Tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành Dân số - kế hoạch hóa gia đình

Thanh tra chuyên ngành lĩnh vực Dân số- kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) là một trong những hoạt động quan trọng trong việc phát hiện và xử lí những hành vi vi phạm quy định của pháp luật và chính sách của Nhà nước. Thời gian qua, Chi cục DS- KHHGĐ tỉnh Quảng Trị đã có sự phối kết hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành lĩnh vực DS- KHHGĐ, bước đầu đạt kết quả tích cực, giúp Sở Y tế tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện tốt chức năng quản lí Nhà nước về dân số, đưa công tác dân số, đặc biệt là nâng cao chất lượng dân số thành một nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp.

 Chiến dịch tăng cường truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ. Ảnh: TH

Chiến dịch tăng cường truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ. Ảnh: TH

Theo Chi cục DS- KHHGĐ tỉnh, trung bình mỗi năm chi cục phối kết hợp tiến hành thanh tra hơn 10 đơn vị, cơ sở. Nội dung thanh tra xoay quanh các vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh; quy trình chẩn đoán sàng lọc trước sinh; thanh tra việc xuất bản và lưu hành các ấn phẩm tuyên truyền lựa chọn giới tính thai nhi.

Điều 19, Nghị định 122/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định nội dung thanh tra chuyên ngành về lĩnh vực DS- KHHGĐ rất rộng, gồm: Thanh tra việc triển khai, thực hiện chính sách pháp luật về chương trình mục tiêu quốc gia, đề án, dự án, mô hình về DS- KHHGĐ; thanh tra việc thực hiện các quy định, hướng dẫn của các cấp có thẩm quyền về chương trình mục tiêu quốc gia DS- KHHGĐ; thanh tra việc thực hiện quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức, các quy định của pháp luật để đảm bảo cân bằng giới tính theo quy luật sinh sản tự nhiên; thanh tra việc thực hiện các quy định về quản lí và sử dụng các phương tiện tránh thai; thanh tra việc thực hiện các quy định, hướng dẫn về sàng lọc trước sinh và sơ sinh; thanh tra việc quản lí và sử dụng trang thiết bị chuyên ngành phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia DS- KHHGĐ; thanh tra việc thực hiện các quy trình, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về DS- KHHGĐ.

Tuy nhiên, do Chi cục DS- KHHGĐ tỉnh được giao chức năng và hoạt động thanh tra chuyên ngành DS- KHHGĐ từ ngày 21/12/2017 đến nay, bộ phận thanh tra còn mỏng, đang trong quá trình kiện toàn, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, nên chưa thể triển khai thực hiện hết các nội dung thanh tra chuyên ngành lĩnh vực DS-KHHGĐ theo quy định. Không riêng gì tỉnh Quảng Trị, công tác thanh tra chuyên ngành của Chi cục DS- KHHGĐ các địa phương khác trong cả nước cũng đang gặp nhiều khó khăn do đội ngũ thanh tra chưa có kinh nghiệm, thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng; bộ máy thanh tra chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; trang thiết bị còn thiếu và lạc hậu…

Thực trạng chung công tác thanh tra chuyên ngành DS- KHHGĐ các tỉnh, thành phố hiện nay còn gặp khó khăn, từ bộ máy tổ chức, đội ngũ nhân sự, kinh phí hoạt động đến trang thiết bị phục vụ công tác thanh tra. Hầu hết đội ngũ công chức được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành DS- KHHGĐ còn nhiều hạn chế về điều kiện chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm trong hoạt động thanh tra chuyên ngành và xử lí các hành vi vi phạm. Mặt khác, số công chức được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành DSKHHGĐ đều chưa được cấp thẻ công chức thanh tra chuyên ngành; các dụng cụ, trang thiết bị thanh tra còn thiếu làm hạn chế hiệu quả công việc khi tổ chức thanh tra.

Công tác dân số được Đảng và Nhà nước ta xác định là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài. Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới chỉ rõ “Kiện toàn hệ thống thanh tra chuyên ngành dân số, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lí nghiêm vi phạm”. Đây là nhiệm vụ cấp thiết nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra chuyên ngành dân số, góp phần thực hiện tốt công tác quản lí Nhà nước về dân số.

Thời gian tới, Chi cục DS- KHHGĐ tỉnh tiếp tục xây dựng kế hoạch kiện toàn, củng cố nhân lực công chức thanh tra chuyên ngành dân số đủ về số lượng, có chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng nhằm thực hiện hiệu quả công tác thanh tra. Tổ chức đào tạo cơ bản về nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành cho các công chức được giao nhiệm vụ thanh tra. Đồng thời, tranh thủ các nguồn lực bố trí đủ kinh phí, trang thiết bị cần thiết đảm bảo hoạt động thanh tra đạt kết quả tốt nhất. Tăng cường hoạt động công tác thanh tra chuyên ngành lĩnh vực DS- KHHGĐ để xử lí nghiêm các vi phạm. Ngoài thực hiện công tác thanh tra, Chi cục DS- KHHGĐ tỉnh cung cấp đầy đủ thông tin cho các cơ sở kinh doanh về công tác y tế, dân số để các đơn vị nắm bắt và thực hiện đúng theo quy định pháp luật.

Khánh Ngọc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=144863