Tăng cường hợp tác giữa Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam với WIPO

Mới đây, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Thụy Sĩ, Đoàn công tác của Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam do Phó Chánh án Thường trực Nguyễn Trí Tuệ dẫn đầu đã có buổi làm việc tại Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO).

Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác với Ngài Marco Alemán, Trợ lý Tổng giám đốc, Ngành Sở hữu trí tuệ và Hệ sinh thái Đổi mới (IES) của WIPO . Nguồn: Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao.

Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác với Ngài Marco Alemán, Trợ lý Tổng giám đốc, Ngành Sở hữu trí tuệ và Hệ sinh thái Đổi mới (IES) của WIPO . Nguồn: Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao.

Trao đổi nội dung hợp tác với Ngài Marco Alemán, Trợ lý Tổng Giám đốc, Ngành Sở hữu trí tuệ và Hệ sinh thái Đổi mới (IES) của WIPO, Phó Chánh án Thường trực Nguyễn Trí Tuệ đề nghị WIPO tiếp tục hỗ trợ Tòa án Việt Nam trong nhiều chương trình mà hai bên đang triển khai và bày tỏ mong muốn WIPO sẽ hỗ trợ trong việc trao đổi dữ liệu thông tin như tổ chức hoạt động của Tòa án sở hữu trí tuệ trên thế giới, cơ cấu tổ chức và chức năng nhiệm vụ của các Tòa án này, kinh nghiệm xử lý các vụ án về sở hữu trí tuệ, các vụ án liên quan đến tội phạm công nghệ cao hay vấn đề trí tuệ nhân tạo (AI).

Ngài Marco Alemán đánh giá cao những nỗ lực làm cầu nối hợp tác giữa hai bên của Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva. Ngài Marco Alemán khẳng định, WIPO sẵn sàng và thiện chí hợp tác, cam kết hỗ trợ Việt Nam trong việc tăng cường năng lực của Thẩm phán cũng như của hệ thống tòa án trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Tại buổi làm việc, Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác với Ngài Marco Alemán, Trợ lý Tổng Giám đốc, Ngành Sở hữu trí tuệ và Hệ sinh thái Đổi mới (IES) của WIPO nhằm tăng cường hệ thống tư pháp và các dịch vụ bảo vệ sở hữu trí tuệ.

Biên bản ghi nhớ sẽ là cơ sở để hai bên triển khai các hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực như trao đổi kinh nghiệm tư pháp, hợp tác nâng cao năng lực tư pháp, nghiên cứu chung về các vấn đề sở hữu trí tuệ, trao đổi thông tin về quyết định tư pháp, thúc đẩy giải quyết tranh chấp thay thế…

Ngoài ra, Biên bản ghi nhớ cũng lưu ý tới việc các bên sẽ hợp tác để tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi kinh nghiệm tư pháp thông qua các hội nghị, hội thảo hoặc các cuộc họp dành cho Thẩm phán giải quyết các vụ việc liên quan đến sở hữu trí tuệ, cũng như hợp tác trong việc thiết kế và triển khai chương trình Giáo dục tư pháp thường xuyên (viết tắt là CJE) về sở hữu trí tuệ cho Tòa án Việt Nam.

Cũng theo Biên bản ghi nhớ, Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam và WIPO sẽ hợp tác nghiên cứu chung về các vấn đề sở hữu trí tuệ mang tính thời sự. Hai bên sẽ tăng cường phổ biến các phán quyết quan trọng trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ bằng cách trao đổi hoặc hỗ trợ trao đổi dữ liệu thông qua cơ sở dữ liệu Lex-Judgements của WIPO và công nhận sự hữu ích tiềm năng của phương pháp giải quyết tranh chấp thay thế, bao gồm các dịch vụ do Trung tâm Trọng tài và hòa giải do WIPO cung cấp như một phương tiện riêng để giải quyết các tranh chấp sở hữu trí tuệ./.

THANH TRANG

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/tang-cuong-hop-tac-giua-toa-an-nhan-dan-toi-cao-viet-nam-voi-wipo-35497.html