Tăng cường hỗ trợ công tác cai nghiện ma túy
Nghị quyết số 46/2020/NQ-HĐND ngày 23/7/2020 của HĐND tỉnh quy định mức đóng góp, hỗ trợ đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập và chính sách đối với viên chức, người lao động trực tiếp làm công tác cai nghiện tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp 1 tỉnh Quảng Trị vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa VII sẽ giúp những người lầm lỡ đoạn tuyệt được với ma túy, tái hòa nhập cộng đồng hiệu quả hơn; đồng thời khuyến khích, động viên viên chức và người lao động làm việc tại các cơ sở quản lý người nghiện ma túy yên tâm công tác.
Những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã có nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo cả về chính sách, cũng như chế độ hỗ trợ cho các đối tượng là những người cai nghiện ma túy tập trung, cũng như đối với những người cai nghiện ma túy tại cộng đồng trên cơ sở điều kiện thực tiễn của địa phương, theo từng giai đoạn. Dù đã đạt một số kết quả tích cực song công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, đáng lo là tỉ lệ người cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh, gia đình, cộng đồng vẫn thấp so với số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Giải “bài toán” này, Quảng Trị đã nghiên cứu và ban hành những cơ chế, chính sách mới phù hợp, giúp nâng tỉ lệ người cai nghiện ma túy tự nguyện. Không chỉ hỗ trợ cho các đối tượng là những người cai nghiện ma túy, xuất phát từ yêu cầu thực tế, để động viên cán bộ làm việc trong môi trường phức tạp, tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách phụ cấp đặc thù cho cán bộ làm công tác cai nghiện nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh.
Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa VII đã thông qua Nghị quyết số 46/2020/NQ-HĐND liên quan đến việc nâng mức hỗ trợ đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện công lập và viên chức, người lao động trực tiếp làm công tác cai nghiện. Theo đó, ngoài các chế độ hỗ trợ quy định tại khoản 1 và khoản 2, Điều 4, Thông tư 124/2018/TT-BTC ngày 20/12/2018 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chế độ hỗ trợ đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện thì sẽ được hỗ trợ thêm các khoản chi phí như: 80% chi phí tiền ăn hằng tháng; 80% chi phí mua đồ dùng sinh hoạt cá nhân; 100% chỗ ở. Đối với cán bộ trực tiếp làm công tác cai nghiện ma túy tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp 1 tỉnh Quảng Trị sẽ được trợ cấp đặc thù hằng tháng là 800 ngàn đồng/người/tháng. Nghị quyết cũng quy định rõ, trong trường hợp giá cả tiêu dùng biến động trên 20% thì giao UBND tỉnh điều chỉnh mức trợ cấp đặc thù tương ứng cho phù hợp.
Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp 1 tỉnh Quảng Trị là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội và cũng là cơ sở cai nghiện ma túy công lập duy nhất trên địa bàn tỉnh tính đến thời điểm hiện tại. Trung tâm có chức năng tổ chức thực hiện việc chữa bệnh, cai nghiện, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách, dạy nghề, lao động sản xuất, tái hòa nhập cộng đồng cho người nghiện ma túy; nuôi dưỡng, chăm sóc người bị bệnh tâm thần kinh theo quy định của pháp luật. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả điều trị nói chung và quản lý học viên cai nghiện nói riêng, sau khi tiếp nhận, học viên sẽ được kiểm tra sức khỏe, lập hồ sơ bệnh án để tiến hành các bước điều trị phù hợp. Trong thời gian này, học viên được tư vấn, hỗ trợ tâm lý, lập phác đồ điều trị cắt cơn. Qua giai đoạn điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội, học viên được khám sức khỏe để phân loại, sau đó sẽ tham gia lao động trị liệu và các hoạt động giáo dục. Ngoài ra, để học viên có khả năng tái hòa nhập cộng đồng sau thời gian điều trị cai nghiện, trung tâm còn thường xuyên trang bị cho học viên một số kỹ năng giao tiếp, ứng xử, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, dạy một số nghề như xây dựng, cơ khí, ươm cây giống…
Do công việc đặc thù nên viên chức, người lao động của Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp 1 tỉnh phải thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với đối tượng nghiện ma túy đã có tiền án, tiền sự, có hành vi chống đối; nhiều đối tượng có bệnh truyền nhiễm như HIV/AIDS, bệnh lao phổi, viêm gan B, viêm gan C… gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tâm lý. Bên cạnh đó, trung tâm còn có chức năng thứ 2 là nuôi dưỡng, chăm sóc người bị bệnh tâm thần kinh đặc biệt nặng. Tuy nhiên, trước tháng 8/2020, viên chức, người lao động làm việc tại trung tâm chỉ được hưởng trợ cấp đặc thù với mức tối thiếu là 500 ngàn đồng/người/tháng theo quy định tại khoản 1, Điều 6, Nghị định số 26/2016/NĐ-CP ngày 6/4/2016 của Chính phủ. Do vậy, việc ban hành Nghị quyết số 46/2020/NQ-HĐND, nâng mức hỗ trợ để bảo đảm nguồn nhân lực, khuyến khích viên chức, người lao động gắn bó lâu dài với nghề là điều cần thiết nhằm bảo đảm an sinh xã hội.
Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp 1 Trần Văn Thành cho biết: “Trung tâm hiện có 32 cán bộ, công nhân viên, trong khi phải thường xuyên đảm nhận, thực hiện một khối lượng công việc rất lớn và rất đặc thù. Do vậy, việc nâng mức trợ cấp đặc thù cho viên chức, người lao động trực tiếp làm công tác tác cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh là hết sức đúng đắn và cần thiết nhằm động viên viên chức, người lao động yên tâm công tác, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Việc ban hành các chính sách mới hỗ trợ công tác cai nghiện ma túy sẽ tạo điều kiện cho người nghiện ma túy quyết tâm cai nghiện thành công, làm lại cuộc đời; đồng thời động viên, khuyến khích viên chức, người lao động trực tiếp làm công tác cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện công lập phát huy năng lực, trí tuệ, gắn bó lâu dài với công việc tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm; góp phần đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=152072