Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhằm thực hiện các mục tiêu chiến lược
Phát triển nguồn nhân lực là một trong ba trụ cột chiến lược của Kiểm toán nhà nước (KTNN), trong đó nâng cao năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp kiểm toán viên (KTV) là giải pháp có ý nghĩa quyết định sự phát triển của Ngành.
Triển khai các chương trình đào tạo tương ứng với từng mục tiêu chiến lược
Theo nghiên cứu của TS. Nguyễn Hữu Hiểu (Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán) và TS. Phạm Ngọc Anh (Văn phòng KTNN) về “Đổi mới công tác đào tạo bồi dưỡng của KTNN nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược đến năm 2030”, mỗi cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới (SAI) đều đề ra các mục tiêu chiến lược phát triển riêng, tương ứng với đó là hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho KTV đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nhiệm vụ của SAI.
Thực tiễn từ SAI Indonesia (BPK) cho thấy, Chiến lược phát triển của BPK giai đoạn 2020-2024 là trở thành một tổ chức kiểm toán đáng tin cậy, đóng vai trò tích cực trong việc hiện thực hóa quản trị tài chính nhà nước có chất lượng và hữu ích. Để đạt được tầm nhìn này, BPK đã đặt ra các mục tiêu: Tăng cường năng lực để trở thành một tổ chức kiểm toán hiện đại năng động; Nâng cao chất lượng kiểm toán một cách chiến lược, dự đoán và phản ứng nhanh nhạy; Tăng cường hiệu quả giám sát kiểm toán tài chính nhà nước; Xây dựng Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng tài chính nhà nước xuất sắc trên cơ sở Viện Đào tạo kiểm toán tài chính công (thành lập năm 1997).
Thực hiện các mục tiêu trên, BPK đã triển khai các hoạt động đào tạo tương ứng: Với mục tiêu trở thành một tổ chức kiểm toán hiện đại, BPK tổ chức 15 khóa đào tạo nhằm tăng cường năng lực quản lý cho các cấp quản lý, trong đó có năng lực quản lý sự thay đổi/rủi ro. Các khóa học này cũng hỗ trợ các cấp quản lý trong quá trình xây dựng kế hoạch chiến lược và chính sách kiểm toán.
Nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán, BPK tổ chức 985 khóa đào tạo với nhiều nội dung và lĩnh vực khác nhau. Để tăng cường hiệu quả giám sát kiểm toán tài chính nhà nước, giai đoạn 2020-2024, BPK tổ chức 115 khóa đào tạo KTV và 305 khóa đào tạo KTV giám sát nội bộ nhằm giúp BPK tự đánh giá hiệu quả hoạt động theo thông lệ quốc tế. Điều này cũng rất hữu ích cho các cuộc đánh giá chéo mà BPK tham gia cùng các SAI khác.
Với mục tiêu xây dựng Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng tài chính nhà nước, BPK tập trung vào tăng cường năng lực của giảng viên và nhân lực hỗ trợ đào tạo để nâng cao hiệu quả đào tạo và sự hài lòng của học viên. Ngoài ra, BPK cũng hoàn thiện chương trình, phương pháp, phương tiện học tập bằng cách tăng cường đào tạo từ xa với sự hỗ trợ của công nghệ. BPK tổ chức đào tạo, thi và cấp chứng chỉ CSFA để chuẩn hóa năng lực KTV.
Tương tự BPK, SAI Pakistan (DAGP) cũng đã ban hành Kế hoạch chiến lược giai đoạn 2023-2026, gồm 4 mục tiêu: Tận dụng kỹ thuật và phương pháp kiểm toán mới; Chuyển đổi sang cơ sở kế toán dồn tích từ cơ sở kế toán tiền mặt điều chỉnh; Chiến lược truyền thông DAGP; Nâng cao năng lực của đội ngũ nhân viên để đáp ứng nhu cầu mới trong tương lai. Theo đó, DAGP tập trung triển khai đào tạo về Hệ thống thông tin quản lý kiểm toán (AMIS) để phát triển năng lực KTV, từ đó tận dụng tối đa những ích lợi mà AMIS mang lại.
Một trong những nội dung quan trọng nhất của dự án AMIS là cung cấp 9 chương trình đào tạo kiểm toán chuyên đề, gồm các chuyên đề có tính xuyên suốt (mua sắm, điều tra, quan hệ đối tác công - tư) và các chuyên đề cụ thể (năng lượng, y tế, giáo dục…). Triển khai AMIS, DAGP đã chỉ định Viện Kế toán và tài chính công Vương quốc Anh (CIPFA) phát triển một chương trình quản lý thay đổi phù hợp với thực trạng và tầm nhìn phát triển của DAGP. Đồng thời, DAGP bồi dưỡng 150 KTV đạt Chứng chỉ chuyên môn kế toán được quốc tế công nhận; 500 công chức đạt Chứng chỉ chuẩn mực kế toán khu vực công quốc tế (IPSAS) do CIPFA cấp.
Trước những thách thức và vấn đề ngày càng phức tạp trong thời đại kỹ thuật số, SAI Malaisia (JAN) xác định KTV đóng vai trò chủ chốt trong việc đảm bảo duy trì trách nhiệm giải trình của khu vực công. Kế hoạch chiến lược của JAN giai đoạn 2021-2025 với trọng tâm phát triển nguồn nhân lực được xây dựng nhằm đào tạo KTV có kỹ năng và thực hiện kiểm toán một cách chuyên nghiệp dựa trên các chuẩn mực kiểm toán quốc tế.
Hiện thực hóa các mục tiêu trên, JAN đã triển khai cơ chế chuyên gia, trong đó có ít nhất 20 công chức của JAN được công nhận là chuyên gia trong lĩnh vực phân tích dữ liệu và điều tra số, 20 công chức trong lĩnh vực kiểm toán đầu tư. Đồng thời, JAN phát triển Viện KTV nhà nước Malaisia (MIGA) và Học viện Kiểm toán quốc gia (AAN) với vai trò là Trung tâm đào tạo xuất sắc dành cho KTV khu vực công. Để tăng cường các chương trình đào tạo, JAN xây dựng 20 mô-đun khóa học phục vụ học trực tuyến; 10 khóa thông qua hội thảo trực tuyến, 80% khóa học được giảng dạy theo phương pháp đào tạo dành cho người lớn, ít nhất 2 khóa được sửa đổi/cải thiện hằng năm.
Ứng dụng công nghệ để triển khai linh hoạt, đa dạng các hình thức đào tạo
Theo TS. Nguyễn Hữu Hiểu, kinh nghiệm của các SAI cho thấy, trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng, SAI Việt Nam cần tăng cường ứng dụng công nghệ để triển khai linh hoạt, đa dạng các hình thức đào tạo. Bên cạnh đó, để phát triển và trau dồi kỹ năng của KTV, cần xây dựng lộ trình học tập và phát triển chuyên môn liên tục với cấu trúc hợp lý trong nhiều năm, bao gồm các khóa học chính quy, kinh nghiệm làm việc đa dạng, cập nhật kỹ thuật và tự học.
Với mục tiêu đảm bảo việc học và trau dồi liên tục, KTNN cần xác định một số hoạt động học tập và phát triển bắt buộc đối với KTV. Chẳng hạn, để cập nhật các chuẩn mực kiểm toán, KTV phải tham gia đào tạo trước khi đi kiểm toán hoặc quy định số lượng tối thiểu mà KTV cần cập nhật chuyên môn thông qua các khóa đào tạo. Ngoài ra, KTNN xây dựng cơ chế khuyến khích học tập cho KTV, từ đó học tập suốt đời trở thành yêu cầu đối với KTV.
TS. Trần Phương Thùy (Học viện Ngân hàng) cho rằng, KTNN cần tăng cường phối hợp với các trường đại học để nâng cao chất lượng đào tạo, cũng như tạo nguồn KTV trẻ. Trong đó cần tập trung vào việc thiết kế các chương trình đào tạo chuyên sâu, chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận về các vấn đề thực tiễn hoặc các vấn đề mới như: Kiểm toán môi trường, kiểm toán bình đẳng giới, kiểm toán hoạt động… KTNN có thể phối hợp với các trường đại học để phát triển, cập nhật giáo trình và tài liệu học tập chuyên sâu gắn liền với việc cập nhật các chuẩn mực kiểm toán trong nước, quốc tế và thiết kế các tình huống thực tế, bài tập ứng dụng. KTNN và các trường đại học cũng có thể phối hợp tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu cho giảng viên về các chủ đề kiểm toán mới.
Ngoài ra, KTNN tăng cường chuẩn hóa năng lực KTV thông qua chứng chỉ chuyên môn được công nhận rộng rãi, tổ chức đào tạo và thi lấy chứng chỉ đối với KTV cũng như bộ máy kiểm toán/giám sát nội bộ của các cơ quan nhà nước. KTNN khuyến khích KTV học các chứng chỉ kế toán/kiểm toán trong khu vực công được quốc tế công nhận./.