Tăng cường công tác tuyên truyền về chống khai thác IUU tại Hà Tĩnh

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục tập trung khắc phục các hạn chế trong chống khai thác IUU trên địa bàn, góp phần tháo gỡ 'Thẻ vàng' của Ủy ban Châu Âu (EC).

Chiều 7/1, Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Huyện ủy Kỳ Anh tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm bàn các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động phòng chống khai thác thủy, hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (chống khai thác IUU); phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển; xây dựng, nhân rộng mô hình “Dân vận khéo”.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Trương Thanh Huyền, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương tham dự hội nghị.

Thời gian qua,Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành các giải pháp chỉ đạo các sở, ngành và địa phương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (chống khai thác IUU). Nhờ đó, công tác triển khai thực hiện chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng.

 Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Trương Thanh Huyền phát biểu đặt vấn đề tại hội nghị.

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Trương Thanh Huyền phát biểu đặt vấn đề tại hội nghị.

Công tác quản lý đội tàu và theo dõi kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá được quan tâm thực hiện. Theo đó, Hà Tĩnh có tổng số 4.253 tàu cá đã được đăng ký; cấp, gia hạn cho 3.501/4.253 giấy phép khai thác thủy sản, đạt tỷ lệ 82,3%; 4.253/4.253 tàu cá thực hiện việc đánh dấu tàu, kẻ vẽ biển số, đạt tỷ lệ 100%. Đã cập nhật 4.253/4.253 tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFISHBASE), đạt tỷ lệ 100%.

Toàn tỉnh có 75/75 tàu cá đang hoạt khai thác thủy sản vùng khơi đã lắp đặt thiết bị VMS, đạt tỷ lệ 100%. Về theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, Chi cục Thủy sản đã bố trí nhân lực, tổ chức trực theo dõi tàu cá hoạt động trên biển 24/24 giờ. UBND tỉnh ban hành “Quy trình xử lý dữ liệu giám sát hành trình tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên mất kết nối, vượt ranh giới cho phép trong quá trình hoạt động trên biển” và “Quy chế phối hợp quản lý, khai thác sử dụng thông tin, dữ liệu giám sát tàu cá trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh”.

 Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nguyễn Tiến Hùng trình bày báo cáo về công tác chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nguyễn Tiến Hùng trình bày báo cáo về công tác chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh.

Ban Quản lý các cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão tàu cá đã ban hành Quy trình giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng, bố trí nhân lực tổ chức giám sát 100% sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng.

Hà Tĩnh đã lập danh sách tàu cá vi phạm IUU; danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm IUU thông báo tới lực lượng chức năng các tỉnh, thành phố ven biển; phối hợp lực lượng Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương huyện, xã thông báo đến tận các chủ tàu, yêu cầu các chủ tàu khắc phục và cam kết không vi phạm. Trong năm 2024, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh cũng đã tổ chức 148 đợt tuần tra, kiểm soát trên biển, đã phát hiện 41 vụ/43 đối tượng/43 tàu cá vi phạm các quy định về chống khai thác IUU, xử phạt vi phạm hành chính số tiền 726 triệu đồng.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh không có tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, chưa phát hiện các đường dây, tổ chức, cá nhân môi giới đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

 Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên Lê Ngọc Hà trình bày tham luận tại hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên Lê Ngọc Hà trình bày tham luận tại hội nghị.

Trong quá trình triển khai, nhiều địa phương đã có những cách làm hay, sáng tạo sát với tình hình thực tiễn, góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương của Trung ương, của tỉnh, điển hình là mô hình “Dân vận khéo” về “Phối hợp tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt quy định phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; phòng, chống tai nạn và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển” do BTV Huyện ủy Kỳ Anh chỉ đạo. Mô hình đã được xây dựng gần 1 năm với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị và đã đạt được những kết quả bước đầu. Nhiều loại hải sản như tôm, ghẹ, cá, mực, ốc, sò, ruốc... di cư đến sát gần bờ, sản lượng khai thác thủy sản tăng khoảng 20 - 25% so với cùng kỳ năm trước, thu nhập của các lao động ngư dân đi biển bình quân ước đạt từ 1.5 - 2 triệu đồng/1 lao động/ngày.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung phân tích những khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai chống khai thác IUU; đưa ra giải pháp để hạn chế tình trạng tàu cá vi phạm hoạt động khai thác hải sản sai vùng xảy ra thường xuyên tại ngư trường Hà Tĩnh. Đồng thời, trao đổi cách làm, kinh nghiệm trong triển khai xây dựng mô hình “Dân vận khéo” về “Phối hợp tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt quy định phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; phòng, chống tai nạn và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển”; đề xuất các giải pháp trong thời gian tới để nhân rộng mô hình dân vận khéo về chống khai thác IUU ở các địa phương vùng ven biển; phát triển hoạt động của các tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ;…

 Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh phát biểu kết luận hội nghị.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh phát biểu kết luận hội nghị.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh đánh giá cao những nỗ lực của các sở, ban, ngành, địa phương trong việc thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương tập trung khắc phục triệt để các hạn chế trong chống khai thác IUU, góp phần chung sức cùng cả nước tháo gỡ "Thẻ vàng" của EC vào đợt thanh tra lần thứ 5 dự kiến diễn ra trong năm 2025. Tăng cường phối hợp trong công tác tuyên truyền, thông tin, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết, văn bản, kế hoạch về chống khai thác IUU phù hợp với từng đối tượng; chú trọng nhân rộng mô hình “dân vận khéo”, các hình thức tuyên truyền hay trên địa bàn tỉnh về phòng, chống khai thác IUU góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân.

Các địa phương khẩn trương hoàn thành việc đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Cập nhật số liệu trên hệ thống VNFISHBASE đảm bảo số liệu tàu cá phải khớp, thống nhất giữa báo cáo của địa phương và trên cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia.

Sở NN&PTNT chịu trách nhiệm tổ chức trực ban 24/24 giờ để theo dõi, giám sát tàu cá trên hệ thống giám sát tàu cá, đảm bảo 100% tàu cá phải duy trì kết nối thiết bị VMS từ lúc rời cảng đến khi cập cảng. Về giám sát sản lượng, cần thực hiện nghiêm công tác giám sát sản lượng, thu nộp nhật ký khai thác, báo cáo khai thác, đảm bảo tuân thủ đúng quy định; chú trọng đảm bảo tàu cá phải cập cảng và giám sát 100% sản lượng thủy sản khai thác qua cảng.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với các lực lượng liên quan tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất, nhập bến, tàu cá ra vào cảng, tại các cửa sông, cửa biển, các bến cá tự phát, truyền thống; kiên quyết ngăn chặn các tàu cá xuất bến không đủ các thủ tục, giấy tờ và các trang thiết bị theo quy định; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp, vi phạm ngắt kết nối VMS, vượt ranh giới cho phép trên biển...

Công an tỉnh chỉ đạo công an địa phương ưu tiên bố trí lực lượng thực hiện các đợt cao điểm trong điều tra, ngăn chặn, xử lý các hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

 Dịp này, Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh đã trao tặng 150 chiếc phao cho bà con ngư dân.

Dịp này, Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh đã trao tặng 150 chiếc phao cho bà con ngư dân.

Thái Oanh

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/tang-cuong-cong-tac-tuyen-truyen-ve-chong-khai-thac-iuu-tai-ha-tinh-post280642.html