Tăng cường công tác quản lý thông tin thuê bao, xử lý triệt để tình trạng SIM rác

Theo Công văn số 3627/BTTTT-VP, ngày 30/8/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) về việc trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Long An gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, thời gian qua, Bộ TTTT đã phối hợp các Bộ, ngành tăng cường công tác quản lý thông tin thuê bao, xử lý triệt để tình trạng SIM rác nhằm góp phần ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân.

Tăng cường công tác quản lý thông tin thuê bao, xử lý triệt để tình trạng SIM rác

Theo ý kiến của cử tri tỉnh Long An được tổng hợp gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Hiện nay, các đối tượng lừa đảo sử dụng SIM rác giả danh cơ quan chức năng nhắn tin, gọi điện cho người dân để yêu cầu, đe dọa, dụ dỗ diễn ra ngày càng nhiều và tinh vi. Cử tri kiến nghị cần có các giải pháp quản lý SIM rác của các nhà cung cấp dịch vụ mạng và kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân.

Vấn nạn SIM rác đang gây nhiều hệ lụy

Vấn nạn SIM rác đang gây nhiều hệ lụy

Trả lời nội dung trên, Bộ TTTT cho biết, trong thời gian qua, nhằm tăng cường công tác quản lý thông tin thuê bao, xử lý triệt để tình trạng SIM rác, Bộ đã chỉ đạo các nhà mạng rà soát, chuẩn hóa thông tin thuê bao, thu hồi các thuê bao không thực hiện chuẩn hóa, cắt toàn bộ SIM có thông tin không trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cụ thể:

- Giai đoạn 1 (2019-2022): Bộ đã chỉ đạo, đôn đốc các doanh nghiệp viễn thông di động triển khai rà soát, bảo đảm tất cả các thuê bao có thông tin đầy đủ - Đã hoàn thành.

- Giai đoạn 2 (tháng 6/2022 - 2023): Bảo đảm thông tin đúng, trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Đề án 06, Bộ TTTT đã phối hợp Bộ Công an chỉ đạo, đôn đốc các doanh nghiệp viễn thông di động kết nối cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, từ đó rà soát, xác thực, xử lý các trường hợp có thông tin không trùng khớp. Theo đó, các doanh nghiệp đã hoàn thành chuẩn hóa, đối soát cơ sở dữ liệu dân cư và xử lý 17 triệu SIM có thông tin không trùng khớp.

- Giai đoạn 3 (tháng 6/2023 - tháng 2/2024): Xử lý tập thuê bao một giấy tờ đứng tên nhiều SIM. Bộ đã chỉ đạo, đôn đốc các doanh nghiệp viễn thông di động triển khai xử lý các thuê bao thuộc tập >10 SIM/1 giấy tờ.

- Giai đoạn 4 (tháng 3/2024 - nay): Xử lý triệt để SIM rác.

Từ ngày 15/4/2024, Bộ TTTT đã ra thông báo đến các doanh nghiệp viễn thông di động chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu trên thị trường còn xuất hiện SIM được phát triển mới không đúng quy định. Trường hợp phát hiện vi phạm, Bộ sẽ tổ chức thanh tra xử lý vi phạm; đồng thời, sẽ xem xét có văn bản nhắc nhở người đứng đầu các doanh nghiệp.

Bộ TTTT (Cục Viễn thông) đã và đang triển khai các đoàn kiểm tra về quản lý thông tin thuê bao di động tại các doanh nghiệp viễn thông di động. Đến thời điểm hiện tại, Bộ TTTT đã đình chỉ hoạt động phát triển thuê bao mới trong 2 tháng của 3 doanh nghiệp viễn thông di động là Vietnammobile, VNSKY đình chỉ từ ngày 01/7 đến 31/8/2024; Mobicast đình chỉ từ ngày 06/6 đến 05/8/2024. Đây là một hình thức xử lý rất nặng đối với các nhà mạng, thể hiện quyết tâm cao của Bộ TTTT trong vấn đề xử lý SIM rác, SIM không chính chủ, rất mong nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của cử tri, người dân và xã hội.

Đồng thời, trên cơ sở tiếp thu kiến nghị, đề xuất của các cử tri, Bộ TTTT tiếp tục triển khai các giải pháp:

- Phối hợp Bộ Công an hoàn thiện danh sách số điện thoại định danh của ngành Công an, cung cấp danh sách cho các doanh nghiệp viễn thông di động để hoàn thiện và chính thức triển khai tính năng định danh cuộc gọi.

- Xử lý triệt để tình trạng một thuê bao sở hữu nhiều SIM.

- Phối hợp Bộ Công an đề nghị người dân cung cấp số thuê bao di động của bản thân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định của Luật Căn cước góp phần xác định chính chủ.

Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường đưa tin, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục phát sóng về kết quả xử lý các loại tội phạm, công tác phòng, chống tham nhũng đến với người dân

Liên quan đến ý kiến của cử tri về việc các kênh thông tin và truyền thông của Đảng, Nhà nước như Truyền hình Quốc hội, Truyền hình Công an Nhân dân,… cần tăng cường xây dựng các chuyên trang, chuyên mục phát sóng về kết quả xử lý các loại tội phạm, công tác phòng, chống tham nhũng trên cả nước để thông tin rộng rãi cho người dân biết.

Thông tin từ Bộ TTTT, hiện nay, cả nước có 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí (trong đó có 319 tạp chí khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật), 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình (PTTH).

Cử tri nêu ý kiến tại hội nghị tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Cử tri nêu ý kiến tại hội nghị tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Dưới sự quan tâm lãnh, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, với quan điểm "lấy cái đẹp dẹp cái xấu", các cơ quan thông tấn báo chí, đặc biệt các đài PTTH lớn đã tuyên truyền chủ động, kịp thời, đạt hiệu quả cao đối với những vấn đề lớn của đất nước. Đặc biệt, có nội dung thông tin thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, thống nhất nhận thức, định hướng dư luận, tạo niềm tin, tạo đồng thuận xã hội, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; góp phần phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội và xây dựng con người Việt Nam, đáp ứng các giá trị thụ hưởng văn hóa của nhân dân.

Thời gian qua, các cơ quan báo chí, đài PTTH không ngừng nâng cao chất lượng các nội dung chương trình về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, xây dựng Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả cũng như các tin, bài, chương trình thông tin tuyên truyền về công tác phòng, chống tham nhũng, kết quả xử lý các loại tội phạm. Trong đó có nhiều báo, đài đã thực hiện mới các chuyên mục, chương trình có nội dung về vấn đề này, góp phần huy động sức mạnh của toàn dân trong việc phát hiện tham nhũng, tiêu cực, tạo sự đồng thuận trong xã hội, nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tổng hợp số liệu báo cáo trong 6 tháng đầu năm 2024, Đài Truyền hình Việt Nam đã thực hiện và phát sóng hơn 300 tin, bài, phóng sự về kết quả xử lý các loại tội phạm; gần 50 tin, bài, phóng sự về công tác phòng, chống tham nhũng trên cả nước. Một số chương trình nổi bật như Tọa đàm "Toàn tâm, toàn ý vì sự nghiệp chung"; Tọa đàm "Quy định 144 - Thước đo, đánh giá cán bộ, đảng viên"; Chương trình Xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Vì an ninh tổ quốc; An ninh và cuộc sống; Mặt trận 389; Vì bình yên cuộc sống;…

Trên một số kênh truyền hình thiết yếu Quốc gia và kênh truyền hình thiết yếu địa phương có chương trình, chuyên đề về phòng, chống tham nhũng được khán giả đánh giá cao như trên kênh Truyền hình Công an nhân dân phát sóng chuyên đề "Nhận thức rõ hơn về những luận điệu xuyên tạc về công cuộc phòng, chống tham nhũng của Việt Nam"; trên kênh Truyền hình Quốc hội phát sóng chuyên đề "Giữ gìn sự liêm chính của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới" và tuyến tin, bài về "Nhận diện tội phạm"…; trên kênh truyền hình của Đài VTC phát sóng chuyên đề "Cần sự "đột biến" trong phòng, chống tham nhũng"; trên kênh truyền hình của Đài PTTH Hà Nội tuyên truyền về tác phẩm (sách) của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực;…

Các cơ quan báo, tạp chí điện tử đã có 27.197 tin, bài thông tin về kết quả xử lý các loại tội phạm, công tác phòng, chống tham nhũng trên cả nước được thông tin rộng rãi.

Thời gian tới, Bộ TTTT tiếp tục chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường đưa tin, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục phát sóng về kết quả xử lý các loại tội phạm, công tác phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt, chỉ đạo các Đài PTTH tăng cường đưa tin trên các kênh mạng xã hội, Internet để tăng cường tiếp cận với các tầng lớp nhân dân nhanh chóng, kịp thời./.

Kiến Quốc

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tang-cuong-cong-tac-quan-ly-thong-tin-thue-bao-xu-ly-triet-de-tinh-trang-sim-rac-a182210.html