Tăng cường công tác quản lý vật liệu nổ công nghiệp trong khai thác khoáng sản
Thực hiện Quyết định số 11/2017/QĐ-UBND, ngày 30/3/2017 của UBND tỉnh về quản lý hoạt động khoáng sản, Sở Công thương đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đối với doanh nghiệp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) trong khai thác khoáng sản. Qua đó, từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản, góp phần bảo đảm an toàn lao động cho công nhân, hạn chế những tác động tiêu cực do nổ mìn gây ra đối với đời sống sinh hoạt của người dân trong vùng.
Thực hiện Quyết định số 11/2017/QĐ-UBND, ngày 30/3/2017 của UBND tỉnh về quản lý hoạt động khoáng sản, Sở Công thương đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đối với doanh nghiệp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) trong khai thác khoáng sản. Qua đó, từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản, góp phần bảo đảm an toàn lao động cho công nhân, hạn chế những tác động tiêu cực do nổ mìn gây ra đối với đời sống sinh hoạt của người dân trong vùng.
Theo thống kê của Sở Công thương, toàn tỉnh hiện có 72 doanh nghiệp thực hiện dự án khai thác khoáng sản có sử dụng VLNCN. Trung bình mỗi năm các doanh nghiệp sử dụng khoảng 10 nghìn tấn VLNCN khai thác đá. Để quản lý các doanh nghiệp sử dụng VLNCN theo đúng quy định, hằng năm, Sở Công thương đều tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho nhân viên, kỹ thuật làm công tác nổ mìn; thường xuyên xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp sử dụng VLNCN; kiên quyết xử lý những vi phạm trong quá trình sử dụng VLNCN. Thông qua đó, việc quản lý sử dụng VLNCN của các doanh nghiệp đã từng bước đi vào nền nếp, góp phần bảo đảm an ninh trật tự và bảo vệ môi trường trong khu vực.
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Công ty TNHH Đá xây dựng Trasmeco ở xã Thanh Thủy (Thanh Liêm) cho biết: Để bảo đảm an toàn lao động trong quá trình khai thác đá, công ty thường xuyên phối hợp với các ngành, đơn vị chuyên môn tổ chức tập huấn về kỹ thuật, quy trình, phương pháp nổ mìn cho cán bộ, công nhân. Trong quá trình vận chuyển VLNCN, thực hiện các quy trình nổ mìn, đơn vị đã tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động để kịp thời phát hiện, xử lý những nguy cơ có thể gây mất an toàn trong quá trình khai thác đá. Thời gian nổ mìn, lượng thuốc nổ trong mỗi lần khai thác, bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ luôn được doanh nghiệp đặt ra yêu cầu cao cho đội ngũ cán bộ, công nhân. Sau mỗi lần nổ mìn, công nhân có nhiệm vụ kiểm tra từng thớ đá, gỡ bỏ những tảng đá rạn nứt, có nguy cơ rơi xuống gây mất an toàn cho người lao động. Cách làm này giúp cho doanh nghiệp hàng chục năm nay duy trì bảo đảm được an toàn lao động cho công nhân khi khai thác đá.
Khai thác, chế biến đá tại Công ty TNHH Đá xây dựng Trasmeco ở xã Thanh Thủy (Thanh Liêm). Ảnh: Trần Thoan
Cũng như Công ty TNHH Đá xây dựng Trasmeco, trong thời gian qua, phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nghiêm các quy trình, kỹ thuật nổ mìn trong khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, qua công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất, Sở Công thương đã kịp thời phát hiện những vi phạm, bất cập trong quản lý sử dụng VLNCN. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, Sở Công thương đã kiểm tra, giám sát hơn 40 doanh nghiệp nổ mìn khai thác đá, trong đó đã phát hiện nhiều doanh nghiệp vi phạm quy chuẩn kỹ thuật an toàn về VLNCN; sử dụng lượng VLNCN lớn hơn quy mô bãi nổ quy định tại giấy phép; hộ chiếu nổ mìn không đầy đủ; khai thác không đúng trình tự, thiết kế mỏ… Các cơ quan chức năng đã xử phạt 150 triệu đồng đối với các doanh nghiệp vi phạm.
Ông Trần Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Mặc dù hoạt động VLNCN trên địa bàn đã cơ bản đi vào nền nếp, song tại một số doanh nghiệp việc khai thác đá vẫn gây ô nhiễm môi trường, sử dụng VLNCN quá trọng lượng làm ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân. Nguyên nhân, các doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ và tuân thủ thiết kế mỏ được duyệt; việc lập hộ chiếu nổ mìn chưa chặt chẽ, thiếu các bước; doanh nghiệp chưa chấp hành đúng cam kết về công tác bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác khoáng sản. Trong thời gian tới, Sở Công thương tiếp tục phối hợp với các ngành và địa phương đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát đột xuất hoạt động nổ mìn của các doanh nghiệp, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm.
Quản lý VLNCN chặt chẽ sẽ góp phần quan trọng hạn chế được tai nạn lao động và không ảnh hưởng đến chấn động địa chất, môi trường trong khu vực. Để việc sử dụng VLNCN đi vào nền nếp và hạn chế những sai phạm, đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các ngành chức năng và chính quyền địa phương, nhất là có sự giám sát của người dân trong vùng.