Tăng cường đấu tranh phòng chống buôn lậu trên biên giới

Theo nhận định của các cơ quan chức năng, những tháng đầu năm 2017, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BL,GLTM&HG), vận chuyển trái phép hàng hóa trên các tuyến biên giới, vùng biển có chiều hướng giảm hơn so với cùng kỳ năm 2016.

Tang vật gồm 12.000 bao thuốc lá ngoại nhập lậu và 21kg pháo nổ bị BĐBP Gia Lai thu giữ. Ảnh: CTV

Tang vật gồm 12.000 bao thuốc lá ngoại nhập lậu và 21kg pháo nổ bị BĐBP Gia Lai thu giữ. Ảnh: CTV

Tại tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, các mặt hàng nhập lậu qua biên giới chủ yếu là pháo nổ, tiền giả, hàng điện tử, điện lạnh gia dụng, nguyên liệu thuốc bắc... và hoạt động buôn bán, vận chuyển ma túy. Trọng điểm là khu vực cửa khẩu, điểm thông quan, đường mòn, đường tắt qua biên giới ở các tỉnh Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, nổi lên hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá, rượu ngoại, gỗ, mỹ phẩm. Địa bàn trọng điểm là các tỉnh Kon Tum, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang. Tuyến biển nổi lên hoạt động mua bán trái phép xăng dầu, than, hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng, rượu ngoại... Tập trung trên vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Phú Yên, Tiền Giang, Trà Vinh.

Để tránh sự kiểm tra, kiểm soát và xử lý của các cơ quan chức năng, các đối tượng đã lợi dụng sơ hở trong cơ chế chính sách và trong công tác tuần tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa. Đặc biệt, các đối tượng triệt để lợi dụng đặc điểm và điều kiện nhân dân ở khu vực biên giới để lôi kéo, thuê họ vận chuyển hàng lậu.

Theo báo cáo của các đơn vị Biên phòng, đối với mặt hàng xăng dầu, thủ đoạn của các đối tượng là móc nối, giao dịch trực tiếp với chủ đầu nậu, lợi dụng giấy phép nhập khẩu xăng dầu, quay vòng hóa đơn hoặc lợi dụng điều kiện hoạt động trên biển lén lút cập mạn bơm xăng dầu từ tàu nước ngoài để tiêu thụ. Đối với mặt hàng gỗ, các doanh nghiệp lợi dụng chức năng được phép kinh doanh, nhập khẩu để gian lận hồ sơ, số lượng, chủng loại quay vòng hóa đơn để vận chuyển gỗ về Việt Nam. Các đối tượng còn lợi dụng xe chở khách, chở hàng qua lại biên giới để vận chuyển hoặc gia cố, chế tạo ngăn thùng xe bí mật cất giấu gỗ, hay móc nối khai thác, tập kết gỗ sát biên giới, tìm thời cơ vận chuyển về Việt Nam.

Các mặt hàng khác như thuốc lá, nguyên liệu thuốc lá, hoạt động buôn lậu diễn ra chủ yếu tại tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, địa bàn biên giới tỉnh Quảng Trị và một số tỉnh tuyến biển miền Trung. Các chủ đầu nậu thường móc nối chặt chẽ trong, ngoài biên giới và nội địa hình thành đường dây, tập kết hàng sát biên giới, chia nhỏ hàng và thuê cửu vạn tập trung thành từng toán, nhóm dùng xe máy, xuồng cao tốc vận chuyển từ các tàu lớn vào bờ hoặc vận chuyển qua biên giới vào sâu nội địa để tiêu thụ. Các đối tượng này thường sẵn sàng chống trả quyết liệt, hoặc bỏ chạy thoát, thậm chí chúng còn xúi giục, kích động phụ nữ, trẻ em gây rối rồi cướp hàng khi bị phát hiện, bắt giữ.

Hoạt động buôn lậu đường kính của các đối tượng cũng hết sức tinh vi. Chúng đặt in bao bì giả theo mẫu mã, nhãn mác bao bì của các nhà máy, công ty sản xuất, kinh doanh đường trong nước để dùng vào việc buôn lậu. Hoặc chúng sử dụng vỏ bao gạo mang sang Campuchia, Lào đóng đường Thái Lan vào rồi dùng thuyền, ghe, ô tô, xe máy vận chuyển trái phép qua biên giới tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng.

Theo báo cáo của Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP, từ ngày 16-12-2016 đến ngày 9-3-2017, các đơn vị BĐBP đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 331 vụ/373 đối tượng; thu giữ tang vật hơn 1,5 triệu lít xăng, gần 2,6 triệu lít dầu, 16 nghìn tấn than và đá xít, hàng trăm nghìn bao thuốc lá, hơn 40 nghìn viên ma túy tổng hợp..., trị giá hàng hóa bị thu giữ ước tính khoảng 151 tỷ đồng.

Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 1389 Bộ Quốc phòng về BL, GLTM&HG , Bộ Tư lệnh BĐBP yêu cầu các đơn vị BĐBP nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nắm tình hình, chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch đấu tranh; sử dụng đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện qua lại biên giới, vùng biển, nhất là các khu vực cửa khẩu, cảng biển, khu kinh tế cửa khẩu, đường mòn, lối mở, các tuyến vận chuyển hàng hóa trên biển; kết hợp đấu tranh thường xuyên với tổ chức các đợt cao điểm, kiên quyết không để xảy ra điểm nóng, phức tạp về buôn lậu ở khu vực biên giới.

Bộ Tư lệnh BĐBP cũng yêu cầu các đơn vị cần phối hợp chặt với các lực lượng chức năng như Hải quan, Cảnh sát Biển, Công an, Quản lý thị trường, Kiểm lâm và chính quyền địa phương trao đổi thông tin, tình hình để phòng ngừa, đấu tranh triệt phá các đường dây, tổ chức, ổ nhóm buôn lậu. Đặc biệt, gắn trách nhiệm người chỉ huy các cấp với hiệu quả chỉ đạo, điều hành công tác đấu tranh chống BL, GLTM&HG; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu.

Vân Anh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tang-cuong-dau-tranh-phong-chong-buon-lau-tren-bien-gioi/