Tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao
Tội phạm sử dụng công nghệ cao gắn liền với sự bùng nổ của công nghệ thông tin và viễn thông. Cùng với xu thế mới của thời đại, tội phạm sử dụng công nghệ cao sẽ tiếp tục gia tăng. Chính vì vậy, các cấp, các ngành, đặc biệt là lực lượng Công an trên địa bàn tỉnh cần tổ chức thực hiện một cách đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này.
Thời gian qua, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao hoạt động trên không gian mạng trên địa bàn tỉnh tuy có giảm so với năm 2023 nhưng vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, xảy ra trên tất cả các lĩnh vực như: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (hành vi này cơ bản phổ biến); đánh bạc trên không gian mạng; hoạt động tín dụng đen, cho vay lãi nặng; rửa tiền, trốn thuế; buôn bán hàng giả, hàng nhập lậu; mua hàng cấm, ma túy, mại dâm...
Chính vì vậy, tháng 8/2023, Công an tỉnh đã công bố quyết định thành lập Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao (PA05). Việc thành lập Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đánh dấu sự phát triển của lực lượng Công an tỉnh trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và trên không gian mạng và sử dụng công nghệ cao nói riêng.
Hiện nay, khoa học kỹ thuật, nhất là lĩnh vực công nghệ thông tin phát triển từng ngày. Tội phạm sử dụng công nghệ cao để phạm tội cơ bản là các đối tượng có trình độ chuyên môn cao luôn tìm cách vận dụng vào công nghệ mới, những sơ hở trong chính sách quản lý nhà nước, điều kiện phát triển kinh tế trong từng giai đoạn, tâm lý của người bị hại để phạm tội. Điển hình, trong những tháng đầu năm 2024 xảy ra nhiều hình thức lừa đảo giả danh là cán bộ các cơ quan thi hành pháp luật để đe dọa, bẫy người dân chiếm đoạt tài sản.
Đặc biệt là hành vi giả danh cán bộ Công an như cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao để đe dọa tống tiền; thỏa thuận nộp phí, chi phí điều tra để đòi lại tiền bị lừa đảo,...; giả danh cán bộ Công an yêu cầu người dân làm CCCD, định danh mức độ I, mức độ II trực tuyến; yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân, nộp tiền phí chỉ với mức 30.000 - 40.000 đồng, chuyển vào đường link do chúng tạo lập, sau đó chiếm quyền điều khiển và rút toàn bộ số tiền trong tài khoản.
Đây là hành vi hết sức nguy hiểm, đánh đúng vào tâm lý cũng như thực tế lực lượng Công an phải triển khai thực hiện Đề án 06 nên người dân dễ tin tưởng, mất cảnh giác và dễ làm theo sự điều khiển của bọn phạm tội. Hành vi của bọn chúng đã chiếm đoạt được tài sản có giá trị lớn, làm người dân hoang mang, gây mất uy tín cho lực lượng Công an.
Những năm qua, nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo sát sao của Ban Giám đốc Công an tỉnh và đặc biệt là công tác tuyên truyền của lực lượng công an, qua đó, đã đem lại hiệu quả cao trong đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, được đông đảo Nhân dân ủng hộ. Tuy nhiên, công tác đấu tranh xử lý với loại tội phạm này còn gặp rất nhiều khó khăn, hiệu quả còn thấp như: Chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về nhận diện đối với các băng, ổ nhóm tội phạm trên không gian mạng dẫn đến việc nhận diện, định hướng, tổ chức xác minh, điều tra còn gặp nhiều khó khăn.
Các văn bản pháp quy, pháp luật còn thiếu, chưa hướng dẫn chi tiết, cụ thể. Những sơ hở, thiếu sót của cơ quan quản lý nhà nước như trong lĩnh vực viễn thông, tài chính, thương mại điện tử... Công tác phối hợp trong điều tra giữa cơ quan Công an với các đơn vị có liên quan còn gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là các nhà mạng và hệ thống ngân hàng.
Bên cạnh đó, sự tuân thủ của các nhà mạng, hệ thống ngân hàng trong quản lý sim rác, mua bán tài khoản (tài khoản ảo) còn hạn chế, trên thực tế số lượng sim rác, tài khoản ngân hàng “ảo” vẫn còn tràn lan bán trên thị trường hoạt động chỉ vì mục đích lợi nhuận... Qua đó, việc thu thập căn cứ để chứng minh hành vi phạm tội gặp nhiều khó khăn vì là chứng cứ điện tử dễ bị xóa, khó khôi phục, nhiều vụ việc đối tượng đơn phương thực hiện, không có nhân chứng.
Để tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Thượng tá Hoàng Việt Sơn - Trưởng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết: Phòng PA05 cũng sẽ tiếp tục phối hợp với Đài PT&TH Phú Thọ, Báo Phú Thọ, Sở Thông tin và Truyền thông, Tỉnh đoàn Phú Thọ cùng các lực lượng chức năng tập trung vào công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Kịp thời nhận diện thủ đoạn hành vi phạm tội mới để phổ biến, tuyên truyền và có các giải pháp phòng ngừa. Mở các lớp bồi dưỡng kiến thức về an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao dành cho lãnh đạo, chỉ huy và Trưởng Công an xã.
Trong thời gian tới, Bộ Công an cũng khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức tự quản, tự phòng, tự đề kháng để phòng ngừa tội phạm công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, như cảnh giác khi nhận cuộc gọi lạ; kiểm tra và cập nhật tính năng bảo mật trên tài khoản mạng xã hội; không cung cấp thông tin cá nhân cho người chưa rõ nhân thân; thận trọng khi thực hiện giao dịch điện tử và trực tuyến và kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng khi nghi ngờ về hoạt động tội phạm...