Tăng cường công tác quản lý tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp

Giai đoạn 2015-2019, với mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác quản lý rừng, đất lâm nghiệp và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, tỉnh ta đã tập trung chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương tổ chức rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng; rà soát chuyển đổi đất rừng và rừng phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất, bổ sung hồ sơ giao đất lâm nghiệp cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

Cán bộ kiểm lâm địa bàn và nhân dân bản Mô Cổng,

Cán bộ kiểm lâm địa bàn và nhân dân bản Mô Cổng,

xã Phổng Lái (Thuận Châu) tuần tra bảo vệ rừng.

Đến hết năm 2019, trên địa bàn toàn tỉnh đã thực hiện điều chỉnh cục bộ quy hoạch 3 loại rừng để cấp giấy chứng nhận đất ở lần đầu cho 8.444 hộ, với tổng diện tích gần 345 ha, góp phần giải quyết kịp thời yêu cầu cấp bách về nhu cầu về đất ở cho người dân; điều chỉnh 70.567 ha đất rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng vào quy hoạch đất lâm nghiệp. Theo đó, tổng diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp sau rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là 817.890 ha, chiếm 58% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Trong đó, quy hoạch đất rừng, rừng đặc dụng là 87.851 ha; đất rừng và rừng phòng hộ 377.909 ha; đất rừng và rừng sản xuất 352.130 ha. Sau rà soát, diện tích đất lâm nghiệp toàn tỉnh giảm gần 116.150 ha để chuyển sang phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp.

Sau khi tỉnh phê duyệt quy hoạch 3 loại rừng, Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện chính sách của tỉnh về một số giải pháp quản lý quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn. Đến hết năm 2019, đã hoàn thành cắm mốc 3/5 khu rừng đặc dụng, gồm: khu rừng đặc dụng - phòng hộ Sốp Cộp, khu rừng đặc dụng Xuân Nha và khu bảo tồn thiên nhiên Mường La; phấn đấu trong năm nay sẽ hoàn thành cắm mốc ranh giới khu rừng đặc dụng - phòng hộ Thuận Châu và khu rừng đặc dụng Tà Xùa. Đồng thời, hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Mường La; tổ chức xây dựng khu giá rừng làm cơ sở phục vụ cho công tác thu hồi, giao, cho thuê rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp. Bên cạnh đó, công tác theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp được tập trung chỉ đạo quyết liệt, Chi cục Kiểm lâm đã tăng cường đôn đốc, chỉ đạo Hạt kiểm lâm các huyện, thành phố duy trì công tác cập nhật các điểm có khả năng biến động về rừng và đất lâm nghiệp. Lực lượng kiểm lâm trong toàn tỉnh đã tăng cường phối hợp với các cơ quan, tổ chức chính trị xã hội tại địa phương và chính quyền cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR, gắn với tuyên truyền triển khai thực hiện các chương trình dự án phát triển lâm nghiệp bền vững; vận động người dân sống gần rừng nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ và phát triển rừng; hướng dẫn xây dựng nội quy, quy ước, bảo vệ rừng đến từng tổ, bản, cụm dân cư, sản xuất nương rẫy theo đúng mốc giới quy định. Từ năm 2015 đến nay, lực lượng kiểm lâm toàn tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức gần 9.800 đợt tuyên truyền tại các xã, bản về công tác bảo vệ rừng và PCCCR với gần 350.500 lượt người tham gia. Tham mưu kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh; 12 ban chỉ đạo các huyện, thành phố; 202 ban chỉ đạo cấp xã; củng cố, kiện toàn và thành lập 2.789 tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng, PCCCR; xây dựng mới và duy tu gần 122 km đường băng cản lửa... Chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm bố trí 260 kiểm lâm địa bàn tổ chức hướng dẫn, phối hợp, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác bảo vệ rừng, PCCCR, tổ chức tập huấn và huấn luyện kỹ thuật chữa cháy rừng, tham mưu tổ chức diễn tập chữa cháy rừng cấp xã, bản. Đặc biệt, công tác bảo đảm chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh được thực hiện đồng bộ. Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương triển khai các biện pháp bảo vệ rừng, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Lực lượng kiểm lâm địa bàn phối hợp với chính quyền địa phương và các chủ rừng tổ chức tuần tra rừng, kiểm tra các hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển, chế biến và kinh doanh lâm sản; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Công tác phát triển rừng được thực hiện theo hướng bền vững, gắn với cải thiện sinh kế của người dân trồng rừng và nâng cao hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát và nâng cao chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp. Từ năm 2015 đến nay, các chương trình, dự án đã gieo ươm trên 21 triệu cây giống trồng rừng, toàn tỉnh đã trồng mới 8.298 ha rừng phòng hộ, đặc dụng và 5.795 ha rừng sản xuất; khoanh nuôi tái sinh phục hồi 14.918 ha rừng, độ che phủ rừng tăng từ 42,3% năm 2015 lên 44,5% năm 2019.

Theo thông tin của lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm, phấn đấu đến hết năm 2020, độ che phủ rừng đạt 45,4%, hiện nay, đơn vị đang tích cực tham mưu cho tỉnh chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang mục đích khác. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; giám sát thực hiện đầy đủ trách nhiệm trồng rừng thay thế theo chỉ đạo của Chính phủ; nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư cho công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng.

Ngọc Thuấn

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/tang-cuong-cong-tac-quan-ly-tai-nguyen-rung-va-dat-lam-nghiep-31945