Tăng cường giám sát, khống chế dịch sốt xuất huyết
Hà Nội: Hết tháng 11 sẽ khống chế được dịch bệnh sốt xuất huyết
(HNM) - Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, tính đến ngày 23-11, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận hơn 11.000 ca mắc sốt xuất huyết. Nếu như trong tháng 10, trung bình mỗi tuần, thành phố ghi nhận hơn 800 ca sốt xuất huyết thì từ đầu tháng 11 đến nay đã giảm xuống còn 600-700 ca/tuần. Tuy đã được khống chế nhưng hiện số ca mắc sốt xuất huyết vẫn ở mức cao.
Từ tháng 10-2019 đến nay, mỗi ngày, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận từ 10 đến 20 ca sốt xuất huyết nặng nhập viện. Ngoài ra, tại đây cũng khám và điều trị ngoại trú từ 30 đến 50 ca sốt xuất huyết/ngày. PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới cho biết, so với vụ dịch năm 2017, năm nay, sốt xuất huyết ở Hà Nội xảy ra muộn hơn, số lượng bệnh nhân nhập viện không nhiều bằng. Tuy nhiên, so với năm 2018, số ca mắc năm nay tăng đột biến, đặc biệt vào tháng 10, tháng 11 do thời tiết chuyển mùa, mưa nhiều kèm theo nắng ấm, thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển.
Ngoài ra, PGS.TS Đỗ Duy Cường lưu ý, năm nay, dịch bệnh sốt xuất huyết có những thay đổi bất thường. Dịch bệnh gia tăng ở các huyện ngoại thành sau đó lan sang các quận nội thành. Tỷ lệ người cao tuổi, phụ nữ có thai mắc bệnh nhiều hơn, trong đó có nhiều bệnh nhân có biểu hiện nặng, như: Sốc, chảy máu, viêm não - màng não, viêm tủy, viêm cơ tim, tổn thương gan, thận...
Tại quận Hoàng Mai, chiến dịch tổng vệ sinh môi trường vừa được tổ chức ở 14/14 phường. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn quận Hoàng Mai ghi nhận hơn 700 ca sốt xuất huyết, tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2018. Đây cũng là địa bàn đứng thứ 2/30 quận, huyện của thành phố ghi nhận dịch bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp. Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Thanh Nhàn là nơi tiếp nhận điều trị cho nhiều bệnh nhân trên địa bàn quận Hoàng Mai. Anh Hoàng Quang Hiệu, Điều dưỡng trưởng Khoa Nội tổng hợp cho biết, có ngày tại đây tiếp nhận cùng lúc 10-15 bệnh nhân nhập viện điều trị sốt xuất huyết. Trong đó có gia đình cả 4-5 người cùng mắc.
PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội nhận định, số ca mắc sốt xuất huyết hiện được ghi nhận vào tất cả các tháng trong năm, cao điểm là từ tháng 5 đến tháng 11. Đặc biệt, tại những nơi công trình đang xây dựng, hay khu thuê trọ đông người do điều kiện vệ sinh môi trường kém, không xử lý các ổ bọ gậy thường xuyên, muỗi vẫn tiếp tục sinh sản, phát triển và truyền bệnh.
Được biết, dự kiến từ tháng 6-2021, Việt Nam sẽ triển khai hệ thống cảnh báo dịch sốt xuất huyết trước 6 tháng tại 4 địa phương, gồm: Hà Nội, Đồng Nai, Khánh Hòa, Đắk Lắk nhờ tích hợp dữ liệu quan trắc từ vệ tinh (D-MOSS). Dựa vào đó, ngành Y tế sẽ xây dựng kế hoạch chủ động ứng phó.
Còn trước mắt, ông Phạm Hùng, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, việc phun thuốc diệt muỗi là một trong các biện pháp để kiểm soát dịch sốt xuất huyết, tránh lây lan. Tuy nhiên, biện pháp phòng bệnh hiệu quả, lâu dài vẫn là diệt bọ gậy hằng ngày, loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi sinh sản...
Theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thành phố đặt mục tiêu hết tháng 11-2019 khống chế dịch bệnh sốt xuất huyết. Theo đó, các quận, huyện tiếp tục kiểm tra các công trường xây dựng, chợ, trường học, khu công cộng, khu thuê trọ… tuyên truyền biện pháp phòng bệnh. Bên cạnh đó, duy trì cảnh báo nguy cơ dịch hằng tuần. Sở Y tế cũng tăng cường giám sát các địa phương có nhiều bệnh nhân, ổ dịch kéo dài.