Tăng cường cưỡng chế thu hồi nợ đọng thuế
Tổng cục Thuế đề nghị Cục Thuế các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện đầy đủ các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế và công khai thông tin theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế để thu hồi tiền thuế nợ vào ngân sách Nhà nước.
Tỷ lệ thu hồi nợ thuế chỉ đạt 2,1%
Tổng số nợ thuế chuyên thu quá hạn tại thời điểm 30.6.2024 hơn 15 tỷ đồng, trong đó, nhóm nợ khó thu là 12 hồ sơ với số tiền nợ hơn 3 tỷ đồng; nhóm nợ được khoanh là 11 hồ sơ với tổng số tiền khoanh nợ hơn 6 tỷ đồng; nhóm nợ có khả năng thu là 3 hồ sơ với số tiền nợ hơn 4 tỷ đồng.
Theo Cục Hải quan Tây Ninh, nhóm nợ khó thu tăng hơn 3 tỷ đồng, nguyên nhân là do Chi cục Hải quan kiểm tra sau thông quan thu hồi khoản nợ khó thu của Công ty TNHH MTV TM Gia Tín, số tiền 12 triệu đồng; Chi cục Hải quan khu công nghiệp Trảng Bàng hủy khoanh nợ đối với 7 người nộp thuế, số tiền hơn 2 tỷ đồng, số nợ này tiếp tục chuyển sang quản lý nợ theo nhóm nợ khó thu; Chi cục Hải quan Cửa khẩu Mộc Bài phân loại nợ thuế của Công ty TNHH TM & DV XNK Phú Khang hơn 500 triệu đồng từ nhóm nợ có khả năng thu sang nhóm nợ khó thu.
Thời gian qua, Cục Hải quan Tây Ninh đã tích cực theo dõi, đôn đốc các Chi cục thực hiện các biện pháp thu hồi nợ thuế nhằm bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu được Tổng cục Hải quan giao. Tuy nhiên, đến ngày 15.5.2024, số nợ thu hồi được là 100 triệu đồng, chỉ đạt 2,1% so với chỉ tiêu được giao.
Nguyên nhân tỷ lệ thu hồi nợ thuế đạt thấp, Cục Hải quan cho biết, tiền nợ phạt vi phạm hành chính (50 triệu đồng) của 2 đối tượng quốc tịch Campuchia đã xuất cảnh khỏi lãnh thổ Việt Nam. Hiện nay, cơ quan Hải quan không thể liên hệ để làm việc với các đối tượng nợ nên rất khó khăn trong công tác thu hồi nợ.
Tiền chậm nộp của Công ty cổ phần Thực phẩm Miền Bắc là 2,7 tỷ đồng, Công ty đang trong quá trình kháng cáo tại Tòa án nên chưa nộp, đơn vị đang tiếp tục thực hiện tiếp các bước đôn đốc thu hồi nợ.
Tiền nợ thuế, nợ phạt vi phạm hành chính của Công ty TNHH Kỹ thuật D&D đã thu hồi 100 triệu đồng làm phát sinh tiền chậm nộp 57 triệu đồng, tổng số nợ còn phải thu hồi là 1,9 tỷ đồng. Chi cục Hải quan khu công nghiệp Trảng Bàng đã thực hiện các biện pháp cưỡng chế có thể thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý thuế như: Trích tiền từ tài khoản (2 lần), tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện pháp luật của Công ty, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay Công ty không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký và không thể liên hệ để làm việc với người đại diện theo pháp luật của Công ty. Chi cục Hải quan khu công nghiệp Trảng Bàng đang tiếp tục thực hiện các biện pháp thu hồi nợ thuế theo quy định.
Tăng cường cưỡng chế thu hồi nợ đọng thuế
Để bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu thu nợ năm 2024 do Tổng cục Thuế giao, Cục Thuế tỉnh Tây Ninh đề nghị các Chi cục Thuế khu vực, các phòng chức năng thuộc Cục Thuế triển khai thực hiện ngay các biện pháp đôn đốc và cưỡng chế để thu hồi nợ đọng thuế.
Cụ thể, các đơn vị rà soát, phân loại nợ thuế bảo đảm theo đúng tính chất của khoản nợ và có đầy đủ hồ sơ phân loại theo đúng hướng dẫn tại Quy trình quản lý nợ, phân tích nguyên nhân nợ của từng người nộp thuế để áp dụng biện pháp thu nợ phù hợp với từng trường hợp nợ thuế, gắn trách nhiệm của từng công chức được giao nhiệm vụ quản lý nợ trong việc phân loại tiền thuế nợ. Đối với các khoản nợ có nguyên nhân liên quan đến các cơ quan ngoài ngành thì có văn bản thông báo phối hợp để xử lý.
Đối với trường hợp người nộp thuế chây ì, kéo dài nợ thuế thì thực hiện đầy đủ các biện pháp đôn đốc nợ thuế, cưỡng chế nợ thuế và công khai thông tin theo đúng quy định Luật Quản lý thuế 38/2019/QH14 để thu hồi tiền thuế nợ vào ngân sách Nhà nước.
Về công tác đôn đốc và cưỡng chế thu hồi nợ thuế, đối với người nộp thuế chỉ có tiền thuế nợ dưới 90 ngày, các Chi cục Thuế chỉ đạo bộ phận quản lý nợ hoặc bộ phận thanh tra - kiểm tra chủ trì, các bộ phận có liên quan phối hợp thực hiện đầy đủ các biện pháp đôn đốc như gọi điện thoại, nhắn tin, gửi thư điện tử, mời người nộp thuế lên làm việc, ban hành thông báo tiền thuế nợ gửi người nộp thuế nhằm thu hồi nợ thuế vào ngân sách Nhà nước, không để nợ thuế dây dưa, kéo dài, hạn chế phát sinh nợ mới.
Đối với người nộp thuế có khoản tiền thuế nợ trên 90 ngày hoặc khoản tiền thuế nợ thuộc trường hợp phải cưỡng chế: Áp dụng các biện pháp cưỡng chế và công khai thông tin theo quy định để thu hồi tiền thuế nợ vào ngân sách Nhà nước.
Trường hợp quyết định cưỡng chế hết hiệu lực mà người nộp thuế chưa nộp hoặc nộp chưa đủ số tiền thuế nợ bị cưỡng chế vào ngân sách Nhà nước thì chuyển sang áp dụng các biện pháp cưỡng chế phù hợp, đúng quy định.
Đối với các khoản tiền thuế nợ đang chờ xử lý, tiền thuế đang chờ điều chỉnh, Cục Thuế Tây Ninh đề nghị các Chi cục Thuế tập trung giải quyết kịp thời, đúng quy định các hồ sơ cơ quan thuế đã tiếp nhận và đang trong thời gian thực hiện các thủ tục xử lý (hồ sơ đề nghị gia hạn nộp thuế, xóa nợ, miễn tiền chậm nộp, nộp dần tiền thuế nợ, miễn, giảm tiền thuế…).
Rà soát bảo đảm hồ sơ phân loại nợ đang chờ điều chỉnh đúng quy định, đồng thời phối hợp với các bộ phận có liên quan và người nộp thuế để đối chiếu nợ, chuẩn hóa dữ liệu nợ, bảo đảm dữ liệu nợ được chính xác.
Đối với các khoản nợ thuế đã phân loại nợ khó thu, đủ điều kiện khoanh nợ, xóa nợ thuế theo quy định Luật Quản lý thuế 38/2019/QH14, tập trung tiến hành khoanh nợ, xóa nợ thuế và hạch toán quyết định khoanh nợ, xóa nợ thuế lên hệ thống theo quy định.
Đồng thời, các Chi cục Thuế phối hợp chính quyền địa phương trên địa bàn trong công tác quản lý nợ, triển khai các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế, đặc biệt là tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan tới các dự án đất đai, các khoản nợ nghĩa vụ tài chính về đất và nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/tang-cuong-cuong-che-thu-hoi-no-dong-thue-a175510.html