Tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng cho học sinh trong thời đại 4.0
Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh ngày càng được các nhà trường quan tâm, chú trọng, thông qua đó giúp các em phát triển toàn diện về cả trình độ, năng lực, phẩm chất và nhân cách.
Toàn tỉnh hiện có 430 trường từ tiểu học đến THPT và giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp với hơn 200.000 học sinh, sinh viên, chiếm khoảng 25% dân số toàn tỉnh; trong đó học sinh phổ thông và khối thường xuyên, chuyên nghiệp là hơn 150.000 em. Trong thời đại internet và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, việc giáo dục đạo đức, lối sống giúp học sinh biết cách ứng xử phù hợp rất quan trọng, đồng thời thúc đẩy hành vi mang tính tích cực, hình thành lối sống có trách nhiệm; việc làm này còn tạo mối quan hệ thân thiện, cởi mở giữa thầy, trò, sự hứng thú, tự tin, chủ động sáng tạo trong học tập, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục.
Theo tìm hiểu, hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh hiện nay đều có những cách làm hay, sáng tạo để giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Đơn cử như Trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Lạng Sơn, toàn trường hiện có gần 1.000 đoàn viên, thanh niên là sinh viên. Cô Hà Thị Thanh Huyền, Bí thư Đoàn trường cho biết: Để giáo dục đạo đức, lối sống cho đoàn viên, thanh niên, hằng năm Đoàn trường đều tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn gắn với các chiến dịch tình nguyện, thông qua đó tuyên truyền, định hướng giá trị hình mẫu thanh niên trong thời kỳ mới. Đồng thời Đoàn trưởng triển khai cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” trên trang fanpage Tuổi trẻ Trường CĐSP Lạng Sơn; cuộc vận động Sinh viên Việt Nam - Những câu chuyện đẹp... qua đó góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa lối sống tích cực cho đoàn viên, thanh niên.
Có thể thấy, trong thời đại công nghệ 4.0, việc giáo dục đạo đức cho học sinh không chỉ được thực hiện qua giảng dạy mà các nhà trường còn sử dụng website nội bộ, fanpage để đẩy mạnh hoạt động truyền thông; tăng cường các hoạt động giáo dục, hướng dẫn cách sử dụng, khai thác thông tin trên Internet cho học sinh.
Điển hình như Trường THPT Dân tộc nội trú (DTNT) tỉnh. Trường hiện có hơn 600 học sinh, qua khảo sát từ đầu năm học 2023 - 2024, 100% học sinh nhà trường có tài khoản mạng xã hội. Bởi vậy, để giáo dục đạo đức lối sống và trang bị kỹ năng giao tiếp có văn hóa trên mạng xã hội cho học sinh, nhà trường đã thành lập câu lạc bộ truyền thông nội trú, cử giáo viên phụ trách là Bí thư Đoàn trường và xây dựng trang fanpage chính thống với tên gọi CLB Truyền thông DTNT tỉnh Lạng Sơn. Học sinh tham gia câu lạc bộ là lực lượng nòng cốt tuyên truyền và theo dõi, phát triển trang fanpage, cập nhật những thông tin chính thống, bổ ích… thường xuyên sinh hoạt, tuyên truyền giáo dục văn hóa ứng xử trên mạng xã hội cho bạn bè.
Em Lê Thu Hồng, lớp 12A2 năm học 2023 - 2024, Trường THPT DTNT tỉnh cho biết: Trong 3 năm học tại trường, ngoài những giờ học trên lớp, các thầy cô còn thường xuyên trò chuyện, chia sẻ niềm vui, vất vả trong cuộc sống, hướng dẫn em và các bạn từ những điều nhỏ nhất trong sinh hoạt đến học tập, cách ứng xử với bạn bè, cách tự lập trong môi trường sống tập thể nội trú; cùng đó hướng dẫn học sinh đọc những thông tin bổ ích trên mạng, cách giao tiếp, ứng xử trên không gian mạng xã hội… Nhờ đó, qua 3 năm học tại trường, em đã tích lũy được nhiều vốn sống, giúp em trưởng thành hơn khi rời xa mái trường.
Với mục tiêu tạo môi trường để học sinh phát triển toàn diện, những năm qua Sở Giáo dục và Đào tạo thường xuyên chỉ đạo chỉ đạo các trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên và trường chuyên nghiệp thực hiện tốt Chỉ thị số 31 của Thủ tướng Chính phủ ngày 4/12/2019 về tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Song song với đó là tăng cường giáo dục kỹ năng sống, xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông, lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống trong các chương trình học và hoạt động giáo dục. Nhờ đó, trong 4 năm học trở lại đây (từ năm học 2020 - 2021), hằng năm tỉ lệ học sinh tiểu học hoàn thành chương trình lớp học đạt trên 99%; cấp THCS có trên 99% học sinh đạt hạnh kiểm từ khá trở lên; cấp THPT có trên 97% học sinh đạt hạnh kiểm khá, tốt.
Thời gian tới, để công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh đạt kết quả cao hơn nữa, bên cạnh vai trò của ngành giáo dục rất cần sự chung tay, gắn kết của gia đình, xã hội, góp phần vun đắp, nuôi dưỡng sự hình thành giá trị đạo đức tốt đẹp và xây dựng nếp sống văn hóa, lành mạnh trong học sinh.