Tăng cường công tác truyền thông nhằm đẩy lùi tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống

Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn còn tồn tại ở nhiều xã vùng sâu, vùng xa thuộc hai huyện Hướng Hóa, Đakrông. Đây là một bước cản lớn trong việc nâng cao chất lượng dân số, chất lượng giống nòi. Nhận thức được vấn đề này, thời gian qua, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) các huyện Hướng Hóa và Đakrông đã tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

 Lồng ghép các nội dung tuyên truyền về phòng tránh tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống thông qua các hội thi. Ảnh: B.B

Lồng ghép các nội dung tuyên truyền về phòng tránh tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống thông qua các hội thi. Ảnh: B.B

Đều đặn hai lần mỗi tháng, em Hồ Thị Nhớ, thành viên CLB trẻ em gái thôn Hà Bạc, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông lại háo hức cùng các chị em tham gia sinh hoạt câu lạc bộ. Tại các buổi sinh hoạt, Nhớ và các bạn đồng trang lứa được hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe bản thân, cách bảo vệ an toàn để không bị xâm hại tình dục, mua bán trẻ em, phòng ngừa kết hôn sớm và hỗ trợ con gái có điều kiện học tốt. Không chỉ được cung cấp, giáo dục kỹ năng sống, giới tính, các em còn được tham gia vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ tập thể như các trò chơi hát múa dân gian, diễn kịch, kỹ năng ứng xử, xử lý các tình huống khi bị bạo hành hay xâm hại…. Thông qua đó giúp các em gái có kiến thức để tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục của bản thân, phát triển toàn diện, hài hòa về thể chất, tinh thần cũng như trí tuệ. Em Nhớ cho biết, trước đây những kiến thức như thế này đối với các em rất xa lạ, lại có tâm lý ngại tìm hiểu nên chưa nhận thức hết được. Nhờ tham gia sinh hoạt câu lạc bộ, các em được tuyên truyền về tác hại của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống nên đã có ý thức, cố gắng học hành và thực hiện kết hôn đúng độ tuổi pháp luật quy định.

Dưới sự chỉ đạo Hội LHPN huyện Đakrông, thời gian qua Hội LHPN các xã Hướng Hiệp, Mò Ó, Đakrông, Tà Rụt, Tà Long đã thành lập được 22 nhóm /375 bà mẹ và 20 CLB / 301 trẻ em gái. Chủ tịch Hội LHPN huyện Đakrông Lê Thị Lệ Huyền cho biết, nhằm trang bị và nâng cao kiến thức cho cha mẹ về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, biến đổi tâm sinh lý ở tuổi vị thành niên, giúp cha mẹ có kỹ năng quan sát, nhận biết để hỗ trợ, giúp đỡ, định hướng cho các em trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, làm tiền đề góp phần nâng cao chất lượng dân số, giảm thiểu tối đa tình trạng kết hôn sớm ở trẻ em, Hội LHPN huyện vừa kết hợp phương pháp truyền thông truyền thống vừa linh động áp dụng thêm những cách làm phù hợp với thực tế địa phương. Đó là chủ động truyền thông bằng tờ rơi, tranh ảnh, trò chơi và cụ thể hóa ở các hội thi, ngày hội ngăn ngừa kết hôn sớm tại các xã, nội dung thi xoay quanh những vấn đề về tìm hiểu kiến thức giáo dục giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản tuổi vị thành niên, hậu quả việc kết hôn sớm, những tình huống và cách xử lý của nhà trường, gia đình, xã hội trong đời sống thực tại hằng ngày thường gặp.

Thông qua hội thi đã tạo sân chơi, diễn đàn giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và gắn kết hỗ trợ từ nhà trường, gia đình, cộng đồng trong hoạt động tuyên truyền, giáo dục con cái, nuôi dạy con tốt… thu hút hàng nghìn người tham gia. “Trong cách tổ chức truyền thông các nội dung liên quan đến biến đổi tâm sinh lý ở trẻ em, sức khỏe sinh sản cho nhóm trẻ có độ tuổi từ 12-18 tuổi, vì độ tuổi này khá chênh nhau nên chúng tôi phải chọn những nội dung phù hợp nhất chung cho các em, hoặc phải tách nhóm truyền thông. Đồng thời lựa chọn các thôn có tỉ lệ trẻ trong độ tuổi vị thành niên cao, tỉ lệ bỏ học nhiều và nguy cơ kết hôn cao trong tổng số các thôn của xã để chọn xây dựng mô hình”, chị Huyền chia sẻ thêm.

Ngoài ra hội cũng đã phối hợp với Trung tâm văn hóa thông tin huyện làm phóng sự tuyên truyền phòng ngừa kết hôn sớm, sử dụng như một tài liệu tuyên truyền thiết thực và rộng rãi trong cộng đồng, đặc biệt đối với lứa tuổi nữ thanh niên. Tại địa phương, Hội LHPN các xã đã có cách làm hay, hiệu quả, sáng tạo như CLB làm cha mẹ sinh hoạt 1 quý 1 lần với nhiều nội dung xoay quanh các vấn đề sức khỏe sinh sản vị thành niên, các giải pháp ngăn ngừa kết hôn sớm ở trẻ từ 12-18 tuổi. Phối hợp với đơn vị y tế tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, ký cam kết của các hộ gia đình tham gia CLB, xây dựng góc bếp sạch sẽ, xây dựng vườn hoa yêu thương, dạy con trẻ nấu ăn… Từ những hoạt động của CLB làm cha mẹ và kết hợp với những hoạt động khác trong hợp phần ngăn ngừa kết hôn sớm đã góp phần làm giảm tỉ lệ kết hôn sớm ở các xã. Cụ thể năm 2016 có 64 cặp thì năm 2019 chỉ có 10 cặp vợ chồng kết hôn sớm.

Đối với huyện Hướng Hóa, chị Hồ Thị Thu Nhường, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết, theo số liệu năm 2018, trên địa bàn 9 xã đã có 177 cặp vợ chồng tảo hôn, đến năm 2019 giảm còn 96 cặp. Điều này cho thấy tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện Hướng Hóa tuy có giảm nhưng vẫn còn diễn ra phức tạp. Để tăng cường công tác truyền thông nhằm hạn chế tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở đồng bào dân tộc thiểu số, Hội LHPN huyện cũng đã tập trung lựa chọn các thôn có tỉ lệ trẻ trong độ tuổi vị thành niên cao, tỉ lệ bỏ học nhiều và nguy cơ kết hôn cao trong tổng số các thôn của xã để xây dựng các CLB cha mẹ và CLB trẻ em gái.

Đến nay toàn huyện đã thành lập 33 CLB cha mẹ và 29 CLB trẻ em gái, thu hút hàng trăm thành viên tham gia. Thông qua các buổi sinh hoạt của CLB, cán bộ hội LHPN đã thông tin, trao đổi rất nhiều nội dung liên quan đến vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, về hệ lụy của việc quan hệ tình dục trước hôn nhân, mang thai sớm, kết hôn sớm… Qua các buổi truyền thông đã góp phần nâng cao ý thức pháp luật, trách nhiệm của xã hội, cộng đồng và người dân, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu trong hôn nhân còn tồn tại trong đồng bào dân tộc thiểu số, tạo chuyển biến trong hành vi, không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, thực hiện tốt Luật Hôn nhân và Gia đình. Khuyến khích các bạn trẻ tích cực tìm hiểu nâng cao kiến thức, kỹ năng để phòng tránh kết hôn sớm, kết hôn cận huyết thống.

Với những cách làm hiệu quả trong công tác truyền thông của Hội LHPN các huyện Hướng Hóa, Đakrông, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống thời gian qua đã có chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân nói chung và phụ nữ nói riêng trong thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.

Bảo Bình

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=146678