Tăng cường giải pháp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông
Theo Sở GTVT, hệ thống giao thông đường bộ của tỉnh có tổng chiều dài hơn 10.740 km. Một số tuyến có vị trí đặc biệt quan trọng với phát triển KT-XH của địa phương và liên vùng như: Đường Hòa Lạc - TP Hòa Bình, quốc lộ (QL) 6, đường Hồ Chí Minh, QL21. Những năm qua, chất lượng các tuyến đường đã được quan tâm đầu tư nâng cấp, tuy nhiên đang có dấu hiệu xuống cấp nhanh; mặt đường xuất hiện sụt lún, nhiều ổ gà. Hệ thống đường tỉnh, đường huyện nhiều tuyến đã hư hỏng do chưa bố trí được nguồn vốn duy tu, bảo dưỡng; vẫn còn nhiều vị trí tiềm ẩn tai nạn giao thông chưa được kịp thời xử lý. Cùng với đó, mật độ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tăng nhanh, tạo áp lực lên hạ tầng giao thông…
Your browser does not support the audio element.
Nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT), kiềm chế tai nạn giao thông (TNGT), Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo về vấn đề này; trong đó, thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU, ngày 2/2/2016 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn tỉnh đã mang lại kết quả tích cực, với nhiều giải pháp đồng bộ được triển khai.
Xác định công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về ATGT cho các tầng lớp Nhân dân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, BTV Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền thông qua việc đưa nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT vào sinh hoạt định kỳ của chi bộ Đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội; đưa việc chấp hành pháp luật về ATGT là một tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở Đảng, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên và là tiêu chuẩn đánh giá đạo đức cuối năm của học sinh, sinh viên; chỉ đạo làm tốt công tác biểu dương, khen thưởng gương người tốt, việc tốt và phê phán, xử lý nghiêm các hành vi cố ý vi phạm, coi thường kỷ cương, pháp luật về ATGT...
Bên cạnh đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo tập trung huy động nguồn lực kinh tế đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT), chú trọng ưu tiên các khu vực trọng điểm nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH toàn vùng, toàn tỉnh, nâng cao tính liên kết vùng. Đồng thời, chỉ đạo tổ chức điều tra cơ bản, khảo sát trên các tuyến giao thông để phát hiện các "điểm đen”, điểm tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Theo đó, Sở GTVT đã kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo, xử lý, khắc phục những "điểm đen”, điểm tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT trên các tuyến giao thông, trong đó, riêng tuyến QL6 đã xử lý 7 vị trí, như: Điểm đen TNGT tại dốc Cun, đèo Thung Nhuối xây dựng đường cứu nạn km79 và điểm kiểm tra kỹ thuật km81, km123; đường cứu nạn km116, địa phận dốc Phú Cường (Tân Lạc); xử lý các vị trí nguy hiểm mất ATGT tại km125 - km130 (đèo Thung Khe)…
Thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TU, ngày 10/2/2017 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ KCHTGT trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo kiện toàn tổ công tác liên ngành lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ; xây dựng kế hoạch phối hợp xử lý vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ KCHTGT đường bộ đối với các tuyến đường trên địa bàn tỉnh hàng năm phù hợp tình hình thực tế. Chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành lang an toàn đường bộ. Qua kiểm tra đã phát hiện, xử lý lập biên bản vi phạm hành chính hơn 450 trường hợp, tổng số tiền phạt trên 211 triệu đồng.
Bên cạnh đó, thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU, ngày 2/2/2016 của BTV Tỉnh ủy, các ngành chức năng, đặc biệt là Công an tỉnh, Sở GTVT đã chỉ đạo tập trung lực lượng, phương tiện mở nhiều đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm, nhất là các hành vi vi phạm đối với xe chở khách; xe chở hàng quá tải trọng, tự ý cải tạo, cơi nới kích thước thành thùng để chở hàng quá tải; chở hàng gây rơi vãi ô nhiễm môi trường; sử dụng rượu, bia, chất kích thích khi tham gia giao thông; chạy xe quá tốc độ quy định. Đồng thời, tổ chức tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến sông, hồ; duy trì tốt việc phối hợp liên ngành giữa Cảnh sát giao thông đường thủy, Thanh tra giao thông với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và Cảng vụ của các cơ quan T.Ư đóng trên địa bàn. Trong đó, các cơ quan chức năng đã tổ chức tuần tra, kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực hạ lưu sông Đà. Qua công tác tuần tra kiểm soát đã phát hiện, xử lý 37 vụ khai thác, vận chuyển cát, sỏi trái phép, xử phạt nộp Kho bạc Nhà nước 1,35 tỷ đồng, tịch thu trên 2.300 m3 cát, 160 m3 sỏi và nhiều công cụ, thiết bị có liên quan; xử phạt 10 trường hợp vi phạm các quy định về an toàn đường thủy nội địa, phạt tiền hơn 70 triệu đồng.
Nhờ tăng cường giải pháp giữ gìn TTATGT, những năm gần đây, giao thông trong tỉnh được đảm bảo thông suốt, an toàn, phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân; tình hình TNGT được kiểm soát theo hướng giảm số vụ, số người chết, góp phần mang lại sự bình yên cho gia đình và xã hội.