Tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm

An toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt vì ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến sức khỏe của con người và tác động lớn đến phát triển KT-XH. Vì vậy, tăng cường công tác quản lý về ATTP được các sở, ngành, địa phương quan tâm.

Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

Thời gian qua, các cấp, các ngành không ngừng nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về ATTP. Qua các đợt thanh, kiểm tra lồng ghép tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về ATTP, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện tốt các quy định về bảo đảm ATTP cho người tiêu dùng. Người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến việc lựa chọn các sản phẩm chất lượng, an toàn.

Chị Lương Thị Diện (phường 3, TP.Tân An) chia sẻ: “Là nội trợ của gia đình, tôi chú trọng chọn mua thực phẩm tươi sống tại các cửa hàng có uy tín, cung cấp thực phẩm sạch, an toàn để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình”.

Công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở chế biến suất ăn sẵn được Đoàn kiểm tra chuyên ngành về An toàn thực phẩm tỉnh quan tâm

Công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở chế biến suất ăn sẵn được Đoàn kiểm tra chuyên ngành về An toàn thực phẩm tỉnh quan tâm

Tuy nhiên, công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ, lẻ còn nhiều khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất. Tình trạng thực phẩm lậu, giả và sản xuất không bảo đảm ATTP trên thị trường vẫn còn. Các hoạt động kinh doanh, quảng cáo thực phẩm chức năng vi phạm pháp luật, đặc biệt là trên mạng xã hội diễn biến phức tạp, khó quản lý.

Nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP, ngày 29-5-2020, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trong tình hình mới. Thực hiện Chỉ thị này, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND cấp huyện chú trọng công tác thanh, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cho nhiều người, căn tin các trường học, các khu, cụm công nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ, lẻ; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân lơ là, thiếu trách nhiệm trong quản lý nhà nước về ATTP.

Với những tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng các quy định về ATTP, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng thì bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật. Với những điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn thì được biểu dương kịp thời. Các địa phương, ngành, đoàn thể tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình phối hợp UBMTTQ Việt Nam các cấp về vận động và giám sát bảo đảm ATTP.

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh - Đoàn Thanh Chiến cho biết: “Ngành Y tế chú trọng công tác bảo đảm ATTP tại các bếp ăn tập thể, cơ sở chế biến suất ăn sẵn, chú ý đến nguồn gốc nguyên liệu đầu vào; phối hợp Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết nối các nông sản, thủy sản được kiểm soát theo chuỗi, bảo đảm nguồn gốc cho các bếp ăn tập thể, đặc biệt là các bếp ăn tập thể tại căng tin các trường học, các khu, cụm công nghiệp”.

Cần sự chung tay của các sở, ngành

Để thực hiện công tác bảo đảm ATTP, rất cần sự chung tay của các sở, ngành. Chỉ thị số 11/CT-UBND của UBND tỉnh về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh cũng nêu rõ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phát triển vùng sản xuất nông sản thực phẩm an toàn; hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn tham gia xây dựng và nhân rộng phát triển mô hình chuỗi cung cấp sản phẩm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp hữu cơ,… Ngoài ra, cần hỗ trợ các cơ sở thực hiện truy xuất nguồn gốc, điểm bán sản phẩm an toàn, làng nghề thực phẩm.

Theo ông Đoàn Thanh Chiến, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm tăng cường thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi,… vi phạm về ATTP; đồng thời xử lý theo quy định hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm và các sản phẩm nông sản thực phẩm có dấu hiệu vi phạm, không bảo đảm an toàn. Ngoài ra, sở chú trọng việc rà soát xây dựng mạng lưới cơ sở giết mổ tập trung gắn với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, quy hoạch vùng và cơ sở an toàn dịch bệnh động vật.

Kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại một cơ sở sản xuất, kinh doanh

Kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại một cơ sở sản xuất, kinh doanh

Sở Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ UBND TP.Tân An sớm hoàn thành xây dựng mô hình chợ bảo đảm ATTP; phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn; chủ trì, phối hợp các ngành liên quan trong công tác quản lý ATTP tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh. Hoạt động kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử đối với thực phẩm cũng được chú trọng quản lý chặt chẽ, nhất là nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng.

Để chung tay quản lý nhà nước về ATTP, Cục Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng,… lưu thông trên thị trường. Cục Quản lý thị trường sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục Hải quan tỉnh tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu, xuất khẩu hàng hóa, xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu thực phẩm, đặc biệt là thịt gia súc, gia cầm bị nhiễm bệnh qua biên giới. Công an tỉnh tăng cường chỉ đạo điều tra, xử lý hình sự đối với các vụ việc do tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng về ATTP theo đúng quy định pháp luật; phối hợp các sở, ngành thanh, kiểm tra về ATTP, kiểm soát, ngăn chặn việc vận chuyển, tiêu thụ thực phẩm kém chất lượng và không rõ nguồn gốc.

Việc nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP sẽ kịp thời phát hiện và xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về ATTP. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức của mỗi tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm có chất lượng, vì sức khỏe của người tiêu dùng./.

Thời gian qua, Bộ Y tế ban hành các thông tư quy định trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhằm bảo đảm ATTP, bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng. Cụ thể:

Bộ Y tế ban hành Thông tư số 23/2018/TT-BYT, ngày 14-9-2018 quy định việc thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế. Thông tư này quy định chi tiết hình thức, trình tự, trách nhiệm thu hồi và xử lý sau thu hồi đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm không bảo đảm ATTP thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế.

Ngày 30-8-2019, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 24/2019/TT-BYT quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm. Thông tư này quy định về danh mục phụ gia thực phẩm; sử dụng, quản lý phụ gia thực phẩm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.

Cũng trong ngày 30-8-2019, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 25/2019/TT-BYT quy định truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế. Thông tư này quy định nguyên tắc, trường hợp truy xuất nguồn gốc và trách nhiệm thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với thực phẩm, các vi chất bổ sung vào thực phẩm, phụ gia, hương liệu, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế.

Ngọc Mận

Nguồn Long An: http://baolongan.vn/tang-cuong-cong-tac-quan-ly-nha-nuoc-ve-an-toan-thuc-pham-a97836.html