Tăng cường giải tỏa vật cản trên hệ thống kênh mương
Tình trạng rác thải phát sinh ảnh hưởng đến năng lực phục vụ của hệ thống kênh mương, nhất là những tuyến kênh chính đã diễn ra trong thời gian dài. Chính quyền địa phương và các đơn vị thủy nông phục vụ trong tỉnh đã có nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng tình trạng trên chưa được cải thiện. Do vậy, việc giải tỏa vật cản, rác thải cần được tiếp tục tăng cường, giúp khơi thông dòng chảy, nâng cao năng lực phục vụ cho các công trình thủy lợi.
Tình trạng rác thải phát sinh ảnh hưởng đến năng lực phục vụ của hệ thống kênh mương, nhất là những tuyến kênh chính đã diễn ra trong thời gian dài. Chính quyền địa phương và các đơn vị thủy nông phục vụ trong tỉnh đã có nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng tình trạng trên chưa được cải thiện. Do vậy, việc giải tỏa vật cản, rác thải cần được tiếp tục tăng cường, giúp khơi thông dòng chảy, nâng cao năng lực phục vụ cho các công trình thủy lợi.
Xí nghiệp Thủy nông huyện Thanh Liêm quản lý hệ thống kênh mương tưới, tiêu khá lớn, với tổng chiều dài gần 200 km. Nhiều tuyến kênh chính chảy qua khu dân cư trên địa bàn xảy ra tình trạng rác thải bỏ ra lòng kênh gây ách tắc dòng chảy, ảnh hưởng đến năng lực hoạt động. Trước và trong mỗi đợt tưới, tiêu đơn vị đều phải kiểm tra và tổ chức giải tỏa. Điển hình trên tuyến kênh tiêu chính Kinh Thủy chạy dọc huyện thường xuyên bị người dân bỏ rác thải. Mỗi khi hoạt động, rác theo dòng nước dồn vào một số điểm cầu, cống, như: khu vực cống tại xã Thanh Hà, cầu Nga (thị trấn Tân Thanh)… Có thời điểm khối lượng rác đọng lớn Xí nghiệp Thủy nông huyện Thanh Liêm đã phải sử dụng máy xúc giải tỏa. Tổng khối lượng rác, vật cản giải tỏa trên kênh Kinh Thủy tính trong 8 tháng của năm 2023 là 43 m3; còn trên hệ thống kênh mương chung của huyện Thanh Liêm được xử lý hơn 57.000 m2 bèo, cây, cỏ hai bên bờ và lòng kênh.
Ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc Xí nghiệp Thủy nông huyện Thanh Liêm cho biết: yêu cầu phục vụ tưới, tiêu trên địa bàn khi vào mùa vụ rất quan trọng, nhất là địa hình đất nông nghiệp cao, thấp không đều. Để bảo đảm thông thoáng hệ thống kênh mương, đơn vị đã phải sử dụng nhiều biện pháp từ khoán quản cho từng cá nhân, đến xử lý tập trung tại những điểm ách tắc chính…
Công nhân Xí nghiệp Thủy nông huyện Bình Lục giải tỏa bèo, rác trên tuyến sông Sắt. Ảnh: Kim Chi
Thời gian qua, việc tăng cường giải tỏa vật cản trên hệ thống kênh mương được thực hiện tại tất cả các đơn vị thủy nông trong tỉnh. Trên địa bàn huyện Kim Bảng, tình trạng người dân vứt rác thải xuống lòng kênh tại nhiều đoạn tuyến khá lớn. Từ đầu năm đến nay, Xí nghiệp Thủy nông huyện Kim Bảng đã tổ chức nhiều đợt giải tỏa, khối lượng rác thải trên lòng kênh được vớt lên đến 387 m3, riêng hệ thống kênh tưới 255 m3. Với Xí nghiệp Thủy nông huyện Lý Nhân đã tổ chức giải tỏa được 392 m3 rác thải trên lòng kênh, gồm: 195 m3 trên kênh tưới, 197 m3 tại kênh tiêu. Đáng chú ý trên kênh tưới hệ trạm bơm Như Trác có chiều dài hơn 10 km tưới cho một phần địa bàn huyện Bình Lục và huyên Lý Nhân tình trạng rác thải bỏ ra lòng kênh luôn ở mức báo động. Tại mỗi đợt tưới cho huyện Bình Lục, tổ quản lý kênh Như Trác đều phải bố trí công nhân trực tại điểm xi phông Vĩnh Trụ để vớt rác theo dòng nước trôi về. Tổng khối lượng rác thải được vớt trên tuyến kênh tưới chính Như Trác trong năm 2023 đã lên đến 250 m3. Tính riêng mỗi đợt tưới, tổ quản lý kênh Như Trác đều vớt từ 10 - 20 m3 rác thải trên kênh.
Theo ông Trương Đức Thiện, Trưởng phòng Quản lý nước và công trình (Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Hà Nam): Rác thải đang tiếp tục là vấn nạn, ảnh hưởng đến quá trình phục vụ của hệ thống kênh mương. Hằng năm, công ty đều dành nguồn kinh phí phục vụ giải tỏa vật cản, rác thải trên kênh. Các lưới chắn rác cũng được lắp đặt trên kênh, đoạn kênh dẫn vào bể hút trạm bơm để ngăn rác không làm ảnh hưởng đến quá trình vận hành…
Nguồn rác phát thải trên hệ thống kênh mương khá đa dạng từ bao, bì đựng xác động vật, đến giường, nệm, chăn, màn, bạt nilon rách, túi đựng rác thải sinh hoạt… Hiện nay, các địa phương đều có tổ thu gom rác thải sinh hoạt đến tận thôn, xóm. Rác thải sinh hoạt được thu gom về bể trung chuyển đưa đi xử lý tại nhà máy. Đồng thời, công tác tuyên truyền việc phân loại, thu gom, xử lý rác thải trong hộ gia đình cũng được tăng cường. Tuy nhiên, do nhận thức chưa đầy đủ người dân vẫn vứt lượng rác thải đáng kể ra lòng kênh. Theo phản ánh của người dân một số địa phương, hiện nay nhiều người dân đi làm cho các doanh nghiệp không có thời gian bỏ rác thải khi tổ thu gom đi qua nhà. Thay vào đó, sáng sớm khi đi đến chỗ làm họ mang theo túi rác thải vứt xuống lòng kênh…
Hiện nay, do biến đổi khí hậu, mưa úng hay hạn hán diễn biến bất thường gia tăng. Cùng với đó, việc chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng đòi hỏi công tác phục vụ tưới, tiêu cao hơn trước. Để ngăn ngừa hiệu quả tình trạng rác thải phát sinh gây ách tắc, ảnh hưởng đến năng lực phục vụ của hệ thống kênh mương, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân không vứt rác thải xuống lòng kênh cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, có biện pháp xử lý thích đáng đối với những trường hợp bỏ rác thải xuống lòng kênh.