Tăng cường kết nối dữ liệu để chống thất thu thuế thương mại điện tử

Kinh doanh trên nền tảng (TMĐT) đến nay vẫn là một hình thức mới nên việc quản lý thuế vẫn còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, ngành Thuế đã xây dựng nhiều giải pháp cụ thể để tăng cường quản lý và chống thất thu thuế.

Còn nhiều khó khăn trong quản lý thuế TMĐT.

Còn nhiều khó khăn trong quản lý thuế TMĐT.

Khó kiểm soát dòng tiền

Theo Tổng cục Thuế, khó khăn đầu tiên phải kể đến là trong việc quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế. Do phương thức mua bán, giao dịch được thực hiện thông qua các phương tiện trực tuyến, kết nối mạng Internet toàn cầu nên người mua người bán không cần có sự tiếp xúc trực tiếp, không cần địa điểm kinh doanh cố định. Hộ, cá nhân kinh doanh TMĐT thường không có đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế, không có địa chỉ kinh doanh rõ ràng, bên cạnh đó có nhiều đối tượng sử dụng thông tin cá nhân của người khác để đăng ký kinh doanh TMĐT nên khó quản lý được chính xác đối tượng.

Đặc biệt, hoạt động kinh doanh của các nhà cung cấp nước ngoài được thực hiện hoàn toàn trên nền tảng số, thông qua mạng internet dẫn đến việc cơ quan thuế gặp khó khăn khi thu thập thông tin, xây dựng danh sách nhà cung cấp nước ngoài để yêu cầu đăng ký, kê khai và nộp thuế. Cơ quan thuế cũng khó tiếp cận hỗ trợ, hướng dẫn nhà cung cấp nước ngoài hiểu và chấp hành đúng pháp luật thuế của Việt Nam do các nhà cung cấp nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam.

Một khó khăn khác đó là trong việc xác định được căn cứ tính thuế do một đối tượng có thể có nhiều gian hàng trên một sàn giao dịch TMĐT, và cùng lúc trên nhiều sàn giao dịch TMĐT, cùng lúc trên nhiều trang mạng xã hội.

Cơ quan thuế hiện cũng đang gặp khó trong việc phân biệt rõ loại thu nhập làm cơ sở đánh thuế. Trong nền kinh tế số, rất khó phân biệt một số loại thu nhập, đặc biệt là bản quyền, phí dịch vụ hay doanh thu hàng hóa thông thường để làm căn cứ tính thuế, nghĩa vụ khai thuế.

Hơn nữa, việc kiểm soát dòng tiền cũng không dễ dàng: do có nhiều phương thức thanh toán như: thanh toán bằng tiền mặt, thanh toán qua ngân hàng, thanh toán điện tử, thanh toán ngang hàng (P2P), tiền điện tử..., đồng thời với các phương thức điện tử cũng rất khó trong việc xác định doanh thu phát sinh từ hoạt động bán hàng và giao dịch cá nhân thông thường.

Theo Tổng cục Thuế, hiện, thông tin do sàn TMĐT cung cấp lên Cổng thông tin còn chưa đầy đủ, nhiều sai lệch và bất hợp lý. Việc chia sẻ, kết nối thông tin TMĐT giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan với cơ quan thuế còn hạn chế.

Đặc biệt, việc xử lý vi phạm hành chính về kê khai, đăng ký thuế gặp nhiều khó khăn do khi liên hệ một số cá nhân đã nghỉ kinh doanh, chuyển địa điểm kinh doanh, một số phản ứng thiếu hợp tác, không chấp hành quy định xử lý của cơ quan thuế.

Áp dụng Trí tuệ nhận tạo để xử lý dữ liệu lớn

Để khắc phục những khó khăn này, trong năm 2024, Tổng cục Thuế sẽ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế, Luật thuế và các văn bản dưới Luật có liên quan nhằm tăng cường trách nhiệm trong việc khai thuế, nộp thuế và cung cấp thông tin cho cơ quan thuế của các chủ thể có liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử như: chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử, nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam, các đơn vị vận chuyển, ngân hàng, trung gian thanh toán…

Đồng thời, nghiên cứu xây dựng/thuê ngoài công cụ tự động thu thập dữ liệu của các đối tượng kinh doanh theo hình thức kinh doanh trực tuyến qua các kênh: website kinh doanh của đối tượng kinh doanh, sàn giao dịch TMĐT, mạng xã hội như Facebook, Instagram, Tiktok...

Hoàn thiện cơ sở dữ liệu về TMĐT từ các nguồn thông tin từ người nộp thuế, thông tin quản lý thuế của cơ quan thuế, thông tin từ kết quả thanh tra, kiểm tra và thông tin từ bên thứ ba (các cơ quan, tổ chức khác); Xây dựng mô hình quản lý rủi ro đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT, theo đó áp dụng trí tuệ nhận tạo (AI) để xử lý dữ liệu lớn, đưa ra các cảnh báo đối với trường hợp có rủi ro về thuế.

Cơ quan thuế tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, đặc biệt chú trọng người nộp thuế là cá nhân kinh doanh TMĐT, chủ sở hữu sàn TMĐT, nhà cung cấp nước ngoài thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định.

Song song với đó là tiếp tục triển khai công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch thường xuyên và theo chuyên đề đối với hoạt động TMĐT, trong đó tập trung thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp là chủ sàn kinh doanh TMĐT, các đơn vị vận chuyển, trung gian thanh toán để nắm bắt thông tin về các cá nhân, tổ chức có kinh doanh TMĐT.

Thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước trong việc chia sẻ, kết nối dữ liệu nhằm nâng cao công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, đặc biệt là tập trung triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối dữ liệu giữa các bộ, ngành phục vụ phát triển TMĐT, chống thất thu thuế, đảm bảo an ninh tiền tệ.

Thùy Linh

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tang-cuong-ket-noi-du-lieu-de-chong-that-thu-thue-thuong-mai-dien-tu.html?source=cat-87