Tăng cường công tác quản lý, kiểm soát thị trường, giá cả
Phát biểu tại phiên họp của Chính phủ với các địa phương ngày 2/7, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn kiến nghị, Chính phủ cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ giá cả các mặt hàng thiết yếu, không để tình trạng lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, tăng giá.
Góp phần vào thực hiện nhiệm vụ kép chống dịch và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho biết, 6 tháng qua MTTQ, các tổ chức thành viên đã vận động, chăm lo đời sống cho người nghèo, gia đình chính sách, các tầng lớp nhân nhân gặp khó khăn. Đặc biệt, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ra lời kêu gọi “Toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch COVID - 19”. Theo đó, hệ thống Mặt trận từ Trung ương đến địa phương đã vận động được gần 2.000 tỉ đồng.
“Đến nay, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan phân bổ nguồn tiền này theo đúng quy định của pháp luật và đúng với mục đích sử dụng. Cùng với đó, MTTQ các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, các sở, ngành giám sát việc chi trả gói hỗ trợ 62.000 tỉ tại 63/63 tỉnh thành phố, qua giám sát đã phát hiện một số địa phương có sai sót trong triển khai các gói hỗ trợ và đã kịp thời chỉ đạo, uốn nắn”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn thông tin.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng cho biết, ngày 3/7 tới đây, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ họp bàn việc thực hiện Kết luận 77 của Bộ Chính trị về phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19 cũng như Nghị quyết 84 của Chính phủ tập trung vào vận động toàn dân tích cực tham gia hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế. Hội nghị cũng tập trung thảo luận việc MTTQ đẩy mạnh, nâng cao chất lượng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cũng như tuyên truyền, vận động toàn dân thực hiện tiết kiệm, dùng nguồn lực để phát triển kinh tế, đẩy mạnh phong trào đoàn kết, thi đua, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế; đồng thời tăng cường các phương thức giám sát, phản biện xã hội, thực hiện hiệu quả chương trình an sinh xã hội đối với hộ nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn.
Tại phiên họp, thay mặt cử tri cả nước, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng gửi tới Chính phủ 3 kiến nghị:
Thứ nhất, nhân dân bày tỏ băn khoăn lo ngại trước một số đối tượng lợi dụng dịch bệnh, nhu cầu của người dân để đầu cơ, tăng giá, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Lấy ví dụ từ mặt hàng thịt lợn, dù Chính phủ đã có một số giải pháp khiến giá thịt lợn giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Vì vậy, đề nghị Chính phủ yêu cầu các ngành chức năng, chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát thị trường, điều hành giá cả thị trường với những mặt hàng thiết yếu nói chung, thịt lợn nói riêng; từ đó có giải pháp quyết liệt nâng cao năng lực cung ứng; xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức vi phạm; xem xét, điều chỉnh giảm giá một số mặt hàng nguyên liệu sản xuất của doanh nghiệp, tiêu dùng của người dân.
“Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục có giải pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, duy trì mở rộng thị trường việc làm giúp ổn định thu nhập cho người lao động”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Thứ hai, nhân dân mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục thực hiện giải pháp căn cơ, đồng bộ, giảm thiểu thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân; sớm khảo sát, đánh giá hiệu quả của các mô hình cụ thể, thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, gần đây nhất có mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng của Cà Mau. Do đó Chính phủ cần hướng dẫn, phổ biến các địa phương và nhân dân, các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền trong công tác quy hoạch chuyển đổi phát triển kinh tế vùng để vừa phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu, vừa đảm bảo sinh kế cho nhân dân, nhất là đối với người dân còn gặp nhiều khó khăn ở vùng sâu, vùng xa.
Thứ ba, nhân dân còn băn khoăn về hiệu quả của việc dạy tiếng ở vùng sâu, vùng xa, những nơi điều kiện kinh tế khó khăn, hay người dân còn băn khoăn về giá sách giáo khoa. Bởi hiện nay mỗi địa phương đã được giao tự chọn sách giáo khoa, mô hình các trường và cụm trường liên kết, đấu giá sách công khai kèm các điều kiện về đào tạo, tuyển dụng, gợi ý sách tham khảo. Do đó, cần kiểm soát tốt hơn việc các nhà nhà xuất bản thực hiện tái bản, sửa đổi quá nhiều nội dung trong sách, cần thiết các bộ sách phải được sử dụng nhiều lần, tránh lãng phí tiền của nhân dân.
“Mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp các địa phương tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, đảm bảo an toàn, không để xảy ra các vụ việc tiêu cực, đáng tiếc như các năm học trước”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nói.