dự án nuôi trồng thủy sản ven biển. Theo đó, các công trình cơ bản vận hành an toàn và hiệu quả.

Thực hiện quan trắc độ mặn, mực nước tại các điểm cống chính 02 lần/ngày vào lúc đỉnh triều, các số liệu quan trắc về độ mặn, mực nước, chế độ vận hành các cống đầu mối đều được thông báo hàng ngày đến các địa phương nắm để chỉ đạo sản xuất.

Đồng chí Lê Phước Dũng, Giám đốc Công ty báo cáo công tác đầu tư, quản lý, khai thác, sử dụng các công trình thủy lợi, giai đoạn 2020 - 2022 trên địa bàn tỉnh tại buổi làm việc.

Đồng chí Lê Phước Dũng, Giám đốc Công ty báo cáo công tác đầu tư, quản lý, khai thác, sử dụng các công trình thủy lợi, giai đoạn 2020 - 2022 trên địa bàn tỉnh tại buổi làm việc.

Công ty thực hiện khá tốt việc quản lý công trình và chế độ bảo trì, bảo dưỡng hệ thống công trình theo quy định; ứng dụng công nghệ điều khiển cửa cống bằng hệ thống xy-lanh thủy lực, đầu tư thay thế được 06 cửa thủy lực tại các cống Láng Thé, Cái Hóp, Cần Chông, cống Trạm bơm 3/2.

Thực hiện các quy định về bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai, định mức kinh tế kỹ thuật đối với việc quản lý, vận hành, sử dụng công trình trên địa bàn tỉnh.

Giai đoạn 2018 - 2022, Công ty và các đơn vị trực thuộc tham mưu, phối hợp với các địa phương và các đơn vị có liên quan xử lý hoàn thành 504 vụ/721 vụ ghi nhận vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi về cản trở dòng chảy, lấn chiếm kênh, công trình, xả nước thải; riêng năm 2022, Công ty phối hợp lập biên bản hiện trường, báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý 91 vụ/125 vụ, chiếm 72,8%.

Bên cạnh kết quả tích cực còn những tồn tại, hạn chế: công tác phối hợp quản lý, khai thác các công trình thủy lợi có nơi chưa hiệu quả, có công trình chưa phát huy hết công năng; có công trình đầu tư từ nhiều năm trước đến nay đã xuống cấp, bồi lắng, sạt lở… nhưng chưa có giải pháp triệt để để khắc phục, sửa chữa. Còn xảy ra tình trạng lấn chiếm kênh, công trình, xả chất thải chưa xử lý xuống công trình... ảnh hưởng đến hiệu quả, an toàn và việc duy tu, bảo dưỡng, nạo vét công trình thủy lợi.

Đồng chí Kiên Quân, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Trưởng đoàn giám sát đề cập những vấn đề còn hạn chế của Công ty tại buổi làm việc.

Đồng chí Kiên Quân, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Trưởng đoàn giám sát đề cập những vấn đề còn hạn chế của Công ty tại buổi làm việc.

Phương án bảo vệ công trình thủy lợi còn chậm trình phê duyệt ban hành; việc cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi chưa thực hiện tốt. Công tác điều tiết vận hành công trình thủy lợi phục vụ sản xuất còn gặp nhiều khó khăn do lịch sản xuất không đồng bộ giữa các huyện, việc xuống giống tự phát, không theo quy hoạch, không tuân thủ lịch thời vụ ở một số nơi.

Hiện nay, đối với các tuyến kênh đã nạo vét đa phần xảy ra tình trạng lục bình mọc đầy kênh nhưng nhiều năm chưa có giải pháp xử lý, gây nguy cơ bồi lắng; công tác vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cối 02 bên bờ kênh chưa được thường xuyên quan tâm thực hiện; chưa có giải pháp về hạ độ cao bờ kênh gây bức xúc trong Nhân dân; vấn đề nạo vét kênh khó khăn trong việc vận chuyển đất lòng kênh; các công trình nạo nét kênh nội đồng rất nhanh xuống cấp, bồi lắng.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Dương Thị Ngọc Thơ ghi nhận những nỗ lực cũng như những khó khăn của Công ty trong thời gian qua.

Đồng chí Dương Thị Ngọc Thơ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Phó Trưởng đoàn giám sát số 1 phát biểu tại buổi làm việc.

Đồng chí Dương Thị Ngọc Thơ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Phó Trưởng đoàn giám sát số 1 phát biểu tại buổi làm việc.

Đề nghị thời gian tới, Công ty tăng cường công tác quản lý, khai thác, vận hành, bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn theo phân cấp quản lý gắn với việc thực hiện các quy định về quản lý sông, kênh, rạch, khai thác sử dụng và phát triển các dòng sông, kênh, rạch, trên địa bàn theo quy hoạch, kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thực hiện tốt việc bảo trì, xử lý khắc phục sự cố, sửa chữa nhỏ, cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Thường xuyên kiểm tra các công trình thủy lợi được giao quản lý, khai thác, vận hành, bảo vệ nhằm kịp thời phát hiện hư hỏng, xuống cấp, vận hành kém để có giải pháp duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa đảm bảo việc vận hành thông suốt, an toàn, hiệu quả.

Nhanh chóng trình phê duyệt phương án bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh; tiếp tục tham mưu trình phê duyệt định mức trục vớt lục bình trên địa bàn tỉnh đảm bảo đúng quy định.

Phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện kế hoạch vận hành hệ thống công trình thủy lợi theo quy trình; đảm bảo lịch thời vụ đồng bộ, cung cấp nước tưới, tiêu cho sản xuất của người dân tại địa phương. Thường xuyên kiểm tra, rà soát hệ thống công trình thủy lợi thuộc địa bàn quản lý, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ công trình thủy lợi.

Phối hợp, rà soát, kiểm tra hiện trạng hệ thống kênh trên địa bàn tỉnh để kịp thời đề xuất các giải pháp tổ chức nạo vét kênh bị bồi lắng, vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, hạ độ cao bờ kênh… nhằm cung cấp đầy đủ nước phục vụ sản xuất.

Tiếp tục thực hiện tốt công tác lập, lưu trữ hồ sơ kỹ thuật công trình; đôn đốc chủ đầu tư bàn giao lại hồ sơ quản lý công trình thủy lợi theo quy định.

Tăng cường công tác phối hợp với cơ quan liên quan kiểm tra việc bảo vệ công trình thủy lợi để kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi được kịp thời và hiệu quả; đồng thời tích cực xử lý dứt điểm các vụ vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi còn tồn đọng qua các năm.

Quan tâm đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho nhân viên, người lao động đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao nhằm đảm bảo công tác quản lý, vận hành, khai thác, bảo vệ các công trình thủy lợi theo phân cấp.

Tin, ảnh: KIM LOAN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/trong-tinh/tang-cuong-cong-tac-quan-ly-khai-thac-van-hanh-bao-ve-cong-trinh-thuy-loi-tren-dia-ban-tinh-28419.html