Tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao năng lực tìm kiếm cứu nạn hàng hải
Để nâng cao năng lực và hiệu quả trong công tác tìm kiếm cứu nạn hàng hải, Việt Nam đã tích cực tổ chức các chương trình diễn tập, phối hợp với các quốc gia.
Cứu nạn thành công nhiều vụ việc có yếu tố nước ngoài
Ngày 20/11 vừa qua, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải VN (Vietnam MRCC) đã chủ trì, phối hợp cứu nạn thành công vụ việc 14 ngư dân của tàu cá BĐ 98268 TS gặp nạn trên vùng biển cách cách đảo Phú Quý khoảng 95 hải lý về phía Đông Đông Bắc.
Tàu đã bị phá nước, chìm trong bối cảnh thời tiết khắc nghiệt, sóng cao trên 3m, khiến 14 thuyền viên phải bám vào phao nổi của tàu.
Ngay sau khi nhận được thông tin, trung tâm đã chủ trì, đề nghị Đài Thông tin duyên hải TP.HCM phát thông tin khẩn cấp và yêu cầu liên lạc với các tàu hành trình ngang qua khu vực tai nạn tăng cường cảnh giới, quan sát hỗ trợ tìm kiếm, cứu nạn 14 thuyền viên tàu bị nạn.
Trung tâm cũng phối hợp với các đơn vị liên quan như Ban chỉ huy PCTT&TKCN và Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh Bình Định, Bình Thuận, Phú Yên và BTL Vùng Cảnh sát biển 3, huy động tối đa lực lượng tàu thuyền đang hoạt động gần vị trí bị nạn đến tham gia tìm kiếm, cứu nạn.
Qua hệ thống theo dõi tàu thuyền hoạt động trên biển, trung tâm đã liên lạc trực tiếp và huy động các phương tiện nước ngoài hành trình qua khu vực tàu bị nạn, trong đó tàu Barzan (quốc tịch Đức – đang trên đường hành trình từ Trung Quốc đi Singapore) tham gia vào phối hợp tìm kiếm cứu nạn. Tàu Barzan sau đó đã tổ chức tìm kiếm, phát hiện và cứu an toàn 14 ngư dân đang trôi dạt trên biển.
Đây là một trong những vụ việc cứu nạn có yếu tố nước ngoài đã thực hiện thành công thời gian qua, thực hiện quyền và nghĩa vụ của quốc gia ven biển theo các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc thừa nhận.
Theo đại diện Vietnam MRCC, Việt Nam được Tổ chức hàng hải quốc tế - IMO và các nước trong khu vực công nhận là một trong những quốc gia có hệ thống tìm kiếm cứu nạn hàng hải phát triển nhanh và hoạt động có hiệu quả cao, góp phần xây dựng một môi trường đầu tư an toàn, tin cậy trong lĩnh vực hoạt động kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Triển khai các nguyên tắc, nghĩa vụ về tìm kiếm cứu nạn quy định tại các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trung tâm đã thực hiện thành công nhiều vụ việc tìm kiếm cứu nạn nhờ việc huy động tàu thuyền quốc tế hành trình lân cận vị trí bị nạn, kịp thời cứu sống nhiều người Việt Nam và nước ngoài gặp nạn trên biển.
Ngoài vụ việc trên, trung tâm từng huy động tàu hàng nước ngoài tìm kiếm cứu nạn 19 thuyền viên tàu chở gỗ Vandon Ace gặp nạn tại khu vực biển Bà Rịa-Vũng Tàu tháng 2/2022; huy động tàu hàng quốc tịch Đan Mạch kịp thời cứu nạn 18 thuyền viên của Narimoto Maru (Quốc tịch Belize) bị nghiêng, chìm tại vùng biển lân cận đảo Phú Quý năm 2021…
Đặc biệt, vào năm 2022, 303 công dân quốc tịch Srilanka đã được lực lượng cứu nạn hàng hải Việt Nam kịp thời cứu sống khi gặp nạn trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa.
Trong vụ cứu nạn này, trung tâm đã phối hợp với các cơ quan cứu nạn quốc tế của các quốc gia liên quan gồm Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Srilanka, Cơ quan chính quyền cảng và hàng hải Singapore, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Malaysia để xác minh thông tin và kêu gọi các tàu thuyền quốc tế trợ giúp.
Thường xuyên diễn tập, mở rộng hợp tác với các quốc gia
Lãnh đạo Vietnam MRCC cho biết, với vai trò là quốc gia thành viên của Công ước quốc tế về tìm kiếm cứu nạn trên biển - SAR 79, Việt Nam phải tiến hành các hoạt động tìm kiếm cứu nạn trong vùng biển thuộc trách nhiệm của mình để thực hiện đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ quốc gia.
Trung tâm được giao là cơ quan đầu mối phối hợp quốc tế và trực tiếp thực hiện các hoạt động phối hợp tìm kiếm cứu nạn với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Theo đó, thực hiện chủ trì hoạt động tìm kiếm cứu nạn, tổ chức tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ đối với người và phương tiện bị nạn, trong đó có tàu thuyền nước ngoài hành trình đến hoặc ngang qua vùng biển trách nhiệm của Việt Nam.
"Với người, tàu thuyền Việt Nam gặp tai nạn, sự cố trên vùng biển quốc tế, trung tâm yêu cầu trợ giúp khẩn cấp từ lực lượng tìm kiếm cứu nạn của các quốc gia liên quan, các cơ quan cứu nạn quốc tế và phối hợp trong việc tổ chức tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ đối tượng bị nạn", lãnh đạo Vietnam MRCC chia sẻ.
Để nâng cao hiệu quả phối hợp tìm kiếm cứu nạn, hàng năm, trung tâm phối hợp tổ chức các chương trình diễn tập với cơ quan cứu nạn của các quốc gia thành viên ASEAN theo hình thức thoại xử lý thông tin.
Tuy nhiên, theo Vietnam MRCC, Việt Nam cần tiếp tục mở rộng hợp tác với các quốc gia khu vực ASEAN như tổ chức đàm phán, ký kết các hiệp định, hướng tới nội dung đàm phán, phân định khu vực trách nhiệm tìm kiếm cứu nạn trên biển giữa Việt Nam và các nước trong khu vực Biển Đông.
Ngoài ra, cần tham gia ký kết các thỏa thuận hợp tác giữa hai chính phủ hoặc hai tổ chức chuyên ngành tìm kiếm cứu nạn về hợp tác trong khu vực biển Đông; Diễn tập tìm kiếm cứu nạn phối hợp quốc tế; Xây dựng mô hình phối hợp hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa và tìm kiếm cứu nạn điện tử...