Tăng cường đầu tư dạy và học tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số tại Quảng Ninh
Tăng cường đầu tư dạy và học tiếng Việt là vấn đề luôn được ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh quan tâm, hỗ trợ trong thời gian qua với nhiều nguồn lực mang lại hiệu quả trong giáo dục mầm non tại các vùng miền núi, biên giới, hải đảo.

Tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số tại Quảng Ninh được tăng cường như thế nào?

Một tiết học tiếng Việt ở huyện Tiên Yên, Quảng Ninh. Ảnh: CTV
Dành nguồn kinh phí gần 7 tỷ đồng đầu tư cho tăng cường dạy và học tiếng Việt cho các cơ sở giáo dục mầm non
Đề án "Tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025" được ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh chú trọng, trong đó, xác định điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, học liệu và môi trường tiếng Việt là một trong những yếu tố quan trọng trong thực hiện mục tiêu của Đề án.
Từ năm học 2021-2022 đến nay, tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có trẻ dân tộc thiểu số, một số phòng Giáo dục và Đào tạo đã tích cực tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp huyện ưu tiên nguồn kinh phí sửa chữa, cải tạo, xây mới cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung các học liệu, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho các cơ sở giáo dục mầm non nhằm đáp ứng yêu cầu tăng cường tiếng Việt, tổng kinh phí gần 7 tỷ đồng. Tiêu biểu như các địa phương Hạ Long, Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên...
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục mầm non thuộc vùng dân tộc thiểu số đã có nhiều giải pháp hiệu quả trong công tác huy động các tổ chức, cá nhân, cha mẹ học sinh, cộng đồng tham gia ủng hộ về vật chất và sức lao động nhằm tăng cường học liệu, trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi và xây dựng môi trường tiếng Việt.
Đồng thời, do xác định chất lượng đội ngũ là yếu tố quyết định thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu của Đề án nên hằng năm hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cũng được các cấp đặc biệt quan tâm.
Các địa phương còn tổ chức tập huấn cho đội ngũ cộng tác viên là phụ huynh, hội viên phụ nữ, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh… hỗ trợ ngôn ngữ cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số; bồi dưỡng tiếng Việt cho cha, mẹ trẻ để tăng cường tiếng Việt cho trẻ tại gia đình.
Nhìn chung, thời gian qua, công tác xã hội hóa giáo dục trong thực hiện tăng cường tiếng Việt cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số ở Quảng Ninh luôn được các cơ sở giáo dục Mầm non triển khai hiệu quả. Đến nay đã huy động được hơn 5.000 lượt ngày công lao động từ cha mẹ trẻ, bộ đội biên phòng, nhân dân trên địa bàn tham gia cải tạo, xây dựng các sân chơi, khuôn viên các điểm trường chính, lẻ; trên 2.000 thiết bị, đồ dùng, đồ chơi tự tạo từ mây, tre, gỗ, nứa...; hàng nghìn tài liệu, học liệu hỗ trợ hoạt động vui chơi, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em vùng Dân tộc thiểu số.
Qua các năm thực hiện Đề án, chất lượng hoạt động tăng cường tiếng Việt cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục Mầm non được nâng lên rõ rệt. Nhiều hoạt động tăng cường tiếng Việt được nhà trường, giáo viên triển khai sáng tạo cả về hình thức tổ chức và phương pháp giáo dục. Môi trường tiếng Việt phong phú, đa dạng, tạo nhiều cơ hội để trẻ được giao tiếp, làm giàu ngôn ngữ tiếng Việt cho trẻ.
Đến hết năm 2024, tỷ lệ trẻ em vùng dân tộc thiểu số trong độ tuổi mẫu giáo được huy động ra lớp đạt 95,4% (vượt mục tiêu Đề án); 100% trẻ em mầm non vùng Dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục Mầm non được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp với độ tuổi.
Theo thống kê, từ năm học 2021-2022 đến nay, các địa phương trên toàn tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức hơn 300 lớp tập huấn cho 100% cán bộ quản lý, giáo viên dạy trẻ em người dân tộc thiểu số về công tác quản lý, phương pháp, kỹ năng tổ chức các hoạt động nhằm tăng cường tiếng Việt dựa trên tiếng mẹ đẻ, phù hợp với trẻ em vùng này theo yêu cầu của Chương trình giáo dục mầm non.
Trong đó, quan tâm công tác quản lý, dạy học ở các điểm trường, kỹ năng tổ chức các hoạt động ở các lớp ghép. Khuyến khích cán bộ quản lý, giáo viên tự bồi dưỡng, học tập tiếng dân tộc thiểu số phổ biến ở địa phương để phục vụ yêu cầu công việc hoặc có thể sử dụng tiếng dân tộc để hướng dẫn các em thực hiện một số hoạt động học tập, vui chơi, sau đó dần dần chuyển sang sử dụng tiếng Việt.