Tăng cường đào tạo nghề cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 19 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI, công tác đào tạo nghề ở tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều chuyển biến góp phần giúp cho hàng vạn lượt lao động là đồng bào dân tộc thiểu số có tay nghề tham gia và các hoạt động lao động sản xuất, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo.

Trước kia hộ gia đình anh Nông Văn Dân người dân tộc Tày ở thôn Hang Hút, xã Phúc Ứng, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang được nằm trong diện hộ nghèo ở tỉnh Tuyên Quang. Bôn ba làm đủ mọi nghề, đến năm 2018 anh Dân được tham gia khóa đào tạo nghề chăn nuôi thú y do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Sơn Dương tổ chức. Khi đã có kiến thức về chăn nuôi thú y, anh đã mạnh dạn vay vốn phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại nuôi trên 3 nghìn con gà, thu nhập trung bình cũng được trên 100 triệu đồng/ năm.

Mô hình trang trại tại xã Phúc Ứng

Mô hình trang trại tại xã Phúc Ứng

Anh Nông Văn Dân cho hay: "Kinh nghiệm chăn nuôi đã có, bây giờ chỉ thiếu vốn để mở rộng sản xuất. Học được nâng cao kỹ thuật nâng cao năng suất hơn vì mình nắm được kỹ thuật, bệnh tật kiểm soát tốt hơn lúc chưa học. Bây giờ cũng muốn mở rộng nhưng không có vốn, đăng ký vay từ năm 2022 vẫn chưa được".

Anh Mông Văn Hùng ở thôn Khuôn Ráng, xã Phúc Ứng cũng là một trong nhiều người đã phát huy tốt khi được đào tạo qua các lớp dạy nghề. Anh Hùng chia sẻ: "Trước kia chỉ biết sơ qua về máy nổ, về nhà mày mò tự sửa máy nông nghiệp của gia đình. Sau khi học xong lớp kỹ thuật sửa chữa máy móc nông nghiệp về nhà mở cửa hàng sửa chữa có thêm thu nhập, ổn định kinh tế gia đình. Trong quá trình huyện, xã tổ chức dạy nghề sửa chữa máy nông nghiệp, máy cày để phục vụ bà con cày cấy, được học lớp máy cày 8 dắt tay. Trước kia không biết, nhờ chương trình đó trong tay có nghề, nên bà con nhờ suốt thôi".

Thời gian qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở tỉnh Tuyên Quang được tổ chức tập trung, thống nhất với ngành nghề phù hợp, đáp ứng được nhu cầu của người dân từng địa phương. Các khóa học đào tạo nghề đang trở thành nhu cầu thiết thực cho người lao động.

Ông Dương Xuân Tuấn, Chủ tịch UBND xã Phúc Ứng, huyện Sơn Dương cho biết: "Từ kiến thức sau khi được học, bà con xã Phúc Ứng phát triển hiệu quả với trên 400 mô hình trang trại, gia trại chăn nuôi. Xã Phúc Ứng theo kế hoạch năm 2023 xẽ về đích nông thôn mới, tiêu chí thu nhập cũng đạt 48,2 triệu đồng, người/năm. Xã cơ bản khuyến khích chăn nuôi theo trang trại. Các hộ này đều được tham gia tập huấn các lớp dạy nghề".

Huyện Sơn Dương phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào nông - lâm nghiệp, nên tỷ lệ người lao động có nhu cầu học các nghề về trồng trọt, chăn nuôi và sửa chữa máy nông nghiệp chiếm trên 80%. Nhận thức đúng, sát với nhu cầu về đào tạo nghề cho nông dân và lao động nông thôn sẽ góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực cho địa phương.

Anh Mông Văn Hùng phát huy tốt nghề sửa chữa máy nông nghiệp

Anh Mông Văn Hùng phát huy tốt nghề sửa chữa máy nông nghiệp

Ông Nguyễn Hùng Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Sơn Dương, cho biết: Sau 10 năm triển khai công tác đào tạo nghề, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Sơn Dương đã tổ chức đào tạo nghề cho hơn 4.600 đối tượng.

"Trong triển khai thực tế trung tâm cũng bám sát vào đặc điểm vùng kinh tế từng xã trên địa bàn huyện, vùng nào chăn nuôi thì tập trung mạnh đào tạo chăn nuôi. Đào tạo cho đối tượng thanh niên sẽ đào tạo nghề phi nông nghiệp, hàn, điện, may. Thuận lợi trên địa bàn có các khu công nghiệp và các khu công nghiệp cũng sã sàng tuyển dụng. Vì vậy chúng tôi đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của nhà máy khi học viên học xong đáp ứng thị trường lao động địa phương", ông Nguyễn Hùng Cường cho hay.

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn được các cấp chính quyền ở huyện Sơn Dương quan tâm, chú trọng và phát huy hiệu quả thiết thực. Sau khi hoàn thành chương trình học tại các lớp đào tạo nghề, phần lớn học viên đã áp dụng hiệu quả các kỹ thuật vào lao động sản xuất, tự tạo việc làm nâng cao thu nhập, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Mạnh Phương/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tang-cuong-dao-tao-nghe-cho-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-o-tuyen-quang-post1055830.vov