Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai

Thực hiện Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành, công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, dần đi vào nề nếp, góp phần phát huy tiềm năng, thế mạnh, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh.

Chuyển biến từ nhận thức tới hành động

Triển khai Luật Đất đai đạt hiệu quả cao, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các các huyện, thành phố tổ chức 175 hội nghị, cho trên 14.300 lượt người; tăng cường tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ cơ sở; hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, giúp cấp xã làm tốt công tác quản lý, sử dụng đất công ích, đất chưa sử dụng; rà soát các dự án đã được giao đất, cho thuê đất; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, các huyện, thành phố để nắm bắt thông tin, kịp thời triển khai thanh tra, kiểm tra và tham mưu xử lý theo quy định.

Sở TN&MT quán triệt, triển khai các giải pháp về lĩnh vực tài nguyên môi trường và đất đai.

Sở TN&MT quán triệt, triển khai các giải pháp về lĩnh vực tài nguyên môi trường và đất đai.

Là địa phương có nhiều dự án trọng điểm đã và đang được triển khai, Thành phố chỉ đạo kiểm tra, xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật về đất đai và quản lý đất công ích. Từ đầu năm đến nay, tổ chức kiểm tra, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai đối với 9 trường hợp, phạt tiền trên 102 triệu đồng; tập trung giải quyết, chỉ đạo giải quyết và cơ bản giải quyết nhiều vụ việc đơn thư, khiếu nại phức tạp, kéo dài, như: Kiến nghị của 10 hộ tại bản Dửn bị thu hồi đất khi thực hiện dự án Trường Đại học Tây Bắc; cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho hơn 130 hộ trong vụ việc phá sản của Công ty CP Xi măng Chiềng Sinh...

Ông Đoàn Xuân Thi, Trưởng phòng TN&MT Thành phố, thông tin: Trong 8 tháng qua, công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai, xây dựng trên địa bàn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, xử lý, giải quyết nhiều tồn tại, vướng mắc từ nhiều năm trước còn tồn đọng; giảm thiểu, hạn chế được nhiều vi phạm phát sinh; nhận thức của cán bộ, công chức, người dân trong sử dụng đất đai, xây dựng được nâng lên.

Còn tại Thuận Châu, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về đất đai; chú trọng công tác lập quy hoạch, kế hoạch để định hướng cho các nhu cầu sử dụng đất hợp lý, có hiệu quả; tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về đất đai, đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu, tạo quỹ đất sạch để đấu giá...

Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu, đánh giá: Sau hơn 8 năm triển khai thi hành Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành, pháp luật đất đai đã đi vào thực tiễn. Công tác giao đất, cho thuê, thu hồi đất được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định; tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về đất đai được ngăn chặn, xử lý nghiêm minh, có chiều hướng thuyên giảm.

Từ năm 2014 đến nay, tỉnh Sơn La thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng trên 8.500 ha đất cho hơn 3.700 trường hợp (kể cả tổ chức và hộ gia đình, cá nhân). Đã thực hiện giao đất có thu tiền sử dụng vào các mục đích cho trên 2.400 trường hợp với diện tích hơn 15.800 ha. Cho thuê đất vào các mục đích 300 tổ chức với diện tích trên 4.400 ha; cho doanh nghiệp thuê đất dưới hình thức thỏa thuận, nhận chuyển nhượng 56 dự án với tổng diện tích trên 50 ha. Thực hiện thu hồi hơn 47.300 ha đất; cấp giấy chứng nhận QSDĐ ở lần đầu cho 44.649 hộ, đạt 98,54%; đất sản xuất nông nghiệp lần đầu cho 57.983 hộ, đạt 99%. Tổ chức đấu giá, thu nộp ngân sách Nhà nước khoảng 2.940 tỷ đồng...

Khó khăn cần tháo gỡ

Triển khai Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành, công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh bên cạnh những mặt tích cực, còn bộc lộ những tồn tại, vướng mắc. Cụ thể, vẫn còn tình trạng sử dụng đất không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt, vi phạm trong việc sử dụng đất chưa được phát hiện, xử lý kịp thời; cá biệt có địa phương có biểu hiện buông lỏng quản lý đất đai, để xảy ra vi phạm không xử lý, đùn đẩy lên cấp trên...

Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định Nhà nước thực hiện trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất thông qua hình thức chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất chỉ được thực hiện đối với người sử dụng đất khi có giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 186 Luật Đất đai năm 2013. Tuy nhiên, tại Điều 7 Nghị định số 176/2017/NĐ-CP quy định một trong các hình thức xử lý nhà đất khi thực hiện sắp xếp lại là chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà không có hình thức Nhà nước giao đất, cho thuê đất. Do vậy, dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả Trung tâm hành chính công huyện Thuận Châu.

Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả Trung tâm hành chính công huyện Thuận Châu.

Vướng mắc nữa đó là hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất để xây dựng công trình thương mại, dịch vụ; công trình đa năng, tổ hợp đa năng cho mục đích kinh doanh thông qua hình thức đấu thầu theo quy định tại Nghị định số 25/2020/NĐ-CP mâu thuẫn về trình tự, thủ tục thực hiện với hình thức sử dụng đất thông qua việc nhà đầu tư nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp. Trong đó, có công trình thương mại, dịch vụ; công trình đa năng, tổ hợp đa năng cho mục đích kinh doanh theo quy định tại Điều 73 Luật Đất đai năm 2013 và Điểm b, Khoản 4, Điều 29 Luật Đầu tư năm 2020...

Công tác đấu giá quyền sử dụng đất, quy định về cơ quan có trách nhiệm xác định giá khởi điểm tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất chưa thống nhất giữa Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát

Ông Nguyễn Tiến Dương, Phó Giám đốc Sở TN&MT, cho biết: UBND tỉnh Sơn La đã tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương triển khai thi hành Luật Đất đai bằng nhiều biện pháp có hiệu quả. Mặc dù điều kiện tự nhiên, kinh tế địa phương có nhiều khó khăn, nhưng kết quả thực hiện các nội dung, nhiệm vụ quản lý đất đai đã thực hiện trong các năm qua là khá lớn, ở tất cả các nội dung, đảm bảo theo quy định của pháp luật đất đai; nhất là công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất. Với những vướng mắc còn tồn tại, Sở TN&MT cùng các địa phương đã rà soát, đề xuất các nội dung vướng mắc, gửi Bộ TN&MT tổng hợp để thực hiện sửa đổi Luật Đất đai 2013.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh, ngày 3/8/2022, Tỉnh ủy Sơn La ban hành Chỉ thị số 21/CT-TU về tăng cường công tác lãnh đạo, quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh. Theo đó, giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị, quản lý sử dụng đất nhằm góp phần nâng cao ý thức, nhận thức của các tổ chức, cá nhân về quản lý, sử dụng đất đai, hạn chế vi phạm về đất đai. Đẩy mạnh cải cách TTHC, chuyển đổi số, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục, hồ sơ.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ sang sử dụng vào mục đích khác. Thực hiện nghiêm các nghị quyết của HĐND tỉnh về danh mục các dự án Nhà nước thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất. Tập trung xử lý dứt điểm các trường hợp lấn chiếm đất, xây dựng trái phép; lấn chiếm đất công ích, đất hành lang giao thông để xây dựng nhà ở, công trình trái pháp luật. Chỉ đạo giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế, vướng mắc kéo dài liên quan đến quản lý, sử dụng đất...

Minh Thu

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/tang-cuong-hieu-luc-hieu-qua-quan-ly-nha-nuoc-ve-dat-dai-52892