Tăng cường đối thoại để nâng cao nhận thức về chuyển dịch năng lượng
Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh đề ra các nhóm giải pháp ưu tiên, sẵn sàng nguồn lực, đồng lợi ích và có khả năng lan tỏa thay vì các phương án chỉ khả thi về kinh tế. Trong đó có giải pháp truyền thông, giáo dục và nâng cao nhận thức của cộng đồng.
Ngày 23/4 tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) thuộc Văn phòng Dịch vụ Dự án Liên hợp quốc (UNOPS) tổ chức hội thảo tham vấn Chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về chuyển dịch năng lượng.
Hội thảo nhằm tham vấn, lấy ý kiến các chuyên gia đầu ngành về kế hoạch truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về chuyển dịch năng lượng, góp phần đẩy mạnh sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo trong cộng đồng thời gian tới.
Phát biểu khai mạc, ông Phạm Minh Hùng, Phó Vụ trưởng Kinh tế, công nghiệp, dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1658/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Quyết định 882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.
Mục tiêu tăng trưởng xanh là bình đẳng, bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau. Thực hiện tăng trưởng xanh sẽ giảm bệnh tật, đem lại lợi ích cho tất cả các đối tượng, trong đó nhóm yếu thế sẽ được hưởng lợi hơn hết.
Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh có 10 định hướng chiến lược với các ngành, lĩnh vực và 8 nhóm giải pháp, nhấn mạnh giải pháp ưu tiên, khả thi, sẵn sàng nguồn lực, đồng lợi ích và có khả năng lan tỏa thay vì các phương án chỉ khả thi về kinh tế. Trong đó, giải pháp về truyền thông, giáo dục và nâng cao nhận thức được quan tâm, ưu tiên xếp ngay sau giải pháp về hoàn thiện thể chế chính sách tại Chiến lược.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ về truyền thông và nâng cao nhận thức được giao tại Chiến lược và Kế hoạch hành động của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp đối tác ETP/UNOPS triển khai dự án Nâng cao nhận thức của cộng đồng trong chuyển dịch năng lượng thông qua truyền thông đa phương tiện.
Theo bà Nguyễn Ngọc Thủy, Điều phối viên quốc gia của ETP/UNOPS, Chương trình Truyền thông Nâng cao nhận thức cộng đồng về chuyển dịch năng lượng hướng đến mục tiêu đặt người dân làm trung tâm, bảo đảm mọi chủ thể trong xã hội tham gia tích cực, chủ động vào quá trình chuyển dịch năng lượng.
Đây là một nội dung quan trọng của tăng trưởng xanh mà chính phủ Việt Nam đang hướng tới và cũng là yếu tố tiên quyết hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Chuyển dịch năng lượng là một quá trình lâu dài, đòi hỏi những giải pháp đồng bộ và sự chung tay góp sức của toàn xã hội, thay vì mỗi tổ chức, doanh nghiệp, hay cá nhân đơn lẻ. Mỗi hành động, dù nhỏ ví như tiết kiệm điện, tái chế, sử dụng phương tiện đi lại và sinh hoạt thân thiện với môi trường…, cũng góp phần quan trọng vào nỗ lực chung giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bảo đảm an ninh năng lượng.
Một nghiên cứu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho thấy, trong kịch bản net zero, thay đổi trong hành vi sẽ giảm lượng khí thải và giảm nhu cầu năng lượng cho tòa nhà, giao thông đường bộ và hàng không.
Ước tính, tổng lượng khí CO2 phát thải trong kịch bản NZE từ năm 2021 đến 2050 sẽ giảm khoảng 4% nếu có những hành vi sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân.
Giai đoạn 2023-2025, tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện ở Việt Nam ngày càng tăng cao, ước tính 8,5%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. “Trong bối cảnh đó, việc hiểu về các khía cạnh của năng lượng và thay đổi hành vi là điều quan trọng và truyền thông là một phương thức hiệu quả và không thể thiếu”, bà Thủy nói.
Cũng theo bà Thủy, truyền thông đã và đang được sử dụng như một công cụ tư tưởng và cầu nối thông tin, là diễn đàn để mọi cộng đồng nêu lên tiếng nói của mình, và là phương tiện đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội.