Tăng cường hợp tác giáo dục và đào tạo giữa Việt Nam-Hungary
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cảm ơn Chính phủ Hungary đã dành sự quan tâm đặc biệt đến hợp tác giáo dục với Việt Nam,tăng số lượng học bổng từ chỉ 5 suất học bổng năm 2012 đến 200 suất năm 2018.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hungary của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sáng 28/6 (theo giờ địa phương), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Đổi mới của Hungary, Ngài Janos Csak về việc tăng cường hợp tác giáo dục đào tạo giữa hai quốc gia trong thời gian tới.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn vui mừng khi gặp Bộ trưởng Janos Csak, bày tỏ cảm ơn Chính phủ Hungary đã tạo điều kiện, cung cấp học bổng cho cán bộ, sinh viên Việt Nam theo học những trường đại học danh tiếng của Hungary.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ vui mừng khi quan hệ hợp tác giáo dục Việt Nam-Hungary đang ngày càng phát triển trong những năm qua có thể nói là một trong những điểm nhấn trong quan hệ hợp tác ngoại giao giữa hai nước.
Đặc biệt trong ngày 27/6, Diễn đàn hợp tác giáo dục Việt Nam-Hungary đã tổ chức thành công với nhiều phát biểu tham luận tập trung vào một số chủ đề như chuyển đổi số trong giáo dục đại học; hợp tác trong y dược giữa Việt Nam và Hungary; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong các trường đại học Hungary… cũng như đã trao 9 Biên bản ghi nhớ (MOU) hợp tác giữa các trường đại học của hai nước.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cảm ơn Chính phủ Hungary đã dành sự quan tâm đặc biệt đến hợp tác giáo dục với Việt Nam, đặc biệt thông qua việc tăng số lượng học bổng từ chỉ 5 suất học bổng năm 2012 đến 200 suất năm 2018.
Đặc biệt, cuối tháng 3/2022, hai bên đã ký được Thỏa thuận hợp tác giáo dục giữa hai Bộ và Thỏa thuận hợp tác với Bộ Ngoại giao và Kinh tế đối ngoại.
Những thỏa thuận này là tiếp nối một loạt các thỏa thuận, hiệp định cấp chính phủ và cấp bộ đã ký kết trước đó. Việc này tạo điều kiện cho hai bên phát triển các hoạt động hợp tác giáo dục ngày càng đi vào chiều sâu chất lượng.
Hiện tại, số sinh viên Việt Nam đang theo học các cấp đào tạo đại học và sau đại học là 501 người theo diện học bổng Hiệp định và hơn 100 người theo các diện tự túc kinh phí.
Đây là cầu nối tuyệt vời giữa Việt Nam và Hungary, góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa, hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước.
Về phần mình, ông Janos Csak bày tỏ vui mừng khi mối quan hệ hợp tác giữa hai nước đạt nhiều kết quả tích cực, nhất là trong hợp tác giáo dục và đào tạo.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Đổi mới vui mừng khi nhiều sinh viên Việt Nam đã, đang học tập tại Hungary có nhiều thành tích xuất sắc và có những đóng góp nhất định cho quê hương đất nước.
Bộ trưởng Janos Csak nhấn mạnh, chủ trương của Chính phủ Hungary là luôn mở rộng quan hệ hợp tác sang các nước khu vực châu Á và Việt Nam luôn là đối tác quan trọng của Hungary.
Hungary dù chỉ có khoảng 10 triệu dân nhưng luôn mong muốn mở rộng đào tạo cũng như phấn đấu có nhiều các trường đại học nằm trong top thế giới.
Ông cho rằng sau khi 9 Biên bản ghi nhớ được hai bên ký kết trong ngày 27/6 sẽ tiếp tục được triển khai hiệu quả trong thời gian tới, qua đó thúc đẩy hơn nữa hợp tác giáo dục giữa hai nước.
Việc trao đổi đoàn cũng như mở thêm những cơ sở giáo dục sẽ nhận được sự tham gia và ủng hộ của Hungary nhưng cần có dự án cụ thể, trọng tâm trọng điểm để đạt hiệu quả cao nhất.
Trong thời gian sắp tới, Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn mong muốn tiếp tục có thêm sự hợp tác, thúc đẩy giáo dục, đào tạo theo chiều rộng và chiều sâu với Hungary, nhất là trong việc triển khai chương trình đào tạo, mở rộng thêm các chương trình đào tạo quốc tế, đáp ứng nhu cầu học tập rất lớn của số lượng lớn học sinh ở Việt Nam hiện nay.
Hiện tại, các trường đại học của Việt Nam cũng rất quan tâm đến việc hợp tác và trao đổi sinh viên quốc tế.
Bộ trưởng đề nghị lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác đào tạo trong thời gian tới là lĩnh vực y dược, tiếp đó là lĩnh vực nông nghiệp.
Bộ trưởng đề nghị phía Hungary mở thêm chương trình đào tạo tiếng Hungary tại Việt Nam và có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu của Hungary, đó cũng là yếu tố quan trọng để hợp tác giáo dục hai nước bền vững, phát triển lâu dài./.