Tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP
Năm 2019, tỉnh Quảng Trị có 19 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 2 sản phẩm đạt mức phân hạng 4 sao và 17 sản phẩm đạt mức phân hạng 3 sao. Từ kết quả này, việc thúc đẩy quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề, đặc sản vùng miền, các sản phẩm có lợi thế của địa phương là giải pháp hiệu quả để tiếp tục phát triển nhóm sản phẩm cấp xã, huyện, phát huy hiệu quả chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (chương trình OCOP).
Theo số liệu điều tra, khảo sát thu thập dữ liệu phục vụ xây dựng đề án chương trình OCOP, toàn tỉnh có 35 sản phẩm thế mạnh, thuộc 6 nhóm sản phẩm. Trong đó, nhóm thực phẩm có 21 sản phẩm, nhóm đồ uống có 3 sản phẩm, nhóm thảo dược có 6 sản phẩm, nhóm vải và may mặc có 1 sản phẩm, nhóm lưu niệm - nội thất - trang trí có 3 sản phẩm, nhóm dịch vụ du lịch nông thôn có 1 sản phẩm. Ngoài ra, Quảng Trị có gần 100 sản phẩm, vật phẩm tiềm năng có thể phát triển, tham gia chương trình OCOP. Hiện nay có 5 sản phẩm có doanh thu trên 20 tỉ đồng/năm gồm nước mắm (52,6 tỉ đồng), bún bánh (85 tỉ đồng), cá hấp (60 tỉ đồng), ném củ (21 tỉ đồng) và cao dược liệu (20 tỉ đồng). Ngoài cung cấp cho thị trường trong tỉnh, các sản phẩm còn được tiêu thụ mạnh ở khu vực Trung Bộ, xuất khẩu đi các nước Lào, Trung Quốc… Năm 2019, toàn tỉnh có 22 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh, trong đó có 19 sản phẩm đã được đánh giá, gồm 2 sản phẩm đạt mức điểm 4 sao, 17 sản phẩm đạt mức điểm 3 sao.
Đối với các sản phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, trên thực tế các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã nỗ lực tìm kiếm, liên kết thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh từ rất sớm. Tinh bột nghệ và bột ngũ cốc thương hiệu Liên Giang của cơ sở sản xuất Liên Giang, thị xã Quảng Trị được đánh giá là sản phẩm OCOP đạt mức điểm 3 sao hiện đang được phân phối rộng khắp ở hệ thống siêu thị bán lẻ ở các tỉnh Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… Chị Phan Thu Giang, chủ cơ sở sản xuất cho biết: “Để kết nối tiêu thụ sản phẩm được tại các hệ thống bán lẻ, siêu thị mini của các thành phố lớn thì đòi hỏi sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Hiện nay sản phẩm của cơ sở sản xuất cơ bản đã có chỗ đứng ở hệ thống bán lẻ và các siêu thị mini của các tỉnh, chúng tôi tiếp tục nỗ lực kết nối để sản phẩm OCOP của Quảng Trị được tiêu thụ ở hệ thống siêu thị lớn trong cả nước”.
Hạt gạo được sản xuất trên đồng đất Quảng Trị theo phương thức canh tác tự nhiên là gạo sạch Triệu Phong, sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đạt mức điểm 4 sao hiện được bày bán tại hệ thống siêu thị Coop. mart, hệ thống cửa hàng Bác Tôm và các kênh phân phối khác ở Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khu vực miền Trung. Như vậy có thể thấy, dù các sản phẩm được chứng nhận OCOP của tỉnh chưa nhiều nhưng hiệu quả đã được khẳng định trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
AOIFOODS là doanh nghiệp được lựa chọn đầu tư cùng với nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ để thiết lập cửa hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm OCOP của tỉnh. Theo đại diện cửa hàng, lượng khách hàng là người nước ngoài khi đến tham quan mua sắm tại đây đặc biệt quan tâm và ưa thích các sản phẩm đặc trưng của tỉnh như các loại tinh dầu, trà thảo dược… Đây là địa chỉ đáng tin cậy về chất lượng sản phẩm cũng như là trung tâm để tư vấn, phản hồi cho các chủ thể hoàn thiện hơn về phong cách bao bì, nhãn mác và cầu nối để thiết lập các liên kết tiêu thụ sản phẩm với các nhà phân phối khác trên toàn quốc.
Thời gian qua, từ nguồn vốn chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại chương trình OCOP các đơn vị trong tỉnh đã hỗ trợ kết nối thị trường tiêu thụ đối với các sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh. Các doanh nghiệp đã được hỗ trợ tham gia 6 hội chợ trong nước, mỗi hội chợ có từ 3-5 đơn vị tham gia với 4-6 gian hàng, doanh thu bình quân 200 triệu đồng/hội chợ. Quan trọng hơn là từ cơ hội tham gia hội chợ đã giúp các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, bên cạnh đó mở rộng mối liên kết với các doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố thông qua mở đại lý, hợp tác tiêu thụ sản phẩm. Thông qua hình thức tổ chức đoàn doanh nghiệp đi giao thương, xúc tiến thương mại tại các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp trong tỉnh đã ký kết 25 biên bản ghi nhớ, hợp tác, hợp đồng với các đối tác về mở đại lý phân phối sản phẩm với các doanh nghiệp tại Bình Dương, Cần Thơ. Tại Hải Phòng, các doanh nghiệp đã kết nối được với các nhà phân phối tiêu thụ sản phẩm như Công ty Cổ phần Thương mại Minh Khai, Lan Chi mart, Siêu thị Mmmega maket... Kết nối với các nhà phân phối tiêu thụ sản phẩm tại Quảng Ninh như Công ty TNHH MTV Nông sản Thảo Huyền, Cửa hàng thực phẩm sạch Từ Tâm, Cửa hàng thực phẩm sạch Green mart Hạ Long, HTX Tứ Đại, Công ty TNHH Hà Mây…Các doanh nghiệp đã ký kết 30 biên bản ghi nhớ, hợp tác, hợp đồng với các đối tác tại các tỉnh, thành phố.
Chương trình OCOP là một chương trình mới và đã được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, ban hành các chủ trương, văn bản để triển khai thực hiện. Các chủ thể sản xuất, kinh doanh, các hợp tác xã, doanh nghiệp nhận thấy được những lợi ích khi tham gia thực hiện chương trình OCOP nên tích cực phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện chương trình.
Trong thời gian tới, mục tiêu đề ra của các ngành chức năng là ngoài việc hỗ trợ các sản phẩm được công nhận OCOP được trưng bày, giới thiệu và bán tại quầy hàng giới thiệu sản phẩm OCOP thì sẽ phát triển thêm các trung tâm, điểm bán hàng, cửa hàng OCOP trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tăng cường đưa các sản phẩm OCOP tham gia các kỳ xúc tiến thương mại chủ động tại địa phương và tham gia xúc tiến thương mại quốc gia, quốc tế. Tổ chức hội nghị đối tác OCOP để kết nối chuỗi giá trị đầu vào, tổ chức sản xuất cũng như kết nối tiêu thụ sản phẩm, xác định ít nhất 1 kỳ hội nghị đối tác OCOP/năm.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=148068