Tăng cường gắn kết để nâng chất lượng giáo dục

Cùng với việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, phong trào 'Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng chia sẻ trách nhiệm' giai đoạn 2022-2025 là giải pháp mới của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội nhằm giúp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, từng bước thu hẹp khoảng cách chất lượng giáo dục giữa các đơn vị, trường học trên địa bàn.

Rút ngắn dần khoảng cách

Phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng chia sẻ trách nhiệm” giai đoạn 2022-2025 được Sở GD&ĐT Hà Nội triển khai từ tháng 12/2022 trong toàn ngành nhằm vận động các nhà trường, nhà giáo ở nơi thuận lợi, có nhiều ưu thế hỗ trợ, giúp đỡ, chia sẻ với các trường, nhà giáo và học sinh ở địa bàn còn khó khăn hoặc ở nơi chất lượng giáo dục còn hạn chế, từ đó rút ngắn dần khoảng cách về chất lượng giáo dục, đem lại những điều tốt nhất cho học sinh.

Mỗi cán bộ, giáo viên luôn ở tâm thế làm việc với tinh thần liên tục đổi mới, sáng tạo.

Mỗi cán bộ, giáo viên luôn ở tâm thế làm việc với tinh thần liên tục đổi mới, sáng tạo.

Hưởng ứng phong trào, các Phòng GD&ĐT, trường học đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch kết nối với đơn vị bạn, trong đó đặc biệt quan tâm tới việc phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu...

Là một trong những cặp đơn vị đầu tiên hưởng ứng, triển khai phong trào, Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân và Phòng GD&ĐT huyện Hoài Đức đã ký kết kế hoạch từ nay tới năm 2025 với mục tiêu hỗ trợ, cùng nhau triển khai tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018; huy động đông đảo nhà giáo tham gia, thể hiện trách nhiệm vì học sinh thân yêu. Hai địa phương tập trung triển khai một số nội dung trọng tâm như: Tổ chức các chuyên đề xây dựng trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, ưu tiên đầu tư cho những trường học còn khó khăn. Hai bên cũng thống nhất thành lập tổ công tác xây dựng thực hiện kế hoạch hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn cho các trường còn gặp khó khăn về đội ngũ và chất lượng chuyên môn. Mỗi quận, huyện sẽ chọn 10 trường xây dựng điểm về triển khai phong trào.

Được giao nhiệm vụ phối hợp với ngành Giáo dục huyện Ứng Hòa, Phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai đã lên kế hoạch, bắt đầu từ việc gặp mặt, tham quan cơ sở vật chất, lớp học tại 2 địa bàn. Theo đó, cán bộ quản lý, hiệu trưởng các trường của huyện Ứng Hòa đã đến làm việc với Trường Trung học cơ sở Tân Mai, Trường Trung học cơ sở Hoàng Mai của quận Hoàng Mai. Tại đây, các thầy cô giáo đã chia sẻ, giao lưu, học tập kinh nghiệm mô hình mới, giải pháp hiệu quả trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện của các nhà trường. Đặc biệt, các cán bộ, giáo viên đã tập trung trao đổi kinh nghiệm việc nâng cao chất lượng giáo dục trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chỉ ra vấn đề khó, còn vướng để cùng tìm ra giải pháp trên tinh thần đặt quyền lợi của học sinh lên trên hết.

Theo kế hoạch của Phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai, các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở trên địa bàn quận sẽ triển khai hoạt động kết nối, chia sẻ, huy động nguồn lực tham gia, hỗ trợ trường gặp khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học trên địa bàn quận và đơn vị kết nghĩa. Cùng với đó là tổ chức các chuyên đề xây dựng “Trường học xanh - an toàn - thân thiện”, nâng cao chất lượng dạy và học ở trường Tiểu học, Trung học cơ sở; giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với đơn vị trường học thuộc huyện Ứng Hòa để tìm kiếm, học tập giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của đơn vị bạn.

Giúp nhau cùng phát triển

Phòng GD&ĐT quận Ba Đình và Phòng GD&ĐT huyện Ba Vì cũng đã ký kết kế hoạch triển khai phong trào; thành lập tổ công tác hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn cho các trường còn gặp khó khăn.

Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh, những năm qua, cùng với sự phát triển của Thủ đô, huyện Ba Vì đã đạt những thành tựu nhất định trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục... Hiện nay toàn ngành có 111 trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Phổ thông cơ sở với tổng số 2.067 lớp, 64.429 học sinh, trên 5.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Năm học 2020 - 2021 chất lượng GD&ĐT của Ba Vì xếp thứ 17/30 quận, huyện, thị xã. Năm học 2021 - 2022 tăng 4 bậc, đứng ở vị trí 13/30 quận, huyện, thị xã. Tuy nhiên, chất lượng giáo dục đại trà so với mặt bằng chung của Thủ đô còn thấp, nhất là so với những quận nội thành. Từ thực tiễn đó, lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Ba Vì mong muốn chương trình kết nghĩa giữa hai đơn vị sẽ giúp công tác GD&ĐT của huyện ngày càng phát triển thông qua các hoạt động hỗ trợ chuyên môn, thiết bị, đồ dùng dạy học của Phòng GD&ĐT quận Ba Đình.

Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình Lê Đức Thuận cho biết, ngành GD&ĐT luôn chú trọng công tác xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo mẫu mực, tâm huyết, có trình độ chuyên môn cao ngay từ cơ sở, góp phần đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng dạy học. Thông qua chương trình kết nghĩa để các nhà trường chia sẻ, hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm nhằm giúp nhau cùng phát triển.

Không chỉ gắn kết nhà trường với nhà trường, phong trào còn nhằm thúc đẩy cá nhân nhà giáo phát huy tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ về chuyên môn, kỹ năng cũng như kinh nghiệm trong công tác giáo dục học sinh. Với thế mạnh của trường đã được Thành phố công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, mỗi cán bộ, giáo viên Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân (quận Thanh Xuân) luôn ở tâm thế làm việc với tinh thần liên tục đổi mới, sáng tạo. Nhà trường đã xây dựng kế hoạch để cụ thể hóa các nội dung của phong trào, sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm trong giáo dục học sinh, nhất là về các chuyên đề đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng chất lượng đội ngũ nhà giáo và xây dựng môi trường hạnh phúc. Mới đây, giáo viên của trường và các trường Trung học cơ sở của huyện Hoài Đức đã cùng tổ chức một số chuyên đề và cùng nhau gỡ khó một số vấn đề khi triển khai các nội dung mới ở Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Có thể khẳng định, để nâng chất lượng toàn diện, giảm khoảng cách về chất lượng của các trường khu vực ngoại thành và nội thành, bên cạnh giải pháp kiên trì thực hiện, Hà Nội đã và đang triển khai phong trào quận giúp huyện, trường giúp trường. Các địa phương, nhà trường dựa trên các thế mạnh của mình để chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau, cùng phát triển, cùng thực hiện mục tiêu xây dựng ngành Giáo dục Thủ đô ngày một khởi sắc.

Phạm Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tang-cuong-gan-ket-de-nang-chat-luong-giao-duc-153231.html