Tăng cường đoàn viên, thanh niên khối trường họcvề sinh hoạt tại địa bàn dân cư
Cơ sở đoàn địa bàn dân cư có vị trí hết sức quan trọng, là một trong những nền tảng chính cấu thành nên tổ chức của đoàn, nơi thực hiện các chủ trương, nghị quyết của đoàn tới đoàn viên, thanh niên (ĐVTN). Việc cần thiết phải củng cố, nâng cao chất lượng cơ sở đoàn địa bàn dân cư chính là góp phần tích cực vào xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh.
Bảo đảm sự kế thừa và phát triển của Đảng - để đội dự bị không “ngại” vào Đảng
Hội thảo khoa học giải pháp tăng cường đoàn viên, thanh niên khối trường học về sinh hoạt tại địa bàn dân cư; bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp. Ảnh: Lê Phượng
Chi đoàn hoạt động cầm chừng, chi đoàn “trắng”... phổ biến tại các khu dân cư
Xã Minh Sơn (Triệu Sơn) có hơn 700 thanh niên, trong đó có hơn 100 ĐVTN có mặt tại địa phương, bởi phần lớn ĐVTN đều đi học đại học, cao đẳng, học nghề hoặc đi làm ăn xa nên một số chi đoàn chỉ còn 3 - 5 đoàn viên tham gia sinh hoạt. Theo đồng chí Đàm Thị Thơ, bí thư đoàn xã: “Số ĐVTN có mặt ở địa phương chủ yếu quan tâm đến phát triển kinh tế, kiếm thu nhập hơn là tham gia các phong trào tình nguyện. Vì vậy, đoàn xã rất khó khăn trong việc triển khai các phong trào, hoạt động đoàn”.
Xã Thiệu Toán (Thiệu Hóa) có hơn 1.400 ĐVTN trong độ tuổi, chiếm khoảng 23% dân số toàn xã. Trong đó, ĐVTN thường xuyên đi học, chuyển công tác và đi làm ăn xa là hơn 1.200 người, còn lại hơn 200 ĐVTN tham gia sinh hoạt tại 7 chi đoàn. Đồng chí Lê Công Cường, bí thư đoàn xã, chia sẻ: Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đoàn, song thực tế hoạt động của các chi đoàn vẫn còn thấp; nội dung, hình thức và hoạt động của chi đoàn thiếu hấp dẫn, ít sáng tạo. Vai trò của người thủ lĩnh chưa được phát huy, tình trạng bỏ sinh hoạt đoàn, thờ ơ với hoạt động và sinh hoạt vẫn diễn ra...
Theo báo cáo của Huyện đoàn Như Xuân, do gặp các khó khăn về cán bộ, đội ngũ, số lượng ĐVTN tham gia sinh hoạt... nên 2 chi đoàn thôn Xuân Khánh và thôn 1, xã Bãi Trành đã “trắng” sinh hoạt, không hoạt động.
Theo thống kê của Tỉnh đoàn, toàn tỉnh hiện có 4.393 chi đoàn địa bàn dân cư. Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động và củng cố hoạt động các chi đoàn, những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các cấp bộ đoàn trong tỉnh tập trung nhiều giải pháp, ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, trong đó tập trung rà soát, sắp xếp mô hình chi đoàn theo hướng sáp nhập những chi đoàn có số đoàn viên ít thành các liên chi đoàn. Thực hiện việc kiện toàn, sáp nhập các chi đoàn thôn, tổ dân phố theo tinh thần các nghị quyết của HĐND tỉnh và Chỉ thị số 12 ngày 25-10-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện việc sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh gắn với việc tiếp tục chỉ đạo thực hiện các giải pháp xây dựng chi đoàn mạnh trên cả 3 phương diện: mạnh về tư tưởng chính trị; mạnh về phong trào, hoạt động và mạnh về tổ chức... Tuy vậy, hiện nay hoạt động đoàn ở địa bàn dân cư đang gặp nhiều hạn chế: tỷ lệ thanh niên đi làm ăn xa lớn, một số ở nhà lại ít sinh hoạt. Việc duy trì sinh hoạt chi đoàn hàng tháng nhìn chung không được thường xuyên, có khi 2 - 3 tháng mới sinh hoạt 1 lần. Có nơi, có thời điểm chi đoàn chỉ còn lại bộ khung ban chấp hành, không có phong trào, không có hoạt động. Thực trạng này không chỉ tồn tại ở một vài chi đoàn mà đang phổ biến ở nhiều chi đoàn trên địa bàn tỉnh. Thêm vào đó, đội ngũ bí thư, phó bí thư chi đoàn ở các thôn, làng, bản, khu phố không ổn định, vừa thiếu lại vừa yếu về kỹ năng nghiệp vụ cũng như khả năng tổ chức hoạt động và tập hợp ĐVTN. Không có lực lượng nên nhiều chi đoàn ở khối địa bàn dân cư chỉ tập trung hoạt động vào dịp nghỉ hè hoặc dịp tết khi học sinh được nghỉ học, ĐVTN làm ăn xa trở về quê hương.
Cùng với đó, qua kiểm tra công tác đoàn viên và tổ chức cơ sở đoàn của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, cho thấy hầu hết các xã, phường, thị trấn, số đoàn viên hiện nay sinh sống và sinh hoạt tại địa phương chủ yếu là đoàn viên khối trường học và cơ quan; số đoàn viên, đặc biệt là đoàn viên nữ đã xây dựng gia đình rất ít khi tham gia sinh hoạt vì nhiều lý do, dẫn đến các hoạt động được tổ chức chưa mang tính chiều sâu. Qua nắm bắt, nhu cầu lớn nhất của thanh niên ở địa bàn dân cư hiện nay chính là việc làm, lập thân, lập nghiệp, sân chơi... Song, thực tế cho thấy việc tổ chức các mô hình đáp ứng những nhu cầu chính đáng của thanh niên như: hỗ trợ phát triển kinh tế, tập huấn khoa học kỹ thuật, cảm hóa thanh niên chậm tiến... chưa được các chi đoàn dân cư quan tâm thực hiện.
Đồng chí Lê Văn Châu, Bí thư Tỉnh đoàn, chia sẻ: “Sinh hoạt đơn điệu, kinh phí hoạt động không có, khó khăn trong tập hợp ĐVTN... chính là thực trạng đáng buồn ở các chi đoàn địa bàn dân cư hiện nay. Theo đó, để tập hợp được đông đảo ĐVTN đòi hỏi phải nâng cao chất lượng sinh hoạt chi đoàn; phải phát huy những chi đoàn mạnh, giúp đỡ các chi đoàn yếu với những cách làm cụ thể, thiết thực hướng về cơ sở, cần thiết phải tăng cường ĐVTN khu vực trường học về tham gia sinh hoạt tại địa bàn dân cư”.
Cần tạo môi trường “động” để ĐVTN phát huy, cống hiến
Ban Chấp hành Tỉnh đoàn khóa XVIII, nhiệm kỳ 2017-2022 đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TĐTN ngày 6-8-2018 về đổi mới, nâng cao chất lượng tổ chức đoàn xã, phường, thị trấn giai đoạn 2018-2022, trong đó một trong những nội dung trọng tâm là đưa ĐVTN khối trường học về sinh hoạt tại địa bàn dân cư. Trên cơ sở đó, 100% các huyện, thị, thành đoàn, đoàn trực thuộc đã xây dựng, triển khai hướng dẫn ĐVTN khối trường học tham gia sinh hoạt Đoàn tại nơi cư trú.
Tại huyện Quảng Xương, công tác giới thiệu, quản lý ĐVTN khối trường học về tham gia sinh hoạt, hoạt động tại nơi cư trú đã được Huyện đoàn Quảng Xương chỉ đạo và triển khai từ năm 2012. Theo đó, thực hiện kế hoạch của Huyện đoàn, đoàn Trường THPT Quảng Xương 1 đã bàn giao danh sách ĐVTN về sinh hoạt tại địa bàn dân cư. Năm học 2020-2021, đoàn trường đã bàn giao 1.680 ĐVTN về 112 chi đoàn thôn của 15 đoàn xã, thị trấn trong huyện. Tuy vậy, theo đồng chí Bí thư đoàn Trường THPT Quảng Xương 1 Lưu Ngọc Châu: “Mặc dù đoàn trường đã làm rất tốt công tác quản lý, giới thiệu ĐVTN về tham gia sinh hoạt tại địa bàn dân cư, nhưng một số đơn vị khối xã, thị trấn chưa làm tốt công tác tiếp nhận ĐVTN, làm mất phiếu quản lý ĐVTN, công tác đánh giá, xếp loại ĐVTN còn nể nang, công tác trao đổi 2 chiều đôi khi chậm làm ảnh hưởng đến việc đánh giá chất lượng đoàn viên vào cuối kỳ học, cuối năm học”...
Vừa qua (chiều 29-3), Ban Thường vụ Tỉnh đoàn phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo khoa học: “Giải pháp tăng cường ĐVTN khối trường học về sinh hoạt tại địa bàn dân cư; tạo môi trường để bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp”. Hội thảo là dịp để các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị và tổ chức đoàn thấy rõ thực trạng của công tác đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi ở cơ sở. Trên cơ sở đó chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp nhằm củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động đoàn ở cơ sở, góp phần phát triển Đảng từ ĐVTN ở địa bàn dân cư và khối trường học. Dự và chỉ đạo tại hội thảo, đồng chí Phó Bí Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên đã nhấn mạnh: Để hội thảo đạt mục đích, chất lượng, yêu cầu đặt ra, các đại biểu tham dự cần làm rõ một số nội dung về thực trạng và khó khăn, vướng mắc của tổ chức cơ sở đoàn hiện nay, nhất là tổ chức cơ sở đoàn ở địa bàn dân cư và khối trường học. Từ đó, làm rõ sự cần thiết phải tăng cường ĐVTN khối trường học về sinh hoạt tại địa bàn dân cư, cũng như phương thức, nội dung sinh hoạt, thời gian sinh hoạt. Phân tích, đề xuất giải pháp để đưa ĐVTN khối trường học về sinh hoạt tại địa bàn dân cư nhưng không ảnh hưởng đến việc học tập của ĐVTN, không ảnh hưởng hướng hoạt động của phong trào đoàn tại các trường học. Trên cơ sở việc đưa ĐVTN khối trường học về sinh hoạt tại địa bàn dân cư, đề xuất giải pháp đổi mới mô hình tổ chức, mô hình hoạt động của tổ chức cơ sở đoàn ở địa bàn dân cư trong điều kiện hiện nay. Xác định rõ vai trò của đảng ủy, ban giám hiệu các nhà trường và cấp ủy, chính quyền, ủy ban MTTQ, các đoàn thể cơ sở trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ hoạt động đoàn ở cơ sở và tạo điều kiện cho ĐVTN khối trường học tham gia sinh hoạt tại địa bàn dân cư. Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy lưu ý: Trên cơ sở kết quả hội thảo và căn cứ tình hình thực tế, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường phát triển Đảng từ ĐVTN khối trường học trên địa bàn tỉnh.
Từ các nội dung định hướng của đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nhiều đại biểu tham dự hội thảo đã tập trung thảo luận, đưa ra các giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, hoạt động Đoàn trong khối trường học; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của ĐVTN khối trường học về động cơ vào Đảng... Gắn với đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động để các hoạt động của đoàn thực sự hấp dẫn, mới mẻ, lôi cuốn thanh niên, phát huy chức năng trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên trong học tập, rèn luyện. Đồng chí Vũ Thị Minh Tâm, Bí thư Huyện đoàn Hà Trung, cho rằng: Để thu hút học sinh tham gia cần tập trung vào những vấn đề mà thanh niên quan tâm. Phải xây dựng chương trình, kế hoạch bài bản, chặt chẽ, nghiêm túc, có nhiều nội dung sinh hoạt thiết thực, bổ ích, có hệ thống, theo phương châm: Phát triển quan hệ tình bạn, làng, xóm trong thanh, thiếu nhi học sinh sinh hoạt tại địa bàn dân cư, làm cho các em có thái độ tích cực với các vấn đề xã hội... qua đó giúp các em tạo hứng thú và nhiệt huyết hơn khi tham gia sinh hoạt tại địa bàn dân cư. Hay chia sẻ của đồng chí Lê Thị Kim Oanh, Bí thư Huyện đoàn Yên Định: Để thu hút ĐVTN tham gia một cách tích cực thì ban thường vụ đoàn xã, thị trấn cần phải tổ chức được các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao hấp dẫn, lôi cuốn. Đây là nhân tố quyết định tạo sự đồng thuận, tự nguyện tham gia vì thích chứ không phải vì áp lực của giấy nhận xét.
Đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi đoàn địa bàn dân cư không phải là chuyện “một ngày” mà đòi hỏi phải làm thường xuyên, có sự nỗ lực, quyết tâm đổi mới trong từng chi đoàn và sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cũng như các cấp bộ đoàn. Tạo môi trường “động” để thanh niên phát huy sức trẻ và cống hiến là vấn đề cốt lõi để nâng cao chất lượng hoạt động của chi đoàn, nhất là khắc phục tình trạng chi đoàn hoạt động cầm chừng, chi đoàn “trắng” vốn dĩ đang khá phổ biến hiện nay.