Tăng cường đấu tranh chống khai thác và vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép
Trong dịp trước Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tham mưu cho chính quyền địa phương ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng (QL, BVR); xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch BVR trước, trong và sau tết.
Kiểm lâm viên Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng số 2 (tại Ngọc Lặc) tuần tra rừng tại huyện Quan Hóa.
Tăng cường kiểm tra tình hình an ninh rừng ở các địa bàn trọng điểm, các khu vực rừng còn giàu tài nguyên, chủ động phát hiện, ngăn chặn tình trạng khai thác, mua bán, tàng trữ, kinh doanh lâm sản trái phép, không để xảy ra điểm nóng về khai thác, mua bán, tàng trữ, kinh doanh lâm sản trái phép. Ngay từ đầu năm 2021, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện đồng bộ các giải pháp QL, BVR, quản lý lâm sản, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng buôn bán, kinh doanh, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) số 1 và Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR số 2 tăng cường các hoạt động chống buôn lậu trên tuyến Quốc lộ 1A, tuyến đường sắt, đường Hồ Chí Minh qua địa bàn Thanh Hóa. Xây dựng và thực hiện có hiệu quả các phương án, kế hoạch BVR, đấu tranh chống buôn lậu lâm sản, trọng tâm là phương án BVR trên địa bàn các huyện trọng điểm về an ninh rừng. Tổ chức tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành trong lĩnh vực lâm nghiệp và tổ chức kiểm tra công tác triển khai tại cơ sở nhằm hướng dẫn, giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Chủ động thực hiện công tác thanh tra, pháp chế, kiểm tra rừng. Quản lý cưa xăng; quản lý gỗ làm nhà tại các huyện trọng điểm về an ninh rừng. Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Đề án “Tiếp nhận và xử lý thông tin, phản ánh, kiến nghị, đề nghị của Nhân dân về công tác kiểm lâm”.
Tuy nhiên, do lợi nhuận từ việc buôn bán lâm sản, động vật hoang dã (ĐVHD) trái phép cao, nên công tác đấu tranh chống buôn lậu lâm sản gặp nhiều khó khăn. Các đối tượng khi bị phát hiện, bắt giữ, xử lý thường rất manh động, liều lĩnh, bất chấp thủ đoạn nhằm trốn tránh hành vi vi phạm. Mặt khác, điều kiện giao thông phát triển, trên địa bàn có tuyến Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh đi qua, Quốc lộ 217 nối với nước bạn Lào, Quốc lộ 45, 47 và các tuyến đường liên huyện, liên xã, các tuyến đường sông, tạo thuận lợi cho giao thông nhưng đối với công tác kiểm tra, kiểm soát, chống buôn lậu lâm sản cũng gặp nhiều khó khăn.
Chủ động khắc phục khó khăn, Chi cục Kiểm lâm đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia BVR, tố giác đối tượng vi phạm bằng nhiều hình thức. Xây dựng và cài đặt mạng lưới thông tin cơ sở để kịp phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm đối tượng vi phạm. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu lâm sản trên các tuyến trọng điểm. Các đơn vị trực thuộc Chi cục Kiểm lâm đã chủ động phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan tăng cường tuần tra an ninh rừng tại gốc. Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt trách nhiệm quản lý Nhà nước về lâm nghiệp.
Tìm hiểu thực tế tại Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR số 1 (thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh), chúng tôi được biết hiện nay tình trạng vận chuyển lâm sản trái phép, nhất là ĐVHD từ các tỉnh miền Trung, vùng Tây Nguyên đi qua Thanh Hóa diễn biến phức tạp. Do lợi nhuận thu được từ buôn bán lâm sản và ĐVHD trái phép cao, đối tượng buôn lậu đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; hoạt động của “lâm tặc” liều lĩnh để tránh kiểm soát, bắt giữ của lực lượng chức năng. Lợi dụng một nhóm người trong tỉnh để dẫn đối tượng vận chuyển ĐVHD đi vào đường ngang, ngõ tắt trong khu dân cư gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ... Mặt khác, lợi dụng hệ thống thông tin liên lạc đã được phủ sóng toàn quốc, “lâm tặc” còn thuê đối tượng là người địa phương liên tục bám sát các hoạt động của lực lượng kiểm lâm, khi xe của đơn vị ra khỏi cơ quan là chúng bám theo hoặc liên lạc cho đối tượng vận chuyển quay đầu bỏ chạy. Khi bị phát hiện, dừng xe kiểm tra thường các đối tượng này không chấp hành mà còn cản trở quyết liệt, thậm chí dùng hung khí chống trả làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ kiểm lâm. Bị truy đuổi thì lạng lách gây nguy hiểm cho lực lượng kiểm lâm và người dân tham gia giao thông...
Để tăng cường sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh ngăn chặn buôn bán lâm sản và ĐVHD, thời gian vừa qua, Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR số 1 đã chủ động phối hợp kịp thời, có hiệu quả với các đơn vị thuộc Công an tỉnh trong thực hiện tốt nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu lâm sản và ĐVHD từ các tỉnh miền Trung, vùng Tây Nguyên qua địa bàn Thanh Hóa, góp phần giải quyết nhanh gọn, đúng pháp luật các vụ việc phức tạp, bắt giữ và xử lý nhiều vụ vi phạm buôn bán, vận chuyển lâm sản và ĐVHD từ các tỉnh miền Trung, vùng Tây Nguyên qua Thanh Hóa. Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR số 1 đã chủ động xây dựng mạng lưới thông tin từ Nam ra Bắc trong Nhân dân, đổi mới liên tục công tác trinh sát, thu thập thông tin, phương thức hoạt động tuần tra và biết dựa vào chính quyền, tai mắt của Nhân dân để phát hiện chính xác các thủ đoạn mới và triệt phá các ổ nhóm, các đường dây buôn bán lâm sản nguy hiểm của “lâm tặc”.
Cùng với việc tăng cường thực hiện các giải pháp ngăn chặn tình trạng buôn bán lâm sản và ĐVHD từ các tỉnh miền Trung, vùng Tây Nguyên qua Thanh Hóa, Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR số 1 đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong quản lý lâm sản, bảo vệ tang vật sau khi xử lý, chế độ xuất, nhập đúng nguyên tắc, đúng quy chế, không để xảy ra thất thoát hoặc thiếu hụt. Riêng Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR số 1 năm 2020 đã bắt giữ và xử lý 79 vụ vi phạm, tổng thu nộp ngân sách Nhà nước trên 1,8 tỷ đồng.
Trong năm 2020, các đơn vị trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phát hiện và xử lý 380 vụ vi phạm hành chính (giảm 51 vụ so với cùng kỳ năm 2019). 3 vụ khởi tố hình sự tại các huyện: Như Xuân, Quan Hóa, Bá Thước vi phạm quy định về khai thác, BVR và lâm sản. Tổng thu từ phạt và tiền bán tang vật vi phạm hành chính nộp ngân sách Nhà nước hơn 5 tỷ 189 triệu đồng. Kết quả nổi bật hiện nay là an ninh rừng trên địa bàn nội tỉnh đã được giữ vững và ổn định, các tuyến tỉnh lộ và Quốc lộ 1A (qua địa bàn tỉnh) được kiểm soát chặt chẽ, các điểm nóng về khai thác, vận chuyển trái phép lâm sản trên địa bàn các huyện miền núi không xảy ra, các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp sớm được phát hiện, xử lý đúng quy định.
Để thực hiện tốt mục tiêu bảo vệ an toàn diện tích rừng hiện có trên địa bàn tỉnh; giữ vững “an ninh rừng tại gốc”; không để xảy ra các “tụ điểm”, “điểm nóng”; ngăn chặn có hiệu quả các hành vi xâm lấn, chặt cây rừng tự nhiên để trồng rừng và sản xuất nương rẫy trái pháp luật; nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu lâm sản, công tác kiểm tra, kiểm soát trên tuyến Quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh và các huyện miền núi, đường Hồ Chí Minh qua địa bàn tỉnh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tăng cường chỉ đạo các đội kiểm lâm cơ động, các hạt kiểm lâm trực thuộc tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp QL, BVR. Các đội kiểm lâm cơ động chủ động xây dựng kế hoạch sát với thực tế để triển khai thực hiện đạt kết quả cao. Phối hợp chặt chẽ với các hạt kiểm lâm trên tuyến công tác, nhằm tăng hiệu lực trong công tác đấu tranh chống buôn lậu lâm sản. Phối hợp với lực lượng công an, biên phòng, quản lý thị trường và các lực lượng chống buôn lậu khác thực hiện đấu tranh chống buôn lậu lâm sản, ĐVHD trên tuyến đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1A qua tỉnh Thanh Hóa và các tuyến nội tỉnh, địa bàn trọng điểm, cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản, nuôi nhốt ĐVHD. Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng trong quản lý lâm sản, bảo vệ lâm sản sau xử lý. Tổ chức cho cán bộ kiểm lâm của các đội đi cài cắm thông tin ở các tỉnh phía Nam, các tỉnh có nguồn gốc lâm sản, động vật rừng xuất đi. Theo dõi, nắm bắt kịp thời các thủ đoạn, phương thức hoạt động của đối tượng tại các vùng khai thác, bãi tập kết trọng điểm. Các đơn vị trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả phương án giữ ổn định an ninh rừng, quản lý chặt chẽ nguồn lâm sản rừng tự nhiên, trong khai thác, sử dụng, kinh doanh, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ trên từng địa bàn.