Tăng cường đối thoại để dân chủ cơ sở đi vào thực chất

Chiều 13/1, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tổ chức Hội nghị tổng kết việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020.

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương; các đồng chí Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Hà Ngọc Anh chủ trì Hội nghị.

Cụ thể hóa phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”

Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương Hà Ngọc Anh cho biết, năm 2019, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng mới ban hành đạt nhiều kết quả. Cụ thể, nhận thức về dân chủ, thực hành dân chủ và kết quả thực hiện quy chế dân chủ ở từng loại hình có nhiều chuyển biến tích cực. Dân chủ trong Đảng, trong quản lý, điều hành của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ngày càng thực chất, công khai, minh bạch hơn.

Theo đó, việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, nhất là ở địa bàn dân cư đi vào thực chất; việc thực hiện dân chủ trong các cơ quan nhà nước có nhiều tiến bộ. Trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp, các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở được nâng lên. Quyền làm chủ của nhân dân được phát huy; phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được cụ thể hóa trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Các mô hình tự quản trong cộng đồng như: Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng, tổ hòa giải ở cơ sở... tích cực động viên nhân dân tham gia công việc chung.

Hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các địa phương tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó mật thiết với nhân dân, bám sát thực tiễn cuộc sống. Công tác xây dựng pháp luật có nhiều nội dung tiến bộ, sát thực tiễn, quyền dân chủ của người dân được thể hiện đầy đủ hơn trong từng dự án luật. Hoạt động tiếp xúc cử tri, giám sát việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri, công tác tiếp công dân được chú trọng, nâng cao hiệu quả.

Công tác quản lý, điều hành của Chính phủ và chính quyền các cấp được thực hiện quyết liệt, dân chủ, công khai, minh bạch. Chính phủ luôn đồng hành, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo đánh giá hiệu quả công việc; thực hiện có hiệu quả phương châm hành động: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả” và “Năm dân vận chính quyền” 2019, hướng tới xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ nhân dân.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, bám sát đối tượng và hướng về cơ sở. Công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân triển khai sâu rộng, thực chất. Hoạt động giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được thực hiện bài bản, chất lượng hơn.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương cho biết, vẫn còn tồn tại một số hạn chế: công tác tuyên truyền thực hiện quy chế dân chủ chưa thường xuyên, kịp thời; chưa tạo được chuyển biến trong nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là người đứng đầu doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở ở một số nơi, một số lĩnh vực còn chưa thực chất; hạn chế trong công khai, minh bạch các chính sách, pháp luật liên quan đến nhân dân. Việc lấy ý kiến của nhân dân còn hình thức; việc tiếp thu, giải trình, lắng nghe ý kiến người dân không đầy đủ, chiếu lệ. Công tác cải cách hành chính, đổi mới tác phong, lề lối làm việc chưa đáp ứng được yêu cầu; tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn xảy ra…

Phát huy tinh thần sáng tạo, sức mạnh nhân dân

Nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng thực hiện dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên các lĩnh vực đời sống xã hội, nâng cao chất lượng công tác dân vận hệ thống chính trị, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước, đồng chí Hà Ngọc Anh nhấn mạnh, phương hướng trọng tâm của năm 2020 là tiếp tục phát huy dân chủ, đặc biệt là dân chủ trực tiếp ở cơ sở nhằm phát huy tinh thần sáng tạo, sức mạnh nhân dân; đưa việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; phát huy quyền làm chủ của nhân dân; thực hiện tốt dân chủ trong Đảng, tạo bầu không khí dân chủ trong việc tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng…

Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 được xác định gồm các nội dung: nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về dân chủ và thực hành dân chủ; đẩy mạnh chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; chú trọng tuyên truyền sâu rộng đến các đối tượng như người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới và trong các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước.

Bên cạnh đó, công tác dân vận của chính quyền cần được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, phát huy tối đa hiệu quả; đẩy mạnh công tác dân vận khéo trong hệ thống chính trị gắn với thực hiện phương châm hành động của Chính phủ “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả” để phục vụ người dân và doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp.

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng hoạt động, Ban Chỉ đạo Trung ương Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở chú trọng vào các giải pháp: cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, dịch vụ công trực tuyến, xây dựng Chính phủ điện tử; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường kiểm tra, thanh tra công vụ, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức có hành vi cửa quyền, tham nhũng, lãng phí, gây phiền hà cho nhân dân, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội đã đạt được trong năm 2019 có sự đóng góp không nhỏ của việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở nói riêng, công tác dân vận nói chung. Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được chú trọng, ngày càng được nâng cao về chất lượng, đi vào thực tiễn đời sống nhân dân.

"Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn liền với các phong trào trên cả nước, điển hình như: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Phong trào đã khơi dậy khí thế sôi nổi, phát huy trách nhiệm và vai trò đóng góp về sức người, sức của của nhân dân, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung công khai, minh bạch ở các dịch vụ công; đồng thời, đẩy mạnh dân vận chính quyền trên không gian mạng, đảm bảo cung cấp thông tin chính xác các hoạt động, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến nhân dân, phát huy quyền làm chủ và lợi ích của nhân dân.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cho biết, việc thực hiện dân chủ cơ sở thể hiện qua vai trò của người đứng đầu các cơ quan, bộ, ngành, từ cấp ủy trở lên, theo đó, các cán bộ phải tiếp dân, lắng nghe người dân, phối hợp chỉ đạo tốt công việc liên quan đến quyền lợi của dân, tích cực phòng chống tiêu cực.

Thực hiện quy chế dân chủ cơ sở năm 2019, quyền làm chủ của nhân dân cần tiếp tục được phát huy và thúc đẩy. Đặc biệt, công nghệ thông tin góp phần tạo điều kiện cho người dân tham gia vào quá trình xây dựng, nâng cao chất lượng cuộc sống, đất nước và xã hội. Do đó, trong thời gian tới, đồng chí Trương Thị Mai đề nghị, cần đẩy mạnh dân chủ cơ sở trên mạng xã hội; thay đổi nhận thức dân chủ gắn liền với kỷ cương pháp luật, chống lợi dụng dân chủ, tạo điều kiện cho người dân được tham gia đóng góp ý kiến.

“Với những vấn đề phức tạp, người cán bộ, công chức, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu cần tăng cường lắng nghe và đối thoại để cùng nhau giải quyết vấn đề, để dân chủ cơ sở đi vào thực chất hơn, thực chất ở người nói và thực chất ở người nghe”, Trưởng ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh.

Trưởng ban Dân vận Trung ương đề nghị, mỗi cán bộ, đảng viên nói riêng, toàn bộ hệ thống chính trị nói chung cần làm tốt nhiệm vụ chính trị để người dân đồng thuận, ủng hộ, có niềm tin vào Đảng và hệ thống chính trị; cần lựa chọn những tấm gương điển hình, tiêu biểu trong công tác “dân vận khéo” để lan tỏa, tuyên dương, tạo sự thống nhất, đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, năm 2020, nhiệm vụ nắm bắt tình hình, tư tưởng nhân dân; lấy ý kiến, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đối với các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của thực hiện quy chế dân vận các cấp... sẽ được tập trung thực hiện.

Diệp Trương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thoi-su/tang-cuong-doi-thoai-de-dan-chu-co-so-di-vao-thuc-chat-20200113181735369.htm