Tăng cường giải quyết án tồn, án bị hủy

Thực hiện Chỉ thị 33 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiều vụ án được đưa ra xét xử kịp thời. Trong ảnh: Một phiên xử sơ thẩm. Ảnh VĂN TÀI

Qua hơn 1 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 33 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan tư pháp trong việc giải quyết án tồn, án bị hủy để điều tra, xét xử lại” ở viện KSND hai cấp trên địa bàn tỉnh, bước đầu đã mang lại kết quả tích cực. Các vụ án tồn, án hủy đã giải quyết đều đảm bảo việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp.

Kết quả bước đầu

Với những giải pháp tích cực, quyết liệt, vừa qua Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên tặng bằng khen cho 1 tập thể và 1 cá nhân (Viện KSND tỉnh) vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 33.

Theo Viện trưởng Viện KSND tỉnh Lê Trung Hưng, ngay sau khi Chỉ thị 33 được ban hành, lãnh đạo Viện KSND tỉnh đã xây dựng kế hoạch, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện ở Viện KSND cấp tỉnh và cấp huyện. Trong đó đề cao trách nhiệm, vai trò của cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị trong việc lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết án hình sự; xác định chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm là nhiệm vụ xuyên suốt, quan trọng hàng đầu của đơn vị mình.

Song song đó, viện KSND hai cấp còn chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử, giải quyết dứt điểm án hình sự, nhất là các vụ án tồn, án bị hủy để điều tra, xét xử lại, không để kéo dài, quá hạn luật định; phân công cán bộ có năng lực, kinh nghiệm trực tiếp tiến hành các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án này.

Với các giải pháp quyết liệt và đồng bộ được triển khai nên nhiều vụ án tồn, án bị hủy để điều tra, xét xử lại kéo dài từ nhiều năm trước đã giải quyết xong. Điển hình như vụ Nguyễn Kiệm và đồng phạm phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở huyện Đồng Xuân, xảy ra từ tháng 7/2010. Các bị cáo lừa xin việc làm, chiếm đoạt của 15 người với tổng số tiền hơn 263 triệu đồng. Tháng 9/2012, TAND huyện Đồng Xuân xét xử sơ thẩm lần thứ 1, nhưng sau đó TAND tỉnh xử phúc thẩm hủy án sơ thẩm để điều tra lại. Rồi TAND huyện Đồng Xuân lại xử sơ thẩm, nhưng vẫn bị TAND tỉnh hủy án sơ thẩm tổng cộng 3 lần do chứng cứ còn nhiều mâu thuẫn, thiếu khách quan. Đến ngày 27/3/2018, TAND huyện Đồng Xuân xét xử sơ thẩm lần thứ tư, sau đó Viện KSND huyện Đồng Xuân kháng nghị, các bị cáo kháng cáo và vừa qua, TAND tỉnh đã xét xử phúc thẩm, chấp nhận kháng nghị của kiểm sát.

Theo thống kê của Ban Nội chính Tỉnh ủy, thực hiện Chỉ thị 33, liên ngành Tư pháp Phú Yên nói chung và Viện KSND tỉnh nói riêng đã đạt được những kết quả tích cực. Tổng số vụ án tồn, án bị hủy 42 vụ 123 bị can/bị cáo nhiều năm trước đây, đến nay đã giải quyết được 35 vụ 94 bị can/bị cáo, đạt 83,33%; còn chưa giải quyết 7 vụ 29 bị can/bị cáo (chiếm 16,67%), trong đó có 5 vụ mới bị hủy trong năm 2020. Hầu hết các vụ án tồn, án hủy đã giải quyết đảm bảo việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra trường hợp viện kiểm sát truy tố, tòa tuyên bị cáo không phạm tội. Qua đó, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Theo Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Viện KSND tỉnh, để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Chỉ thị 33 trong thời gian tới, viện KSND hai cấp tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trọng tâm là lãnh đạo viện KSND hai cấp phải bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện và thường xuyên đối với công tác giải quyết án hình sự. Nhất là trong việc giải quyết các vụ án tồn, án bị hủy để điều tra, xét xử lại, xác định chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm là nhiệm vụ xuyên suốt, quan trọng hàng đầu của viện KSND hai cấp tỉnh và huyện.

Bên cạnh đó, đầu quý I hàng năm, các phòng nghiệp vụ Viện KSND tỉnh và viện KSND cấp huyện rà soát, lập danh sách các vụ án hình sự bị tồn, các vụ án hình sự bị hủy để điều tra, xét xử lại chưa giải quyết xong ở đơn vị mình, báo cáo lãnh đạo Viện KSND tỉnh để phê duyệt. Song song đó, các đơn vị chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, tòa án cùng cấp trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của vụ án và đề ra biện pháp đẩy nhanh tiến độ điều tra, xét xử, giải quyết các vụ án tồn, án bị hủy đúng thời gian quy định; không để kéo dài, đảm bảo việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật…

“Đối với những vụ án có khó khăn vướng mắc về tội danh, chứng cứ, thủ tục tố tụng, đường lối xử lý, viện KSND hai cấp cần chủ động phối hợp, đề nghị cơ quan điều tra tổ chức họp liên ngành để bàn biện pháp giải quyết. Đồng thời, hàng năm, lấy kết quả việc giải quyết án tồn, án bị hủy để điều tra, xét xử lại của từng đơn vị là tiêu chí chấm điểm và bình xét thi đua, khen thưởng”, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Lê Trung Hưng nhấn mạnh.

VĂN TÀI - NGỌC THẢO

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/164/245754/tang-cuong-giai-quyet-an-ton-an-bi-huy.html