Tăng cường giám sát kinh doanh xăng dầu
Để đáp ứng nhu cầu xăng dầu cho người dân, Bộ Công thương đã ban hành Công điện khẩn chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.
Chỉ đạo sát sao và kịp thời
Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu thường nhật của người dân, là nhiên liệu không thể thiếu cho các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh vận tải. Trong năm 2022 vừa qua, mặt hàng này đã có nhiều biến động, gián đoạn chuỗi cung ứng, khiến cơ quan quản lý nhà nước phải nhiều lần vào cuộc có các giải pháp điều hành, tháo gỡ để thị trường lưu thông bình thường.
Dịp Tết Nguyên đán và đầu Xuân Quý Mão, nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách tăng cao, đi lại về quê, giao lưu gặp gỡ… nên nhu cầu nhiên liệu tăng cao. Thêm vào đó là việc nhân viên các cơ sở kinh doanh xăng dầu bận việc gia đình, nên gián đoạn kinh doanh, đã xuất hiện một số cửa hàng xăng dầu ở các địa phương đóng cửa, không bán hàng.
Trong bối cảnh báo chí phản ánh tình trạng nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở tỉnh An Giang đóng cửa vì hết xăng, người dân phải lấy can nhựa đi mua xăng, Bộ trưởng Bộ Công thương đã có công điện, chỉ đạo về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu. Đặc biệt là Quyết định số 32/QĐ-BCT ngày 9.1.2023 của Bộ trưởng Bộ Công thương về việc ban hành chương trình hành động của ngành công thương thực hiện Nghị quyết số 01/NĐ-CP ngày 6.1.2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bộ trưởng Bộ Công thương yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố thực hiện các công việc sau: thứ nhất, nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công thương trong quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu. Thực hiện trực 100% quân số lực lượng Quản lý thị trường, tăng cường giám sát, kịp thời kiểm tra, phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm khắc mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật đối với hệ thống kinh doanh xăng dầu ở tất cả các loại hình thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, tổng đại lý, cửa hàng bán lẻ, thực hiện áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.
Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cấp phép thu hồi giấy phép/giấy xác định đủ điều kiện thuộc các trường hợp theo quy định của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3.9.2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1.11.2021 của Chính phủ. Thứ hai, Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố thực hiện phối hợp với Sở Công thương các tỉnh, thành phố kiểm tra bảo đảm thực hiện nguồn cung xăng dầu, không để xảy ra tình trạng đứt gãy, thiếu hụt xăng dầu cục bộ cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trực thuộc và hệ thống phân phối của các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, tổng đại lý kinh doanh xăng dầu trên địa bàn; lập biên bản và tiến hành xử lý ngay khi có dấu hiệu vi phạm, gian lận thương mại trong kinh doanh. Thứ ba, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường và Thủ trưởng Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật trong việc chỉ đạo, tổ chức giám sát, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu; thực hiện xử lý nghiêm các cán bộ, công chức buông lỏng quản lý, bao che, tiếp tay hoặc bỏ qua cho các đối tượng, hành vi vi phạm.
Phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công thương, lực lượng Quản lý thị trường đã tăng cường công tác giám sát, phát hiện, xử lý các vụ việc trên nhiều địa phương liên quan đến vi phạm trong kinh doanh xăng dầu, bảo đảm chuỗi cung ứng thông suốt.
Ngay từ ngày 25.1.2023 (tức mùng 4 tháng Giêng), Tổng cục Quản lý thị trường đã thành lập Tổ công tác giám sát tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng... và kết hợp kiểm tra công vụ, tình hình trực Tết của các Cục trực thuộc. Theo ghi nhận chung của Tổ công tác, trong ngày mùng 4 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, đa số các cửa hàng, đại lý kinh doanh xăng dầu đều đủ nguồn cung phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, không xảy ra tình trạng khan hàng, thiếu hàng... Tại Cửa hàng xăng dầu Tuấn Nhất (Km 5, Quốc lộ 1A, Tiên Tân, Phủ Lý, Hà Nam), Tổ công tác ghi nhận, thời điểm giám sát, cửa hàng này đang hết xăng RON 95. Nhân viên tại đây cho biết, hàng đang trên đường vận chuyển về, khoảng 1 tiếng mở bán bình thường mặt hàng xăng RON 95. Tổ công tác yêu cầu Đội Quản lý thị trường địa bàn tiến hành đo bồn chứa và làm việc với thương nhân phân phối cam kết bảo đảm nguồn cung đủ cung cấp ra thị trường.
Cá biệt, trong quá trình giám sát, Tổ công tác phát hiện cửa hàng bán lẻ xăng dầu Châu Can (địa chỉ Cầu Giẽ, Châu Can, Phú Xuyên, Hà Nội) đóng cửa, ngừng kinh doanh. Tổ công tác yêu cầu Đội Quản lý thị trường số 21 Hà Nội phụ trách địa bàn tiến hành kiểm tra, xác minh. Chủ cửa hàng đã xuất trình được các giấy tờ kinh doanh liên quan và giấy xác nhận về việc doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong năm 2023 với lý do: hoạt động của doanh nghiệp gặp khó khăn, xin tạm ngừng để tìm ra phương hướng mới và củng cố lại cơ cấu, tổ chức. Còn Cửa hàng xăng dầu số 1 Vực Vòng đóng cửa không bán hàng trong khoảng 45 phút và đã bị Đội Quản lý thị trường số 2 tỉnh Hà Nam xử phạt vi phạm hành chính 15 triệu đồng về hành vi giảm thời gian bán hàng so với thời gian niêm yết mà không có lý do chính đáng.
Còn tại Hải Phòng, lực lượng chức năng giám sát tại Cửa hàng xăng dầu Hương Phát của Công ty TNHH Trung Linh Phát (KCN Tràng Duệ, Lê Lợi, An Dương, Hải Phòng), Tổ công tác phát hiện cơ sở này treo biển hết hàng. Tổ công tác chỉ đạo đo bồn chứa và yêu cầu Cục QLTT thành phố Hải Phòng xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Tại Hà Nội, nhận được tin phản ánh của người dân, Đội Quản lý thị trường số 23 Hà Nội đã kiểm tra, phát hiện một cơ sở kinh doanh xăng dầu trên phố Ba Thá, xã Viên An, huyện Ứng Hòa, Hà Nội có hành vi niêm yết giá bán lẻ xăng dầu không đúng với giá quy định. Đội Quản lý thị trường số 23 đã tiến hành kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính 7.500.000 đồng đối với hành vi vi phạm của cơ sở kinh doanh xăng dầu trên.
Tại Bình Phước, Đội Quản lý thị trường số 1 đã phát hiện Chi nhánh Công ty cổ phần xăng dầu khí Ngọc Phương Nam, địa chỉ đường ĐT 741, ấp Thuận Hòa, xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú có hành vi “ngừng bán hàng khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản”. Đội Quản lý thị trường số 1 đã tiến hành kiểm tra và lập hồ sơ tiến hành xử phạt đối với hành vi vi phạm trên.
Tại tỉnh Gia Lai, lực lượng Quản lý thị trường làm việc xuyên Tết Nguyên đán Quý Mão, giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu của 5 công ty là thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; 9 công ty là thương nhân phân phối xăng dầu và 2 thương nhân là tổng đại lý với 382 cửa hàng kinh doanh xăng dầu được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ, bố trí rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh. Kết quả, hầu hết các cây xăng hoạt động bình thường, bảo đảm nguồn xăng dầu được cung ứng liên tục, đầy đủ đáp ứng nhu cầu cho người dân, chưa phát hiện hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá trong những ngày nghỉ.
Đối với địa phương cuối trên bản đồ hình chữ S là tỉnh Cà Mau, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra, giám sát thực tế tại địa bàn huyện Phú Tân, huyện Cái Nước và huyện Trần Văn Thời trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, tất cả các cửa hàng kinh doanh xăng dầu đến nay thực hiện tốt thời gian bán hàng; niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; bảo đảm cung ứng xăng dầu cho người tiêu dùng; không có hiện tượng đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý.
Như vậy có thể nói, thời điểm Tết Nguyên đán và đầu năm Quý Mão 2023, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã túc trực 24/24h, bảo đảm chuỗi cung ứng xăng dầu đầy đủ phục vụ nhân dân vui đón Tết và du Xuân; phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, không để tình trạng đầu cơ găm hàng chờ tăng giá, đem lại niềm tin và không khí tươi vui dịp Xuân mới.