Tăng cường hợp tác Việt Nam - Bỉ về các giải pháp phát triển đô thị bền vững

Ngày 1/4, Cục Xúc tiến Đầu tư và Thương mại vùng Flanders (FIT), Vương quốc Bỉ tổ chức Hội thảo hợp tác Việt Nam và Bỉ về các giải pháp bền vững - kiến tạo ngày mai: Tầm nhìn cho các đô thị linh hoạt và bền vững.

Cách tiếp cận tiên tiến trong xây dựng đô thị bền vững

Đây là một sự kiện mang tính bước ngoặt nhằm làm nổi bật các cách tiếp cận tiên tiến trong xây dựng bền vững và thiết kế đô thị. Sự kiện này hướng đến việc thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa các bên liên quan của Bỉ và Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng đang phát triển mạnh mẽ. Hội thảo thảo luận các chủ đề quan trọng như quy hoạch đô thị chống chịu với biến đổi khí hậu, kỹ thuật xây dựng bền vững và vật liệu đổi mới.

Bộ trưởng vùng Flanders Cieltje Van Achter phát biểu khai mạc Hội thảo.

Bộ trưởng vùng Flanders Cieltje Van Achter phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Bộ trưởng vùng Flanders (Vương quốc Bỉ) Cieltje Van Achter cho biết, Flanders có mật độ dân số rất cao, là nơi tập trung nhiều đô thị phát triển mạnh mẽ nên chủ đề đô thị hóa rất được quan tâm.

Vùng Flanders nói riêng và Vương quốc Bỉ nói chung đang phải đối mặt với những thách thức tương tự Việt Nam trong phát triển đô thị. Tuy nhiên, khu vực công và khu vực tư nhân của Bỉ cũng đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng bền vững.

Hiện nay, vùng Flanders đang phát triển các công cụ, giải pháp và công nghệ để giải quyết những thách thức nêu trên thông qua việc đánh giá rủi ro về ngập lụt, đánh giá chi tiết về hệ thống cấp thoát nước hay xây dựng các tòa nhà trung hòa carbon. Thông qua việc đổi mới công nghệ, vùng Flanders có thể tối ưu hóa được việc sử dụng tài nguyên và giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với môi trường.

“Đây là tầm nhìn và cũng là niềm tin của Flanders, là điều mà chúng tôi cố gắng đạt được thông qua mô hình hợp tác đặc biệt bao gồm 4 bên: Chính phủ, khu vực tư nhân, các viện nghiên cứu khoa học và người dân.

Việc phát triển đô thị bền vững là trách nhiệm của tất cả mọi người vì chúng ta đều cần một ngôi nhà để sinh sống, một thành phố để làm việc và nghỉ ngơi. Tôi hy vọng Hội thảo hôm nay sẽ là cơ hội để chúng ta chia sẻ những quan điểm, những bài học kinh nghiệm tốt nhất của vùng Flanders và cả Việt Nam, từ đó chúng ta sẽ cùng nhau hiện thực hóa tầm nhìn này”, Bộ trưởng Cieltje Van Achter nói thêm.

Hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và ứng dụng công nghệ là điều kiện tiên quyết

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, trong những năm qua, Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trong lĩnh vực phát triển đô thị với tỷ lệ đô thị hóa khoảng 44,3% vào năm 2024.

Tuy nhiên, hệ thống đô thị tại Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm áp lực gia tăng dân số, biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên hiệu quả và đảm bảo môi trường sống xanh, sạch, bền vững.

Để giải quyết những vấn đề này, việc hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến là điều kiện tiên quyết.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu tại Hội thảo.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu tại Hội thảo.

Vương quốc Bỉ được biết đến là một quốc gia có nhiều kinh nghiệm cho phát triển đô thị thông minh, bền vững với các giải pháp quy hoạch tối ưu, kiến trúc xanh, sử dụng năng lượng và tài nguyên nước hiệu quả, quản lý đô thị linh hoạt.

“Bộ Xây dựng tin tưởng rằng, thông qua Hội thảo này, các chuyên gia của hai nước sẽ có những trao đổi sâu sắc về các giải pháp sáng tạo và phát triển đô thị linh hoạt, thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của Việt Nam”, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn bày tỏ.

Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh, Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã khẳng định, đô thị hóa là một xu thế tất yếu, khách quan, là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Các đô thị cần phát triển theo hướng thông minh, xanh, thích ứng linh hoạt, kết hợp giữa công nghệ hiện đại và các giá trị truyền thống, góp phần tạo nên những thành phố đáng sống bền vững cho các thế hệ tương lai.

Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực tinh gọn tổ chức bộ máy, hệ thống chính trị, mở đường cho đất nước vươn mình phát triển trong kỷ nguyên mới, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đã gợi ý một số giải pháp mang tính căn bản để phát triển đô thị bền vững.

Đó là quy hoạch đô thị phải thông minh và linh hoạt; Phát triển hạ tầng, hạ tầng giao thông thông minh, bền vững; Sử dụng năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng; quản lý và sử dụng rác thải, chất thải hiệu quả; Nâng cao nhận thức của người dân thông qua việc tạo ra cơ chế khuyến khích sự tham gia của người dân, cộng đồng trong quy hoạch và giám sát phát triển đô thị.

Cần tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển đô thị bền vững

Tại Hội thảo, Giám đốc về Nước và chuyển đổi năng lượng, Viện Nghiên cứu khoa học và công nghệ vùng Flanders Leen Govaerts, nhấn mạnh 4 khía canh quan trọng trong lĩnh vực phát triển đô thị chống chịu với biến đổi khí hậu. Đó là sự tham gia của người dân trong quy hoạch và giám sát đô thị; Mô hình hóa các kịch bản tác động đến đô thị; Xây dựng các nền tảng, hệ thống cảnh báo sớm; Cung cấp các giải khoa công nghệ tiên tiến.

Tất cả đều hướng đến mục tiêu là cải thiện chất lượng môi trường đô thị, phát triển đô thị bền vững và chống chịu với biến đổi khí hậu.

Bà Leen Govaerts cũng đã giới thiệu một số công cụ đang được sử dụng tại Bỉ như phần mềm đo đạc sóng nhiệt trong đô thị, phần mềm tính toán ngập lụt, công cụ hỗ trợ thiết kế quy hoạch đô thị…

Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) Hoàng Vĩnh Hưng chia sẻ về thách thức và giải pháp xây dựng các thành phố bền vững tại Việt Nam.

Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) Hoàng Vĩnh Hưng chia sẻ về thách thức và giải pháp xây dựng các thành phố bền vững tại Việt Nam.

Còn theo Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) Hoàng Vĩnh Hưng, tại Việt Nam, quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ giúp cuộc sống của người được cải thiện, nhưng cũng kéo theo những hệ lụy, trong đó có biến đổi khí hậu. Vậy đâu là giải pháp để kiểm soát quá trình đô thị hóa bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế nhưng không gây hại đến môi trường?

Viện trưởng Hoàng Vĩnh Hưng cho rằng, quá trình đô thị hóa tại Việt Nam đang gặp những thách thức lớn như thiếu không gian xanh, tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường, tỷ lệ phát thải khí nhà kính còn lớn…

Để giải quyết những thách thức nêu trên, Việt Nam sẽ cần lưu ý thực hiện một số nội dung quan trong như đảm bảo phát triển giao thông bền vững; Thực hiện các sáng kiến về tái chế, giảm chất thải; Đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo; Giảm phát thải carbon trong các tòa nhà…

Viện trưởng Hoàng Vĩnh Hưng cho rằng, sự hợp tác quốc tế sẽ đóng vai trò rất quan trọng để tạo ra cầu nối giữa các công ty quốc tế và các chính quyền địa phương nhằm đưa vào áp dụng những công nghệ phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Trong phần thảo luận nhóm, các chuyên gia đã trao đổi về 2 chủ đề: Tính bền vững trong thiết kế đô thị và công trình, vật liệu bền vững.

Các chuyên gia tham dự Hội thảo trao đổi về tính bền vững trong thiết kế đô thị và công trình, vật liệu bền vững.

Các chuyên gia tham dự Hội thảo trao đổi về tính bền vững trong thiết kế đô thị và công trình, vật liệu bền vững.

Ở chủ đề tính bền vững trong thiết kế đô thị, các chuyên gia đã chia sẻ ý kiến về mô hình thành phố bọt biển; Cân bằng giữa phát triển kinh tế và phát triển đô thị bền vững; Cách tiếp cận, thuyết phục các bên liên quan sử dụng các giải pháp, đầu tư phát triển các hạ tầng trọng yếu để cải thiện cuộc sống cho người dân; Sự tham gia của các bên liên quan trong phát triển đô thị bền vững; Khác biệt trong cách tiếp cận giữa khu vực công và khu vực tư nhân.

Các diễn giả đồng thời cập nhật công nghệ tiên tiến trong quy hoạch, quản lý đô thị; đẩy mạnh sử dụng công nghệ để cảnh báo thiên tại, quản lý và phát triển đô thị bền vững; giải pháp công nghệ phù hợp với điều kiện của Việt Nam; chuyển giao kiến thức, kỹ năng và công nghệ về quản lý, phát triển đô thị giữa Bỉ và Việt Nam…

Ở chủ đề công trình và vật liệu bền vững, các chuyên gia đã trao đổi về các nội dung nhu cầu về quản lý, sử dụng đất thông minh hơn trong phát triển đô thị; vai trò của tiết kiệm năng lượng trong các tòa nhà đối với sự phát triển đô thị bền vững; sử dụng vật liệu xanh trong xây dựng các tòa nhà; quản lý nước và ứng phó đối với ngập lụt tại đô thị.

Đồng thời các chuyên gia cũng đề cập sự thay đổi trong tư duy xây dựng công trình xanh tại Việt Nam; Giải pháp để giảm lượng phát thải carbon trong quá trình xây dựng và vận hành các tòa nhà; Chiến lược giảm phát thải carbon trong quá trình thiết kế công trình; Cải tiến về vật liệu xanh, vật liệu tiết kiệm năng lượng; đảm bảo tính bền vững khi cải tạo các tòa nhà cũ; Quy chuẩn, tiêu chuẩn chứng nhận công trình xanh trên thế giới và tại Việt Nam; Chi phí đầu tư ban đầu để xây dựng công trình xanh…

Dịch Phong

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/tang-cuong-hop-tac-viet-nam-bi-ve-cac-giai-phap-phat-trien-do-thi-ben-vung-397577.html