Tăng cường giám sát việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ở các huyện miền núi

Trong những năm qua các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở các huyện miền núi đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý đầu tư xây dựng; nhiều địa phương đã chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành thực hiện chương trình, dự án nên mang lại hiệu quả cao, tạo được sự đồng thuận tích cực tham gia của người dân.

Khu tái định cư bản Qua, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát được đầu tư xây dựng đảm bảo cho người dân sinh sống an toàn. Ảnh: nguyễn Minh

rong những năm qua Đảng, Nhà nước và tỉnh ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu để phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

Tuy nhiên, do địa bàn rộng, địa hình hiểm trở, phức tạp, là nơi thường xuyên xảy ra thiên tai lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đá; gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân ở các huyện miền núi bị xuống cấp nghiêm trọng; việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các huyện miền núi tuy đã được quan tâm, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Đường giao thông được thiết kế xây dựng chủ yếu là cấp 5, 6 miền núi, công trình có chất lượng, tuổi thọ không cao, duy tu, bảo dưỡng không được thường xuyên, một số tuyến đường hư hỏng nặng, đi lại khó khăn, thiếu an toàn cho người dân, như: Đường Yên Thắng - Yên Khương, huyện Lang Chánh; đường Vạn Xuân - Xuân Lẹ, huyện Thường Xuân; đường Mường Lý, huyện Mường Lát... các tuyến đường giao thông thôn bản, đường dân sinh kinh tế nhiều nơi chưa được đầu tư, nâng cấp; hệ thống công trình thủy lợi mới chỉ đáp ứng tưới được trên 60% diện tích đất canh tác; mùa khô nước sinh hoạt vẫn còn thiếu nhiều; có 73 thôn bản chưa có điện lưới quốc gia,... đây là những khó khăn lớn ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân ở miền núi.

Để từng bước khắc phục tình trạng trên, thực hiện Nghị quyết 09 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”; Quyết định số 289 về “Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016 - 2020” thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2015 - 2020, trong những năm qua các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở các huyện miền núi đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý đầu tư xây dựng; nhiều địa phương đã chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành thực hiện chương trình, dự án nên mang lại hiệu quả cao, tạo được sự đồng thuận tích cực tham gia của người dân như: Cẩm Thủy, Như Thanh, Quan Sơn,... Nhiều địa phương triển khai việc xây dựng cơ sở hạ tầng đảm bảo dân chủ, công khai, đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống của người dân, trong đó lựa chọn những công trình hạ tầng thiết yếu để đầu tư như: Giao thông, thủy lợi 575 công trình đạt 59%; trụ sở, trạm y tế, nhà văn hóa xã, trường học 383 công trình đạt 39%; các công trình khác 15 công trình đạt 02%. Đến nay 100% số xã đã có đường giao thông vào đến trung tâm xã; 39% kênh mương được kiên cố hóa; trên 60% diện tích hoa màu được chủ động tưới tiêu; 100% xã có trạm y tế; 85% người dân nông thôn được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 90% người dân được sử dụng điện; xây dựng nông thôn mới bình quân đạt 12,6 tiêu chí/xã (tăng 3,5 tiêu chí so với năm 2015), có 33 xã, 314 thôn bản đạt chuẩn nông thôn mới; đời sống người dân ngày càng được nâng cao, văn hóa xã hội không ngừng phát triển. Việc quản lý đầu tư xây dựng đúng quy định, không có sai phạm lớn, cơ bản cân đối được nguồn vốn không để nợ xây dựng cơ bản mà không có khả năng thanh toán; nhất là giám sát chất lượng xây dựng ngày càng tốt hơn, sau đầu tư các công trình hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy tác dụng.

Thực hiện Nghị quyết số 73 của HĐND tỉnh Thanh Hóa về Chương trình giám sát năm 2018, Ban Dân tộc HĐND tỉnh thực hiện giám sát chuyên đề việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thuộc Chương trình 30a, Chương trình 135 và Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở 11 huyện miền núi, giai đoạn 2015-2017. Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã tổ chức giám sát, khảo sát tại 56 xã, trên 130 công trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ở các xã, thôn, bản của 11 huyện miền núi... Thông qua giám sát cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn miền núi còn có những hạn chế, khuyết điểm như: Nhận thức, trách nhiệm của chủ đầu tư, nhất là cấp xã còn nhiều hạn chế, sau khi ủy thác cho ban quản lý dự án đầu tư của huyện thì không quan tâm chỉ đạo, theo dõi, giám sát chất lượng xây dựng công trình, cá biệt có xã còn buông lỏng quản lý như: Xã Giao Thiện (Lang Chánh), xã Lộc Thịnh (Ngọc Lặc), xã Bát Mọt (Thường Xuân). Cơ bản không ban hành quy chế quản lý, sử dụng công trình sau đầu tư. Việc lựa chọn mục tiêu, quy mô đầu tư còn hạn chế, cá biệt có công trình sau đầu tư hiệu quả thấp, công năng sử dụng hạn chế; công tác kiểm tra, giám sát chất lượng xây dựng công trình chưa thường xuyên; hoạt động giám sát của chủ đầu tư và giám sát của cộng đồng còn yếu; công tác quản lý, giám sát việc thực hiện quy hoạch xây dựng ở một số địa phương chưa được quan tâm, nên bố trí xây dựng công trình chưa đúng quy hoạch được duyệt và mỹ quan kiến trúc như: Nhà văn hóa xã Giao Thiện và xã Lâm Phú (Lang Chánh); công sở và nhà văn hóa xã Điền Quang (Bá Thước); nhà văn hóa xã Thanh Xuân (Quan Hóa); quản lý, sử dụng, duy tu, bảo dưỡng công trình sau đầu tư còn nhiều yếu kém, chất lượng khảo sát thiết kế và lựa chọn, sử dụng mẫu thiết kế còn nhiều hạn chế. Việc thực hiện cơ chế đấu thầu, chỉ định thầu để lựa chọn được nhà thầu có năng lực, trách nhiệm gặp rất nhiều khó khăn; huy động, lồng ghép các nguồn vốn còn ít, thực hiện lúng túng, nhiều nơi còn gặp khó khăn, vướng mắc; một số công trình được đầu tư xây dựng năm 2014 đến nay chưa được đưa vào sử dụng; nhiều công trình đã hư hỏng, xuống cấp không được quan tâm bảo vệ, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa như: Trụ sở xã Lộc Thịnh (Ngọc Lặc); Trường THCS Thạch Tượng (Thạch Thành); nhà văn hóa xã Cẩm Thành (Cẩm Thủy); nhà văn hóa xã Trung Lý (Mường Lát)... Thực hiện chế độ báo cáo thông tin với cơ quan thường trực chương trình chưa được thường xuyên; phối hợp trong chỉ đạo, hướng dẫn, giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh ở cơ sở còn chậm, chưa đồng bộ, có việc chưa thống nhất nên khó khăn cho cơ sở thực hiện.

Để thực hiện tốt công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ở các huyện miền núi, HĐND tỉnh yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp ở huyện miền núi cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và điều hành thực hiện tốt quy hoạch, đầu tư xây dựng; tăng cường trách nhiệm của chủ đầu tư, phát huy vai trò của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong việc giám sát chất lượng xây dựng công trình, quản lý, sử dụng có hiệu quả các công trình sau đầu tư; huy động lồng ghép các nguồn lực đầu tư đạt hiệu quả. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc trình tự, thủ tục đầu tư; đẩy nhanh tiến độ thi công; thanh quyết toán vốn đầu tư; giám sát chặt chẽ chất lượng xây dựng công trình; ban hành quy chế quản lý, sử dụng công trình sau đầu tư, quy trình bảo dưỡng, bảo trì công trình theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.

Minh Hiếu

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/xay-dung-dang/tang-cuong-giam-sat-viec-dau-tu-xay-dung-nbsp-ket-cau-ha-tang-o-cac-huyen-mien-nui/97939.htm