Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm
Thời gian qua, lực lượng CAND không ngừng nỗ lực tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế, qua đó củng cố thế trận an ninh vững chắc, phát huy sức mạnh tổng hợp trong việc bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn TTATXH, giải quyết có hiệu quả các vấn đề quốc tế trong đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm.
Đồng thời, tham gia tích cực trong việc làm sâu sắc thêm các mối quan hệ hữu nghị, hợp tác quốc tế của đất nước, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Cho tới nay, Bộ Công an đã thiết lập quan hệ song phương với 162 cơ quan thực thi pháp luật của 64 quốc gia và một số vùng lãnh thổ, trong đó thiết lập quan hệ nhiều mặt với cơ quan thực thi pháp luật của các nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; Tham gia hoạt động trong 52 tổ chức, diễn đàn hợp tác quốc tế đa phương. Đàm phán, ký kết trên 150 văn bản hợp tác quốc tế về bảo vệ ANTT và đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Tính từ tháng 1 đến tháng 9/2023, Bộ Công an đã ký 10 văn bản về tăng cường hợp tác quốc tế trong thực thi pháp luật và trong đấu tranh phòng, chống tội phạm với các nước. Cụ thể, trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 12 đến ngày 16/9 và đồng chủ trì Hội nghị cấp Bộ trưởng về phòng, chống tội phạm lần thứ 8 giữa Bộ Công an hai nước, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Công an nước chủ nhà Vương Tiểu Hồng đã ký “Biên bản Hội nghị hợp tác phòng, chống tội phạm lần thứ 8 giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Công an Trung Quốc” và “Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác phòng, chống tội phạm đánh bạc xuyên quốc gia giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Công an Trung Quốc”.
Hay, trước đó, trong khuôn khổ chuyến thăm, làm việc tại Cộng hòa Italy từ ngày 17 đến ngày 19/7, Bộ trưởng Tô Lâm và Bộ trưởng Tư pháp nước chủ nhà đã ký “Hiệp định dẫn độ” và “Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù”. Đây sẽ là những văn bản pháp lý quan trọng trong hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm giữa hai nước. Qua đó, cụ thể hóa cam kết không khoan nhượng với bất kỳ tội phạm nào liên quan đến hai nước.
Tháng 4/2023, Bộ trưởng Tô Lâm cũng đã ký “Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Tình trạng khẩn cấp Belarus” với Bộ trưởng Bộ Tình trạng khẩn cấp Cộng hòa Belarus Sinyavskiy Vadim Ivanovich và ký “Chương trình phối hợp hành động giữa Bộ Công an nước CHXHCN Việt Nam và Bộ Nội vụ nước Cộng hòa Belarus giai đoạn 2023-2025” với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Cộng hòa Belarus Kubrakov Ivan Vladimirovich nhằm tăng cường cơ sở pháp lý cho hoạt động hợp tác giữa hai cơ quan trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm mới, đảm bảo TTATXH ở mỗi quốc gia.
Ngoài Bộ trưởng Tô Lâm, các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an cũng đã thực hiện các chuyến thăm, làm việc, đối thoại, dự các hội nghị, diễn đàn, ký kết nhiều hiệp định, thỏa thuận để tăng cường hợp tác quốc tế công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm cũng như đẩy mạnh hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam với các cơ quan thực thi pháp luật các nước. Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an và người đứng đầu Ủy ban Giám định tư pháp quốc gia Cộng hòa Belarus đã ký “Bản ghi nhớ về trao đổi đoàn cán bộ nghỉ dưỡng giữa Bộ Công an nước CHXHCN Việt Nam và Ủy ban Giám định tư pháp Belarus” hồi tháng 4.
Cũng trong tháng 4, nhân dịp tháp tùng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Cộng hòa Cuba, Cộng hòa Argentina và Cộng hòa Đông Uruguay, ngày 26/4, tại Argentina, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, trước sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an và đại diện được ủy quyền của nước Cộng hòa Argentina là Đại sứ Pablo Anselmo Tettamanti, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Thương mại quốc tế và Tôn giáo Argentina đã ký kết “Hiệp định về dẫn độ” và “Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù”.
Việc ký kết hai hiệp định song phương cấp nhà nước lần này góp phần tăng cường hợp tác trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm giữa hai nước, đồng thời tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (UNTOC) và Nghị định thư về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em bổ sung Công ước UNTOC (Nghị định thư TIP)...
Tháng 9/2023, Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Công an Việt Nam do Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an làm trưởng đoàn đã tham dự Diễn đàn Hợp tác an ninh cộng đồng toàn cầu năm 2023 (Diễn đàn Liên Vân Cảng) diễn ra tại TP Liên Vân Cảng (tỉnh Giang Tô, Trung Quốc), từ ngày 19 đến ngày 21/9.
Qua đó cho thấy, thông qua công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế, lực lượng CAND đã chủ động trao đổi thông tin, đánh giá, dự báo sâu sát, toàn diện hơn về tình hình thế giới, khu vực và trong nước; chia sẻ kinh nghiệm, huy động các nguồn lực từ bên ngoài để bảo đảm ANTT trong nước cũng như nâng cao hiệu quả tham gia phòng ngừa, ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu. Nhờ tăng cường công tác đối ngoại chuyên sâu trên lĩnh vực ANTT nên công tác phòng, chống các loại tội phạm, nhất là tội phạm khủng bố, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm lợi dụng công nghệ cao...
Bên cạnh đó, thông qua hoạt động hợp tác quốc tế, lực lượng CAND góp phần tích cực truyền tải các thông điệp về đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, làm cho cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về tình hình Việt Nam; giảm thiểu các tác động, can thiệp thô bạo, thiếu thiện chí vào công việc nội bộ của Việt Nam; góp phần tăng cường sự đồng thuận, ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam trong đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia...
Thêm nữa, việc không ngừng tăng cường hợp tác quốc tế còn giúp Bộ Công an Việt Nam tiếp tục củng cố, mở rộng, phát triển quan hệ hợp tác liên quan đến công tác công an với các nước và các tổ chức quốc tế, đặc biệt là với các đối tác truyền thống hữu nghị có độ tin cậy cao, các nước láng giềng, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các nước lớn; từng bước đưa các mối quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, có trọng tâm, trọng điểm. Chủ động nắm bắt thời cơ, nhận thức rõ thách thức, lựa chọn mức độ, cấp độ tham gia và tích cực khởi xướng các cơ chế liên kết khu vực, quốc tế về an ninh phù hợp với lợi ích an ninh quốc gia của Việt Nam; tiếp tục chủ động đưa ra các sáng kiến trong tổ chức các hội nghị giữa những người đứng đầu cơ quan an ninh các nước ASEAN, ASEAN+, ASEAN - Liên minh châu Âu (EU) để ngày càng nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam và Bộ Công an Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Tăng cường hoạt động trên các diễn đàn đa phương, chủ động phối hợp với các đối tác tham gia giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu.
Để làm được những việc trên, Bộ Công an đã chủ động triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Nổi bật là đã củng cố, mở rộng, phát triển quan hệ hợp tác liên quan công tác công an với các nước và các tổ chức quốc tế, đặc biệt là với các đối tác truyền thống, các nước láng giềng, các nước ASEAN, từng bước đưa các mối quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu ổn định bền vững có trọng tâm, trọng điểm. Tăng cường đàm phán, ký kết các điều ước, thỏa thuận quốc tế song phương và đa phương, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, đáp ứng yêu cầu hợp tác bảo vệ ANTT. Tích cực tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý phục vụ hiệu quả công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế về đấu tranh phòng, chống tội phạm, xử lý khủng hoảng và các mối đe dọa an ninh phi truyền thống.
Nghiên cứu mở rộng và thiết lập các cơ chế hợp tác song phương với các nước, các tổ chức quốc tế trong khu vực và trên thế giới về phòng, chống tội phạm ma túy, tội phạm rửa tiền, tội phạm buôn lậu, tội phạm buôn người, tội phạm lợi dụng công nghệ cao... Thực hiện có hiệu quả các điều ước quốc tế, các hiệp định, thỏa thuận hợp tác mà Việt Nam đã ký hoặc gia nhập. Nghiên cứu xây dựng, đàm phán, ký kết hoặc trình cấp có thẩm quyền ký kết, phê duyệt, phê chuẩn các điều ước, thỏa thuận quốc tế song phương và đa phương nhằm tạo hành lang pháp lý phù hợp, đáp ứng yêu cầu hợp tác bảo vệ an ninh quốc gia. Chủ động phối hợp với các đối tác tham gia giải quyết các vấn đề an ninh mang tính toàn cầu.