Tăng cường hợp tác quốc tế trong quản lý tài nguyên nước, ứng phó biến đổi khí hậu
Việt Nam luôn xác định 'nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường, quyết định sự tồn tại, phát triển bền vững của đất nước'.
Mới đây, bên lề Hội nghị của Liên Hợp Quốc rà soát toàn diện giữa kỳ việc thực hiện các mục tiêu trong thập kỷ hành động "Nước vì sự phát triển bền vững" giai đoạn 2018-2022, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có các cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Hoa Kỳ Debra Haaland, Bộ trưởng Phát triển bền vững và Môi trường Singapore Grace Fu, Bộ trưởng Nước sạch và Vệ sinh Ấn Độ Gajendra Singh Shekhawat.
Tài nguyên nước đang phải chịu những áp lực to lớn chưa từng có do tính chất ngày càng cực đoan của biến đổi khí hậu, thiên tai, ô nhiễm, nguy cơ cạn kiệt do việc khai thác và sử dụng thiếu bền vững.
Trong những năm qua, Việt Nam luôn xác định "nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường, quyết định sự tồn tại, phát triển bền vững của đất nước". Hiến pháp Việt Nam đã quy định "nước là tài sản". Các chính sách, thể chế về tài nguyên nước đang được hoàn thiện là cơ sở để quản lý một cách bài bản và có tầm nhìn xa.
Đồng thời, Việt Nam cam kết đảm bảo phát huy tối đa lợi ích mà nước mang lại, đồng thời giảm thiểu các tác hại liên quan đến nước. Cụ thể, đến năm 2025, 100% các lưu vực sông lớn được điều hòa phân bổ nguồn nước nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm nước thông qua các quy hoạch tài nguyên nước; đến năm 2030, 100% hộ gia đình ở thành thị được tiếp cận nước sạch theo quy chuẩn.
Tại cuộc gặp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Hoa Kỳ tăng cường hỗ trợ Việt Nam trong xây dựng và quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước, cảnh báo sớm về tài nguyên nước, giải quyết vấn đề quản lý nước ở khu vực sông Mê Kông; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, giáo dục và an sinh xã hội.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Debra Haaland khẳng định Hoa Kỳ coi Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực; nhấn mạnh sẽ tăng cường hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực quản lý nước, bảo tồn đa dạng sinh học, giáo dục đào tạo.
Được biết, với lưu vực sông Mê Kông, hiện nay, chỉ có 4 nước trên lưu vực là Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam tham gia Hiệp định Mê Kôngnăm 1995, là thành viên của Ủy hội sông Mê Công quốc tế.
Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Phát triển bền vững và Môi trường Singapore Grace Fu, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị hai bên xây dựng kế hoạch về các hoạt động hợp tác cụ thể, nhất là trong phối hợp triển khai thực hiện các cam kết về biến đổi khí hậu và tài nguyên nước; khuyến khích các doanh nghiệp Singapore đầu tư vào Việt Nam sử dụng công nghệ tiên tiến, ít phát thải khí carbon.
Bộ trưởng Grace Fu chúc mừng những thành tựu mà Việt Nam đạt được, đặc biệt là những nỗ lực trong thúc đẩy phát triển bền vững, chuyển đổi xanh và ứng phó biến đổi khí hậu; nhất trí thúc đẩy hợp tác chặt chẽ giữa 2 nước trong lĩnh vực quản lý tài nguyên, ứng phó biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng.
Trao đổi với Bộ trưởng Nước sạch và Vệ sinh Ấn Độ Gajendra Singh Shekhawat, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị hai bên tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý nước, ứng phó biến đổi khí hậu, cảnh báo thiên tai, khí tượng thủy văn và năng lượng xanh.
Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Nước Liên hợp quốc năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chia sẻ mối quan tâm, lo ngại trước thực tế, gần 1/3 dân số thế giới đang sống ở các quốc gia bị căng thẳng hoặc khan hiếm nước. Dự báo, đến năm 2050, sẽ có hơn 5 tỷ người gặp khó khăn về tiếp cận nước.
Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo, 40% dân số thế giới bị ảnh hưởng do thiếu và khan hiếm nước. Dịch bệnh liên quan đến ô nhiễm nước có thể làm mất đi 7-10% GDP toàn cầu.
"Bảo vệ tài nguyên nước chính là bảo vệ hành tinh, bảo vệ sự sống của con người cùng với những thành tựu kinh tế-xã hội, giá trị văn hóa, lịch sử đã được các thế hệ phát triển, vun đắp qua hàng nghìn năm qua", Phó Thủ tướng chia sẻ.
Hội nghị của Liên hợp quốc rà soát toàn diện giữa kỳ việc thực hiện các mục tiêu trong thập kỷ hành động “Nước vì sự phát triển bền vững” giai đoạn 2018 - 2022 là Hội nghị cấp cao đầu tiên sau 46 năm của Liên hợp quốc về vấn đề này, với sự tham dự của gần 20 Lãnh đạo Cấp cao, 80 Bộ trưởng các nước và nhiều lãnh đạo các cơ quan Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế.
Hội nghị Nước Liên hợp quốc 2023 diễn ra từ ngày 22 - 24/3 với 5 chủ đề đối thoại chính: Nước cho sức khỏe; Nước vì sự phát triển bền vững; Nước đối với khí hậu, phục hồi và môi trường; Nước đối với sự hợp tác; và Thập kỷ hành động nước. Các phiên thảo luận nhằm hướng tới việc nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nước, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững trước năm 2030.