Tăng cường hợp tác giữa các nước Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ
Sau 2 ngày làm việc tích cực (25-26/11/2020), cuộc họp giữa 10 nước Ủy viên không thường trực đương nhiệm (E10) của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) và 5 nước mới trúng cử Ủy viên không thường trực (I5) dưới hình thức kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp tại Hà Nội đã kết thúc thành công tốt đẹp.
Với chủ đề "Nỗ lực chung vì HĐBA LHQ hiệu quả: kinh nghiệm và bài học tốt cho các nước mới trúng cử Ủy viên không thường trực", đại diện các nước E10 – I5 và nhiều học giả, chuyên gia quốc tế tham gia cuộc họp đã tích cực trao đổi ý kiến tại 5 phiên thảo luận về các xu hướng và thách thức tại Hội đồng Bảo an hiện nay, hợp tác giữa các nước E10, phương pháp làm việc của Hội đồng Bảo an chia sẻ các kinh nghiệm và bài học tốt, hướng tới hợp tác chặt chẽ hơn giữa các nước E10 trong tương lai.
Các đại biểu đánh giá Hội đồng Bảo an phải đối mặt với nhiều thách thức từ tác động của đại dịch COVID-19 khiến các cuộc họp, hoạt động không thể diễn ra trực tiếp, ảnh hưởng đến quá trình thảo luận, thông qua các văn kiện. Các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, khủng bố… ngày càng tác động đến hòa bình an ninh quốc tế nhưng việc phản ánh các thành tố này trong chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an vẫn còn ý kiến khác biệt. Cạnh tranh chiến lược gia tăng giữa các nước lớn ảnh hưởng đến đồng thuận của Hội đồng Bảo an trong một số vấn đề.
Đứng trước những thách thức này, Hội đồng Bảo an đã thích nghi tốt với tình hình, sớm có điều chỉnh hợp lý trong phương thức hoạt động để thực thi chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong bối cảnh đó, các nước E10 ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong việc làm "cầu nối" thu hẹp khác biệt trong Hội đồng Bảo an, nhất là giữa các nước Ủy viên thường trực (P5), qua đó thúc đẩy hiệu quả hoạt động của Hội đồng Bảo an cũng đã chia sẻ nhiều bài học, kinh nghiệm tốt với các nước I5 để chuẩn bị cho nhiệm kỳ của mình, trong đó có cách thức trao đổi, phối hợp, đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an, chủ trì thương lượng và xây dựng các văn kiện của Hội đồng Bảo an… Đồng thời, các nước I5 chia sẻ những sáng kiến, ý tưởng và ưu tiên của mình khi chính thức bắt đầu nhiệm kỳ vào năm tới. Hướng tới hoạt động của Hội đồng Bảo an trong năm 2021, các đại biểu cùng chia sẻ nhiều đánh giá, nhận định về tình hình quốc tế, dự báo các vấn đề phức tạp, điểm nóng có thể nổi lên, từ đó đề xuất các biện pháp để tăng cường hiệu quả hoạt động của Hội đồng Bảo an và phát huy hơn nữa vai trò của các nước E10.
Kết thúc Cuộc họp, nước chủ nhà Việt Nam sẽ ra một bản tóm tắt về những vấn đề được thảo luận để tăng cường hiểu biết, nhận thức chung về tình hình quốc tế. Qua đó giúp các nước I5 có thêm kinh nghiệm và thông tin về cách làm việc, nội dung chương trình nghị sự và những vấn đề, khó khăn đặt ra trong công tác của Hội đồng Bảo an, xác định những biện pháp cần phải chuẩn bị cho các nước này trước khi chính thức đảm nhiệm vai trò tại Hội đồng Bảo an.