Tăng cường hỗ trợ học sinh, sinh viên TP. HCM năm 2023

Năm 2022 có thể xem là một năm đặc biệt đối với học sinh, sinh viên TP. HCM bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tuy nhiên, vượt qua khó khăn đó, Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP. HCM vẫn kịp thời hỗ trợ và tổ chức hoạt động dành cho các đối tượng. Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam có cuộc trao đổi với anh Lê Xuân Dũng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP. HCM để hiểu hơn về những định hướng hoạt động của trung tâm trong thời gian tới.

Chặng đường hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP. HCM trong năm vừa qua diễn ra như thế nào, thưa anh?

Trong năm vừa qua, chúng tôi tập trung chăm lo cho các hoàn cảnh khó khăn sinh viên thông qua các chương trình học bổng. Các hoạt động liên quan đến kỹ năng việc làm, kỹ năng thực hành xã hội, các kiến thức pháp luật cũng được chú ý triển khai. Ngoài ra, những chương trình tình nguyện của sinh viên thành phố do trung tâm trực tiếp triển khai như “Tiếp sức mùa thi”, “Gia sư áo xanh” cũng thu hút đông đảo các bạn sinh viên tham gia.

Các chương trình chăm lo Tết cho sinh viên khó khăn cũng là một dấu ấn đặc biệt mà trung tâm thường xuyên tổ chức. Chẳng hạn như chương trình “Chuyến xe mùa Xuân” và họp mặt sinh viên đón Tết xa nhà vừa rồi đã được tổ chức rất hiệu quả.

Thành tựu lớn nhất trong năm 2022, là sự quan tâm của các đơn vị doanh nghiệp cá nhân, mạnh thường quân với các đối tượng học sinh, sinh viên khó khăn trên địa bàn thành phố. Rõ ràng, năm 2022 vừa rồi là một năm phức tạp, dù kinh tế khó khăn sau dịch COVID-19 nhưng các nguồn lực chăm lo học bổng cho các đối tượng học sinh, sinh viên khó khăn vẫn được duy trì và có sự phát triển, đó chính là một tín hiệu bền vững cho hoạt động của trung tâm và phong trào của học sinh, sinh viên TP. HCM.

Anh Lê Xuân Dũng - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP. HCM (thứ năm, từ phải sang) trong hoạt động thăm, động viên các bạn sinh viên tình nguyện trong chương trình "Tiếp sức mùa thi" tại TP. HCM. (Ảnh: TLTĐ)

Anh Lê Xuân Dũng - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP. HCM (thứ năm, từ phải sang) trong hoạt động thăm, động viên các bạn sinh viên tình nguyện trong chương trình "Tiếp sức mùa thi" tại TP. HCM. (Ảnh: TLTĐ)

Vậy đâu là yếu tố tạo nên sự thành công của trung tâm nói riêng và hoạt động của học sinh, sinh viên TP. HCM nói chung trong năm vừa rồi, thưa anh?

Đó là những giá trị nhân văn đã được gửi gắm trong từng chương trình của chúng tôi triển khai, phù hợp với từng đối tượng, tập trung hướng đến chăm lo hỗ trợ cho các học sinh, sinh viên khó khăn. Từ đó kết nối với các đơn vị doanh nghiệp, tạo sự tin tưởng đối với họ. Bằng chứng là đã có rất nhiều đơn vị doanh nghiệp đồng hành xuyên suốt với trung tâm, thậm chí có những đơn vị gắn kết từ những ngày đầu trung tâm thành lập đến nay.

Các hoạt động của học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố năm 2022 có những điểm rất tích cực. Đó là sự tham gia nhiệt tình, đóng góp tính sáng tạo của lực lượng học sinh, sinh viên, làm đa dạng các hoạt động chăm lo đến từng đối tượng. Ngoài ra, phải kể đến các hoạt động học sinh, sinh viên đều nhận được sự quan tâm rất lớn của toàn xã hội, sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, các đơn vị doanh nghiệp.

Bên cạnh những mặt tích cực thì vẫn còn một số hạn chế mà tiêu biểu là sự phát triển của các trang mạng xã hội, các trào lưu diễn ra nhanh chóng dẫn đến việc triển khai các hoạt động đôi lúc còn chưa bắt kịp với sự chuyển biến nhanh đó.

Anh có thể chia sẻ những chương trình, cũng như những đổi mới nhằm hỗ trợ học sinh, sinh viên trong năm 2023 của trung tâm?

Trung tâm vẫn sẽ tập trung định hướng các hoạt động chăm lo cho đối tượng học sinh, sinh viên khó khăn. Cố gắng vận động các nguồn lực bảo trợ và chăm sóc các em cho đến khi ra trường. Mở rộng các đối tác doanh nghiệp để tạo nhiều nguồn lực hỗ trợ. Không chỉ dừng lại ở các suất học bổng bằng tiền, mà còn ở các khóa học, yếu tố kết nối giữa sinh viên với doanh nghiệp.

Anh Lê Xuân Dũng - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP. HCM (thứ ba, từ phải sang) cùng lãnh đạo thành phố trong Lễ tiễn sinh viên về quê ăn Tết trong chương trình "Chuyến xe mùa Xuân 2023". (Ảnh: Ngô Tùng)

Anh Lê Xuân Dũng - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP. HCM (thứ ba, từ phải sang) cùng lãnh đạo thành phố trong Lễ tiễn sinh viên về quê ăn Tết trong chương trình "Chuyến xe mùa Xuân 2023". (Ảnh: Ngô Tùng)

Theo xu hướng, trung tâm đồng thời cũng sẽ ứng dụng công nghệ thông tin vào việc triển khai các hoạt động liên quan đến học sinh, sinh viên. Tiếp tục thay đổi hình thức, phương thức tổ chức phù hợp với thời đại mới. Chú trọng triển khai các kỹ năng thực hành xã hội cho học sinh, sinh viên, trong đó tập trung các kỹ năng liên quan đến nhận biết thông tin giả, lừa đảo trên mạng xã hội, các kỹ năng ứng xử trên mạng xã hội, tuyên truyền, phổ biến pháp luật...

Chúng tôi cũng đã có những kế hoạch thay đổi hình thức tổ chức các hoạt động tình nguyện của sinh viên, trong đó điển hình là chương trình “Tiếp sức mùa thi” và “Gia sư áo xanh”.

Đặc biệt, trung tâm sẽ tập trung tổng kết 2 đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên đang thực hiện theo Nghị quyết của Đại hội Hội Sinh viên TP. HCM hướng tới Đại hội Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ VII. Đó là đề án “Nâng cao trình độ ngoại ngữ cho sinh viên thành phố” và đề án “Triển khai ứng dụng SV360”.

Theo anh, để đạt được những kế hoạch và mục tiêu đó thì đâu sẽ là yếu tố tiên quyết?

Để đạt được những kế hoạch mà chúng tôi đề ra, yếu tố đầu tiên, đó là sự quan tâm của các đơn vị doanh nghiệp, các nguồn lực xã hội đối với các học sinh, sinh viên khó khăn và các phong trào tình nguyện của sinh viên.

Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên của Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP. HCM để bắt kịp với xu thế mới, tình hình mới là yếu tố cần thiết nhằm duy trì và phát triển các hoạt động hỗ trợ học sinh, sinh viên trên toàn thành phố.

Xin cảm ơn anh!

Như Việt

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/tang-cuong-ho-tro-hoc-sinh-sinh-vien-tp-hcm-nam-2023-post1505052.tpo